Không khó thấy kẽ hở… xe tải chui lọt

(Dân trí) - Nhiều điểm chung giữa phản ánh của người dân, ghi nhận của các phóng viên báo chí với nhận định của các chuyên gia GTVT, về các chiêu trò của nhằm “né” trạm cân của các lái xe tải vào “giờ vàng”, nghi vấn có “cò” hoặc “nội gián” để lại tiếp tục “chung chi”…

Xe quá tải xếp hàng dài né trạm cân (ảnh: Doãn Công)
Xe quá tải xếp hàng dài né trạm cân (ảnh: Doãn Công)

 

Lộ trình nào cho xe

 

Các trạm cân xe hoạt động bước đầu cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ và lời ngợi khen, nhưng cũng vấp phải khá nhiều phản ứng từ phía những ai rõ ràng là bị giảm quyền lợi. Bởi thế, lý lẽ được viện dẫn ra thường vin vào những cái cớ khá thiết thực từ vi mô tới vĩ mô, chủ yếu là sẽ đánh vào túi tiền của người tiêu dùng và gia tăng lạm phát…

 

Lọc ra từ những ý kiến theo xu hướng này, chúng tôi nhận thấy có những điểm cũng rất đáng lưu ý với các cơ quan chức năng, nhất là về đề xuất có “lộ trình” phù hợp hơn (!?)

 

“Cánh vận tải khổ trăm bề! Cả nhà có 1 cái xe đi chở thuê mà phải đóng không biết bao nhiêu "tiền luật", thậm chí chỉ "ăn" 1 cái biên bản là coi như đi tong cả tháng cày cuốc. Biết là như thế sẽ hại xe, hại đường sá, thậm chí còn nguy hiểm cho mọi người, nhưng mà vì cuộc sống mưu sinh của cả gia đình nên không thể không làm thế. Giá cước chở thì rẻ mạt, chỉ đủ nuôi gia đình qua bữa. Nay Bộ GTVT bắt hạ tải, chở đúng trọng tải cho phép thì thà cho xe “đắp chiếu” ở nhà hoặc bỏ nghề, còn hơn là đi làm mà không có thu nhập. Nhưng còn 1 cách khác nữa là nâng cước xe chạy lên, nhưng mà như vậy lại chỉ khổ thêm bà con nông dân, khổ thêm người tiêu dùng. Giá cước phải tăng gấp 2 lần bình thường mới đúng,  ai ở trong ngành đều thấu hiểu cái cảnh này!” - JOK:  dnlyrl@yahoo.com

 

 “Xe quá tải hoạt động, gây hư hỏng hạ tầng giao thông thì kiểm soát là hợp lý. Tuy nhiên nếu xe chạy đúng tải thì sẽ không đủ tiền để nộp "mãi lộ" dọc đường. Việc này ai cũng biết là như vậy. Chỉ một đoạn đường khoảng 100km từ cảng Đình Vũ về đến HN mà có đến gần chục trạm CGST. Nếu không chạy quá tải thì lấy đâu tiền nộp "mãi lộ"? Chưa nói đến lực lượng TTGT chạy lưu động dọc tuyến đường qua địa bàn các tỉnh. Nếu ép xe chạy đúng tải thì xã hội phải chấp nhận giá cước phí sẽ tăng 20-30%, đồng nghĩa với giá hàng hoá tiêu dùng sẽ tăng lên tương ứng, lạm phát sẽ tăng phi mã. Tôi thấy như vậy là các cơ quan quản lý có tầm nhìn còn hạn hẹp, chỉ tập trung vào xử lý xe quá tải nhưng lại không xử lý nạn “mãi lộ”, nạn nhũng nhiều dọc đường, không lường trước được giá hàng hoá và lạm phát sẽ tăng chóng mặt? Đây là một vấn nạn đã diễn ra nhiều năm, muốn chấn chỉnh thì tôi nghĩ phải có lộ trình, có thời gian. Không thể nói làm là làm ngay, sẽ gây ra ách tắc hàng hoá hoặc giá hàng hoá sẽ tăng ngoài tầm kiểm soát…” - CMH:  cmh246@yahoo.com

 

“Vẫn biết xe phải chở đúng trọng tải, không là hỏng đường, nguy hiểm…. Nhưng vấn đề này có lẽ đã xảy ra từ khi VN biết lưu thông hàng hóa. Muốn thay đổi không phải dễ vì nó gây hậu quả cực lớn, mà nguời gánh chịu cuối cùng là nông dân vì: cước xe tăng 2-3 lần nếu chở đúng tải. Giá thực phẩm, đồ sinh hoat thiết yếu, thức ăn chăn nuôi... đều tăng trong khi giá nông phẩm lại thấp. Nên nghiên cứu lộ trình từ từ hoặc cho phép chở quá tải trong phạm vi giới hạn nhưng phải nộp phí đường bộ cao hơn, vi phạm bị phạt thật nặng…Mong cơ quan quản lý nhà nước xem xét thêm!” - Duong:  duongpro.hua@gmai.com
 
Xe quá tải xếp hàng dài né trạm cân (ảnh: Doãn Công)
Hàng xe dài lũ lượt vượt trạm lúc lực lượng chức năng nghỉ ăn tối (Hình ảnh ghi tại trạm cân thị xã Hồng Lĩnh chiều tối 14/4, ảnh: Anh Tấn - Văn Dũng)

 

“Lọt sàng”

 

Điều đáng nói hơn là tuy việc cân xe được đông đảo dư luận hoan nghênh, nhưng cách thực hiện của các lực lượng chức năng xem ra vẫn chưa lấy lại được niềm tin trong dân bởi chẳng khó khăn gì để thấy vẫn còn những kẽ hở… xe tải chui lọt:

 

“Có "nội gián" hoặc có người gần địa bàn "phím" nhau, nên thay nhau nghỉ và ăn mới để xảy ra tình trạng trên. Vậy nếu địa bàn nào để xe quá tải lọt qua mà đến địa bàn tiếp theo mới phát hiện, thì cần xử lý địa bàn để lọt, lúc đó chắc không còn có tình trạng "lọt sàng" nữa đâu” - Quang:  quang2707@gmail.com

 

"Giờ vàng" này liệu có phải đã được mua bằng tiền không nhỉ? Còn nếu đã cân xe thì phải 24/24h chứ! Chẳng lẽ thông báo cho tài xế là không được đi qua trạm cân lúc các nhân viên nghỉ ăn cơm ư? Vô lý quá! Không hiểu các cơ quan chức năng có biết đây là một "khâu tiêu cực" nữa hay không?” - YB: lqphong.c3cn@yenbai.edu.vn

 

“Đây là các trạm cân chưa làm chặt và đồng loạt đó thôi. Nói là làm 24/24h, nhưng vẫn có giờ giải lao thì họ "lách giờ". Có tỉnh làm, có tỉnh chưa làm hoặc làm nhưng không chặt chẽ, để cho cánh lái xe họ "nhờn" đó thôi. Cứ làm đúng 24/24h tới 100% xem họ còn né được mãi không?” -  Nguyen Cong Tam:  haisuong5270@yahoo.com

 

“Theo tôi, đây là một "trò chung chi" của trạm cân đấy. Các chủ cây xăng sau khi thu (giúp) tiền của các lái xe quá tải, đến "làm việc" với trạm cân. "Chung chi" xong, nhân viên trạm cân vờ nghỉ ăn cơm để "tháo khoán" khoảng vài chục phút, xe đi hết là "ăn" xong. Mỗi đợt như vậy "chung chi" có đến vài chục triệu đấy. Trò cũ rích của trạm cân HL từ thời xưa rồi!?” - Cò vạc:  phannglm@yahoo.com

 

“Sao không thành lập 3 hoặc 4 tổ thay nhau làm 24/24h? Tỉnh nào cũng thực hiện cân trọng tải trên quốc lộ 1A thì cánh tài xế có muốn nằm chờ hay muốn sang tải cũng chịu” – Son TX:  sontx1204@hotmail.com

 

“Các lực lượng chức năng chịu thua sao? Xe quá tải thực chất là phạm pháp. Làm hư hỏng cầu đường chỉ là lỗi phụ, nguy cơ gây tai nạn mới là vấn đề. Các xe có bộ hãm được chế tạo phù hợp với tải trọng được thiết kế, nếu bị quá tải liên tục, phanh sẽ bị mất hiệu lực. Để tình trạng này thì dân sẽ còn đối mặt với  nguy cơ tai nạn giao thông nhiều hơn nữa. Theo tôi nhận thấy, các nhà kinh doanh vận tải có lẽ vì lợi nhuận vẫn bất chấp, trong khi các vị giới chức hữu quan ở các tỉnh còn thiếu trách nhiệm. Nên chấn chỉnh lại trước hết là từ chính lực lượng chức năng này...” - Thanh Thien: thiencos@gmail.com

 

“Phải xem lại mức xử phạt. Ở các nước họ không cần làm thường xuyên như vậy, nhưng nếu vi phạm mức phạt lên đến hàng trăm lần giá trị công vận chuyển của chuyến hàng đó. Như vậy nên không ai dám vi phạm, vì chỉ cần bị bắt một lần thì nửa năm vi phạm liên tục không bị bắt mới bù lại được...” - Tran Toan:  toan@gmail.com
 

Với tai mắt nhân dân thì rõ ràng chẳng có chiêu trò gì là tinh vi cả, mà thực tế là như vậy. Có điều dễ ta nhưng lại khó người thôi!?

 

Khánh Tùng