Lạm phát: Để bệnh kéo dài ắt sẽ mãn tính!

(Dân trí) - Không chỉ nêu thêm những nguyên nhân dẫn đến lạm phát ở nước ta, nhiều bạn đọc còn đề xuất những giải pháp nhằm điều trị căn bệnh đáng lo ngại này.

Bắt mạch

 

“Các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát thì chúng ta đã nói nhiều rồi và nói rất hay, rất đúng. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi thì nguyên nhân gián tiếp vẫn là sự quản lý còn kém, chưa đồng đều, còn nặng về tính lý thuyết của những cơ quan, ban ngành được giao chức năng vận hành nền kinh tế. Chúng ta xem ra có thể rất nhanh để tổng hợp và chỉ rõ nguyên nhân gây lạm phát, nhưng lại không thể giải quyết nó một cách hiệu quả...” - Thành thái: thanhnt@gmail.com nhận định.  

 

“Thủ phạm gây lạm phát chính là tính thiếu minh bạch trong quản lý giá và hạn chế trong việc kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước nắm những ngành chủ chốt…” -  Thuc Nguyen: thanhthuc68@gmail.com nhấn mạnh.

 

Đồng Đại: dongdai@ymail.com chỉ rõ: “Theo tôi các nguyên nhân được xếp thứ tự như sau:
 
1. Thất thoát từ đầu tư công: Trong dòng tiền chi cho nền kinh tế thì chi cho đầu tư công là lớn nhất và chủ yếu, bởi nước ta mới thoát nghèo nên xây dựng hạ tầng là nhu cầu tất yếu. Song quản lý đầu tư công còn kém, thất thoát cao, lượng tiền thất thoát này trôi về đâu?
 

- Giới cầm tiền đầu tư vào bất động sản quá lớn dẫn đến nguy cơ bong bóng "xì hơi".

- Họ đầu tư thành lập các ngân hàng thương mại gây ra hiện tượng lãi suất như vừa qua.

- Họ đầu tư vào vàng bạc đá quý, làm cho giá vàng trong nước náo loạn, lệch xa so với vàng thế giới.
 
2/ Kiểm soát mạnh việc tăng giá 2 ngành thiết yếu đời sống toàn xã hội là điện và xăng dầu.
 

3/ Lợi ích nhóm gây lãng phí và thất thoát....”

 
Lạm phát: Để bệnh kéo dài ắt sẽ mãn tính! - 1


(nguồn ảnh: vietnameconomics.com)

 

Tương tự, Thảo Phương stmc_09@yahoo.com.vn nêu căn nguyên: “Lạm phát bắt nguồn từ việc vẫn còn tệ tham nhũng, điều này là cơ bản và cốt lõi nhất. Hiện tại tôi thấy có nhiều người kiếm tiền quá dễ, quá nhiều, họ mua bất kỳ một sản phẩm hàng hóa nào đó nhiều hơn giá trị thực rất nhiều lần. VD: mua nhà, mua ô tô, nội thất trong gia đình, chi phí sinh hoạt hàng ngày của họ có thể chi trả với bất kỳ mức giá nào, khiến giá cả hàng hóa bị đẩy lên.
 
Thêm vào đó tình trạng chiếm đất quy hoạch có thể nói là tràn lan, rất nhiều dự án, công trường tạo ra nhưng thực tế là người mua chỉ đầu cơ, mua đi bán lại (CDT và nhà đầu tư thứ cấp cũng do có quan hệ, nên có được dự án mua được nhà đất giá giá thấp, bán giá cao mà họ có nhiều tiền...) hay nói cách khác là đầu tư nhiều hơn tiết kiệm. Tiền chỉ từ túi người này sang túi người khác mà không tạo ra giá trị thực từ lao động sản xuất mà có. Vậy tiền ở đâu mà họ có nhiều vậy? Ở sản xuất ư?
 
