Không nhìn đâu xa, hãy học Trung Quốc để giảm tai nạn giao thông

Trong chuyến thăm Trung Quốc ít ngày gần đây, nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai quan sát thấy có thể học tập được một số kinh nghiệm của bạn để giảm thiểu tai nạn giao thông.


Đường sá ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Quang Khai

Đường sá ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Quang Khai

Báo Lao Động giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Quang Khai.

Con đường cao tốc từ thành phố Hồ Nam đến thị trấn Phượng Hoàng Cổ Trấn dài hơn 500km với 4 làn xe được xây dựng chất lượng rất tốt. Chúng tôi ngồi trên xe ôtô đi rất êm do mặt đường phẳng, không một ổ gà, không một gợn sóng và không thấy hình bóng một cảnh sát giao thông nào.

Do đường tốt, xe chạy với tốc độ cao nên mật độ xe lưu thông trên đường khá thông thoáng. Các trạm thu phí đều theo phương thức tự động không dừng nên hết sức thuận tiện.

Đặc biệt, trong 5 ngày rong ruổi trên các con đường của Trung Quốc dài hơn 1.000km, tôi không nhìn thấy một tai nạn giao thông nào.

Tôi hỏi người lái xe thì được biết, thứ nhất là do đường sá được xây dựng tốt theo chuẩn mực quốc tế, thứ hai là luật giao thông rất nghiêm và thứ ba là ý thức của người điều khiển phương tiện. Mặc dù là đường cao tốc nằm bên ngoài thành phố, nhưng vẫn có người mặc áo vàng thường xuyên quét rác, lúc nào đường cũng sạch sẽ.


Một con đường cao tốc ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Quang Khai

Một con đường cao tốc ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Quang Khai

Ở Trung Quốc, bằng lái xe có 12 ô, mỗi lần vi phạm bị cắt đi một ô. Nếu bằng lái nào bị cắt hết 12 ô thì không còn giá trị nữa. Trên đường đều có hệ thống camera giám sát chặt chẽ nên các vi phạm của lái xe đều được ghi lại chính xác. Trên chiếc xe chúng tôi đi có đến 6 chiếc camera được kết nối trực tiếp với trung tâm điều hành, cảnh sát, bộ phận cứu hộ...

Các hành khách đi trên xe dứt khoát phải thắt dây an toàn và khi xe đã chuyển bánh không ai được rời khỏi ghế ngồi. Hành khách nào không chấp hành đều bị bác tài nhắc nhở rồi mới cho xe rời bến.

Đặc biệt, xe chở khách cấm không được phép hoạt động từ 2 giờ đến 5 giờ sáng để tránh các trường hợp lái xe buồn ngủ. Lái xe cứ sau 2 tiếng chạy trên đường bắt buộc phải vào trạm nghỉ ít nhất 30 phút và cán bộ quản lý trạm nghỉ đó phải ký vào giấy xác nhận lái xe đó có vào nghỉ.

Trạm nghỉ này cũng chính là trạm xăng có đầy đủ các dịch vụ như nhà vệ sinh, cửa hàng tạp hoá, nhà ăn, quán cà phê...

Ở Việt Nam, nếu chúng ta làm được một phần như của Trung Quốc thôi thì sẽ giảm được rất nhiều tai nạn giao thông, cứu được hàng nghìn mạng người. Nếu đường sá, cơ sở hạ tầng không được cải thiện, ý thức người tham gia giao thông và luật pháp không nghiêm thì dù có đưa mục tiêu giảm bao nhiêu phần trăm tai nạn giao thông cũng không thể thực hiện được.

Theo dõi qua các vụ tai nạn giao thông, chúng ta thấy chủ yếu là do các xe buýt chở khách đường dài gây ra. Vụ tai nạn ở Quảng Nam ngày 30.7 vừa qua làm 13 người thiệt mạng là ví dụ điển hình. Mặc dù còn đang trong quá trình điều tra làm rõ nguyên nhân, nhưng nhiều khả năng là do lái xe đi ban đêm buồn ngủ.

Hầu hết các vụ tai nạn khác cũng là do các nguyên nhân tương tự. Ngoài ra, nhiều lái xe buýt đường dài của ta đều phóng nhanh vượt ẩu để tranh thủ đón khách, chạy thêm chuyến, lấn làn vô tội vạ trên các con đường quốc lộ trông rất đáng sợ.

Theo Nguyễn Quang Khai

Báo Lao động