Kiến nghị "tái sinh" xăng A92: Vì dân hay vì lợi nhuận?

Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) vừa có kiến nghị liên Bộ Tài chính – Công Thương nên cho sử dụng lại xăng A92 do sản lượng xăng sinh học E5 được tiêu thụ quá thấp, dẫn đến gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng cho người dân.


Xăng E5 cần được đối xử bình đẳng với xăng khoáng trong kinh doanh. Ảnh: Zing

Xăng E5 cần được đối xử bình đẳng với xăng khoáng trong kinh doanh. Ảnh: Zing

Đây là một đề nghị “lạ” vì xu hướng sử dụng xăng sinh học thân thiện với môi trường đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Lộ trình thay thế xăng A92 bằng E5 đã chuẩn bị từ lâu, có thời gian thí điểm ở một số địa phương đạt kết quả tốt.

Thực tế nghiên cứu, sử dụng xăng E5 không phát sinh những vấn đề như ảnh hưởng động cơ, vận hành…, được người dùng chấp nhận. Xăng E5 hiện rẻ hơn xăng A95 gần 2.000 đồng/lít.

Ngay cả số liệu người sử dụng xăng E5, mà Saigon Petro đưa ra là 30%, cũng không phải là quá thấp.

Vì vậy, kiến nghị mang tính chất “thụt lùi” là cho hồi sinh xăng A92 thay thế cho E5 chắc chắn không thể được chấp nhận.

Theo điều tra của PV Lao Động, không phải đa số người dùng không thích, không lựa chọn xăng E5, mà do chính doanh nghiệp cung cấp xăng dầu không mặn mà. Xăng E5 vẫn bị “xử ép”: nhiều cây xăng không bán E5, hoặc bố trí cột bơm ít, ở vị trí ít thuận lợi hơn. Thậm chí có tình trạng một số nhân viên bơm xăng “khuyến cáo” người dân không nên sử dụng xăng E5.

Một số người dân vẫn không biết xăng E5, chỉ đơn giản là đổ xăng ở cột nào thuận tiện nhất.

Công tác truyền thông về E5 vẫn chưa được chú trọng đúng mức; vẫn còn những thông tin bất lợi cho E5 được tung ra, không được kiểm chứng nhưng làm cho một số người hoang mang.

Một thực tế là khó có chuyện doanh nghiệp lo cho thiệt hại của người tiêu dùng, mà họ đang lo cho túi tiền của chính họ. Bởi vì kinh doanh xăng E5 tốn kém, ít lợi nhuận hơn so với xăng khoáng.

Đương nhiên, lợi nhuận là điều sống còn của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để họ có lợi nhuận tốt hơn, tích cực trong việc kinh doanh và đối xử “bình đẳng” giữa E5 và xăng khoáng.

Cần thiết có những quy định, chế tài cụ thể để doanh nghiệp không còn "phân biệt đối xử" giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng.

Theo Quang Đại

Báo Lao động