Bên cạnh đó hệ lụy từ việc lấy đất của dự án mua đi bán lại cho người có tiền, khiến đất dự án bỏ không rất nhiều. Thử rà soát lại các dự án của HN xem bao nhiêu dự án lấy đất rồi bỏ hoang, thậm chí giao nhà rồi mà dân không về ở, nhà cửa bỏ hoang? Rồi người dân mất đất không có đất canh tác, sản phẩm cung cấp cho thị trường ít đi, cộng thêm những người sẵn sàng mua với giá cao cũng đẩy giá lên cao. Tôi nghĩ, chỉ có thể đẩy mạnh sản xuất tạo ra giá trị thực và kiên quyết diệt trừ hết tệ tham nhũng thì kinh tế mới phát triển bền vững được”

 

Còn Hoang Van An: thandieudaihiep@yahoo.com cho rằng tâm lý làm ăn theo kiểu “tát nước theo mưa” cũng là một trong những nguyên nhân không nhỏ làm tăng lạm phát ở Việt Nam:

 

“Theo tôi, lạm phát tăng theo tâm lý của người dân: 1. Việc nhà nước thông báo tăng lương trong một thời gian dài, thực tế với thông báo đó lương tăng 1 thì lương thực thực phẩm tăng 10 theo quan niệm lương tăng thì phải tăng giá. 2. Giá xăng thông báo tăng 1 thì tâm lý người bán hàng phải tăng giá theo nhưng là tăng gấp 10 lần. 3. Giá điện thông báo tăng trong một thời gian dài cho người dân cập nhật thông tin, ngấm dần thông tin và... tăng giá bán hàng để bù. Vậy những việc thông báo đó phải theo cách nào để không ảnh hưởng đến tâm lý của người dân”.

 

Kê đơn...

 

“Những nguyên nhân gây lạm phát trên không phải là bây giờ mới biết. Chính phủ nhìn nhận ra từ lâu rồi. Các nhà hoạch định chính sách nhận diện ra từ lâu rồi. Nhưng tại sao không kìm chế được? Theo tôi chỉ có thể là hành động của chúng ta chưa thực sự quyết liệt, chưa đồng bộ. Đã bắt mạch đúng bệnh thì tại sao không ngăn chặn, chữa trị quyết liệt, để bệnh kéo dài ắt sẽ mãn tính. Khi đã mãn tính rồi thì khó mà điều trị ngăn chặn...” - Hoàng Hà: hoangha_ss@yahoo.com cảnh báo.

 

“Kinh tế cứ theo hướng “chữa cháy” như thế thì khó kiềm chế lạm phát. Lạm phát là do tiền nhiều hơn hàng (có nghĩa là hàng không đổi mà tiền nhiều hơn)... Nguyên nhân thứ hai là lượng tiền không đổi mà lượng hàng ít hơn. Cái này nằm ở khâu sản xuất, lỗi tại các nhà máy, xí nghiệp, các công ty.... Không nên đổ lỗi cho nước ngoài vì có bao nhiêu người uống sữa ngoại, có bao nhiêu người đi xe sang... Hãy đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp (Chính phủ chấp nhận lỗ ở nông nghiệp để tạo việc làm cho nông dân, giảm ngoại tệ nhập khẩu nông sản...)...  van nam: nthkbang@yahoo.com.vn đề xuất.

 

Một cách chống lạm phát, tham nhũng hiểu quả đó là Quốc hội sửa lại luật “Ai tham nhũng tổng số tiền lên tới 1 tỷ phải chịu án tử hình” -  nguoi yeu nuoc: kecodoc68@yahoo.com kiến nghị.

 

“Nếu chúng ta không có những biện pháp quản lý chặt chẽ tiền tệ thì tỷ lệ lạm phát lại sẽ tiếp tục tăng, tỷ lệ nghèo tăng và nền kinh tế sẽ đi vào suy thoái trầm trọng. Cần: Quản lý lượng tiền lưu thông. + Bình ổn tỷ giá đô la cho phù hợp. + Tăng tỷ trọng nền kinh tế, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, hạn chế nhập siêu. + Quản lý và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo” - Trần Ngọc Trực: tngoctruc@gmail.com viết.

 

Theo Trung trungxp@yahoo.com.vn thì: "Chính phủ cần giám sát chặt chẽ vấn đề lãi suất của hệ thống ngân hàng, tiền tệ cũng từ ngân hàng mà ra. Nếu ghìm được lãi suất không bị biến động thì giá cả thị trường chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng lớn. Vì hầu hết các DN sản xuất đều phải vay vốn mà các ngân hàng cứ tự do nâng lãi suất lên nếu được Chính phủ đồng ý, thì các nhà sản xuất đều phải tăng giá các mặt hàng là đương nhiên..."

 

 

Trần Bách

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm