Xác định “thủ phạm” gây lạm phát tại Việt Nam

(Dân trí) - Khẳng định có ý kiến trong Chính phủ nói rằng lạm phát tại Việt Nam cao hàng đầu thế giới, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết đã xác định được những nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát cao và kéo dài.

Dành phần lớn thời gian buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 26/9 để nói về thực trạng nền kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Đam cho biết, Chính phủ đã tổng hợp và xác định các nguyên nhân chính gây ra lạm phát.
 
Xác định “thủ phạm”  gây lạm phát tại Việt Nam - 1
Lãnh đạo các Bộ, ngành và báo giới lắng nghe thông tin từ Bộ trưởng Vũ Đức Đam tại buổi Họp báo chính phủ thường kỳ chiều 26/9

 

"Trước, Chính phủ nhìn nhận lạm phát có nguyên nhân từ tiền tệ. Còn kỳ này, Chính phủ đã phân công 3 cơ quan là Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và NHNN cũng nghiên cứu độc lập, xác định nguyên nhân lạm phát", ông Đam nói.

 

Nguyên nhân thứ nhất được Bộ trưởng chỉ ra là do "đầu tư nhiều hơn tiết kiệm". Nghiên cứu của các cơ quan nói trên cho thấy, trong thời gian dài, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trung bình khoảng 30%/năm, tổng phương tiện thanh toán cũng tăng mạnh. Một nguyên nhân khác là hiệu quả đầu tư chưa cao, một phần do quản lý vốn đầu tư kém hiệu quả.

 

Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ cũng khẳng định tiền tệ là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát, bên cạnh việc nền kinh tế quá mở: kim ngạch nhập khẩu có lúc chiếm tới 80% GDP, gây ra nhập siêu là một căn nguyên dẫn tới lạm phát.

 

Đồng thời, ông Đam cho rằng việc quyền số của lương thực, thực phẩm quá cao trong rổ hàng hóa tính CPI cũng khiến con số lạm phát tăng lên. "Lạm phát kéo dài, khiến đồng Việt Nam mất giá, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào đồng tiền và khả năng kiềm chế lạm phát, khiến tâm lý đẩy giá xuất hiện", ông Đam phân tích về nguyên nhân lạm phát kỳ vọng.

 

Nói về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Đam tỏ ra lạc quan khi các chỉ số vĩ mô đều có dấu hiệu tốt lên.

 

Về triển vọng tăng trưởng GDP, ông Đam cho rằng với mức tăng trưởng 6,11% của quý 3, giả sử mức này có "đi ngang" trong quý 4 thì tăng trưởng GDP cả năm vẫn đạt xấp xỉ 6% (hiện nay là 5,76%). Tuy nhiên, đại diện Chính phủ thừa nhận để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6%, cần tiếp tục cơ cấu lại đầu tư.

 

Về lạm phát, chỉ số CPI tháng 9 vừa được Tổng cục Thống kê công bố là 0,82% - thấp nhất trong vòng 13 tháng. Theo ông Đam, nếu không có sự tăng mạnh của nhóm giáo dục do đầu năm học mới, mức tăng này chỉ khoảng 0,3%. Chính phủ kiên định giữ chỉ tiêu lạm phát cả năm ở mức 18%, thấp hơn dự báo của ADB và IMF vừa công bố (18,7%).

 

Bộ trưởng Đam cũng khẳng định, so với mục tiêu hạ mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán từ 15 - 16%, dư địa vẫn còn lớn nên có thể hạ chỉ tiêu. Song mức chỉ tiêu mới vẫn chưa được xác định.

 

Cũng trong chiều 26/9, tại Hội thảo "Triển vọng Kinh tế thế giới - Tăng trưởng chậm lại, rủi ro tăng lên" do Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tổ chức, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng năm 2012, tăng trưởng GDP Việt Nam khó vượt mức 6% GDP vì 3 nguyên nhân: tình hình kinh tế thế giới khó khăn, tỷ lệ tổng đầu tư/GDP giảm và Chính phủ phải "đánh đổi" mục tiêu tăng trưởng để kiềm chế lạm phát. Theo đó, để có thể đạt mục tiêu hạ lạm phát 2012 xuống dưới 10%, và hướng tới khoảng 5% trong trung hạn, Chính phủ có thể phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng. Nhận định này của ông Thành khá phù hợp với quan điểm của Chính phủ, khi khẳng định "kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức tăng trưởng cao hơn" trong mục tiêu của năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

 

Hồng Kỹ