Bạn đọc viết

Lãng phí lãnh đạo

Tôi thấy có một sự lãng phí chưa bao giờ được chỉ ra và sự lãng phí này nó phản ánh nhiều vấn đề từ nhận thức đến hiệu quả làm việc. Chống được lãng phí này thì sẽ tiết kiệm một khoản không nhỏ để trả được nợ.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

A: Sau phiên nghỉ sớm ngày 21/10 thì có vẻ Quốc hội đã bắt đầu khởi động vào guồng rồi, ông nhỉ ?

B: Ừ, đã bắt đầu thấy nong nóng rồi đấy. Nào là 40 ngàn xe công mỗi năm ngốn trọn 13 ngàn tỷ đồng, nào là kiến nghị cắt giảm hội họp nhất là kỷ niệm nọ kia để giảm ngân sách, nào là tiền vay toàn là tiền đực không phải tiền cái vì có thấy đẻ gì đâu… vân vân và vân vân.

A: Túm lại, động đến tiền là nhiều chuyện rồi, nhất là như phân tích của Bộ trưởng Vinh thì ngân sách TW mỏng lắm, chỉ hơn 4 lần chi phí cho xe công một năm một tý thôi.

B :Lại phải  dùng kế sách là…. vay vảy vày vay thôi. Lại thêm một gánh nặng để “di sản” cho con cháu đây.

A: Có lẽ Quốc hội phải thật quyết liệt trong trong việc đưa ra chế tài và giám sát thật sát việc chống lãng phí và thực hành tiết kiệm mau thôi không thì gay, ông nhỉ ?

B: Tôi thấy có một sự lãng phí chưa bao giờ được chỉ ra ? Sự lãng phí này nó phản ánh nhiều vấn đề từ nhận thức đến hiệu quả làm việc. Chống được lãng phí này thì chẳng lo không trả được nợ, ông ạ.

A:   Lãng phí gì mà ghê gớm vậy ông ?

B:  Lãng phí lãnh đạo.

A:  Là sao ?

B: Là lãng phí lãnh đạo chứ sao. Này nhé cứ như Bộ trưởng Y tế giãi bày thì bà nhận được giấy mời dự lễ kỷ niệm nhiều đến mức "không biết trốn thế nào”. Cứ soi vào quận ta thì thấy có rất nhiều cái hội nghị chuyên đề, cái kỷ niệm, cái phát động mà lãnh đạo thì cứ dàn hàng ngang mà đến từ cấp Trưởng, rồi cấp phó thậm chí còn có mặt tất cả các cấp phó, rồi đầy đủ từ lãnh đạo cấp ủy, thường trực HĐND, UBND…Thế có lãng phí không?

A: Nhưng đến để còn thể hiện sự quan tâm chứ.

B: Đấy, lãng phí chính  đang được  đội lốt bằng mỹ từ “quan tâm” đấy ông ạ. Quốc kế dân sinh có bao nhiêu việc phải lo, phải biết đặt cái gì lên trước. Nên cử một lãnh đạo đến dự phát biểu và chỉ đạo thôi, chứ nhiều quá nó khổ cả thằng MC nữa ông ạ. Tóm lại thì nhận thức vẫn bị trói bởi hai từ “quan tâm” còn thực tế là cơ chế hiện chưa tạo ra

áp lực đối với lãnh đạo buộc họ phải cân nhắc, bố trí thời gian ưu tiên cái gì hơn cái gì nếu không sẽ không được tín nhiệm nữa. Ở Thụy Sỹ, tôi đọc được bài viết nói là ngân sách của họ rất chặt chẽ, đến hoạt động đối ngoại mỗi năm chỉ được cử 2 đoàn đại biểu đi thăm nước ngoài và tiếp 2 phái đoàn Quốc hội nước ngoài đến thăm Thụy Sĩ. Vì vậy lãnh đạo họ phải cân nhắc đi đâu và mời ai cho hiệu quả nhất với khoản ngân sách đó.

A: Chà, chà. Họ “keo” quá ông nhỉ ?

B:  Chớ có để nhận thức như thế  trói mình chứ ông. “Keo” mà họ có phải chật vật đâu ? Phải thay đổi nhận thức, phải có một ngân sách hiệu quả, đủ áp lực với lãnh đạo cùng sự quyết liệt trong giám sát để họ phải nghĩ nhằm có nhiều sáng kiến hay kỹ năng mới cho quốc kế dân sinh thay vì dàn hàng ngang đến những sự kiện chẳng liên quan gì, để họ phải chọn cách thức hiệu quả nhất trong khoản ngân sách được phân bổ trong đó không loại trừ việc quyết liệt giảm biên chế nếu muốn tiếp tục được tín nhiệm bầu làm lãnh đạo. Thế thì mới chống được lãng phí lãnh đạo, ông bạn già của tôi ạ.

A:  Ừ, chí lý. Mong các đại biểu bàn để có một áp lực đủ phòng chống được loại lãng phí giấu mặt này.

Bá Vượng