Khổ vì văn bằng, chứng chỉ
Nếu cứ quy định vô vàn các loại chứng chỉ cho “đẹp” hồ sơ cũng chỉ làm khổ công chức, viên chức. Nơi nào “đẻ” thêm các loại chứng chỉ, hành công chức, viên chức thì nơi đó làm trái quy định.
Thời gian qua vấn nạn chứng chỉ, văn bằng được ví như những giấy phép con trở thành gánh nặng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà chỉ quy định về năng lực sử dụng các kỹ năng trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính. Việc loại bỏ những giấy tờ này là hành động cụ thể nhằm loại bỏ dần “giấy phép con” trong công tác cán bộ.
Vì sao người đứng đầu ngành Nội vụ lại đề cập đến các phương thức giảm những thủ tục, giấy tờ, những văn bằng trong công tác cán bộ? Vì thực tế thời gian qua vấn nạn chứng chỉ, văn bằng được ví như những giấy phép con trở thành gánh nặng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Cụ thể, gần đây trong công cuộc tìm những công chức “cắp ô” trong nền công vụ, một yêu cầu được đặt ra đó là: CBCCVC nếu trình độ ngoại ngữ, tin học không đạt chuẩn có thể bị tinh giản biên chế. Vì lý do này mà nhiều người đăng ký học với mục đích duy nhất: “làm đẹp” hồ sơ.
Vốn là kế toán trưởng của một bệnh viện lớn tại Hà Nội, chị Lan Hương (40 tuổi) gần đây phải ôm tập vở đi học tin học. Theo quy định mới, CCVC trong biên chế phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo Thông tư 01, chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03.
“Khổ lắm, việc làm không hết ở cơ quan, nhưng đến ngày lại phải cắp sách đi học. Tin học cũng chỉ ở trình độ cơ bản, nhưng không học đủ số ngày thì không được thi” - chị Hương than thở.
Không chỉ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, mà còn rất nhiều chứng chỉ khác đang “hành” khiến rất nhiều CBCCVC mệt mỏi. Mới đây, giáo sư một trường ĐH lớn ở TP HCM có viết trên Facebook: “Sao nỡ lòng nào bắt giáo sư đi thi lấy chứng chỉ sư phạm nữa”.
Theo vị giáo sư này, ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, đã dạy ĐH và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp. Vậy mà giờ đây ông nhận được yêu cầu phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp, nếu không có chứng chỉ đó thì sau này không được hành nghề giảng viên.
“Lúc thi vào biên chế, mình đã có chứng chỉ phương pháp giảng dạy đại học rồi nhưng cái chứng chỉ này giờ đây không được chấp nhận, phải là chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới được” - ông viết.
Gần đây, một số họa sĩ thuộc Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang phản ứng về việc mở lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hoạ sĩ do trường ĐH Mỹ thuật TP HCM tổ chức. Đáng nói, lớp bồi dưỡng này sẽ phân chuẩn họa sĩ theo thứ hạng từ I, II, III, IV.
Theo nhiều họa sĩ, đã làm nghề “cầm cọ” thì sự đánh giá của công chúng mới là quan trọng nhất, chứ giấy chứng nhận xếp hạng làm sao có thể đánh giá đúng được.
“Công việc của người họa sĩ là sáng tạo, chúng tôi đa số đều có 4-5 năm học tại trường Mỹ thuật, có bằng cấp, trình độ hơn hẳn so với cái chứng chỉ ngắn ngày đó. Theo tôi, việc định nghĩa các cấp độ họa sĩ, chứng chỉ không thể nào áp dụng trong mỹ thuật, trong đào tạo mỹ thuật chứ đừng nói là áp dụng cho nghề họa sĩ và công việc sáng tạo” - một họa sĩ bức xúc nói.
Ngành báo chí cũng gặp không ít phiền toái liên quan đến các chứng chỉ này. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 11 giữa Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh biên tập viên, phóng viên,... các phóng viên hạng III sẽ phải có 5 loại giấy tờ: Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, xuất bản trở lên (trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học khác chuyên ngành báo chí, xuất bản thì phải qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, xuất bản từ 8 tuần trở lên). Trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT. Trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT. Trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Biên tập viên hạng III.
Những quy định này dẫn đến thực tế là có những nhà báo đã làm việc hàng chục năm trong nghề, thậm chí giành nhiều giải báo chí, nhưng tốt nghiệp chuyên ngành khác như sư phạm, luật, kinh tế... giờ phải đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho… đủ thủ tục.
Hay như yêu cầu trình độ tin học, trong khi các nhà báo vốn làm việc liên tục với máy tính và nhiều thiết bị công nghệ khác để phục vụ công việc, nhưng nay phải đi thi lấy chứng chỉ tin học văn phòng!
Thật là vô lý!
Ông Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp): Chứng chỉ, văn bằng có chứng minh được người tài?
Trong xét tuyển hoặc thi tuyển CBCCVC, quy định hiện hành đã đưa ra những văn bằng, chứng chỉ rất cụ thể và cần thiết. Bên cơ quan Đảng thì theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương, còn bên Nhà nước thì theo quy định của Bộ Nội vụ. Với ba loại bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là rất cần thiết để chuẩn hóa công tác cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, nhiều cử tri, công chức, viên chức còn phản ánh, ngoài 3 loại bằng chứng chỉ này còn “đẻ” thêm rất nhiều chứng chỉ “trên trời” khác. Về việc này, theo tôi cần phải tùy từng trường hợp, đối tượng cụ thể mà có những quy định cho phù hợp. Không thể tất tần tật công chức, viên chức khi xét tuyển phải có đầy đủ các loại văn bằng, chứng chỉ. Tôi ví dụ thi công chức chỉ cần quy định phải có bằng đại học và chứng chỉ ngoại ngữ, vi tính, thế là đủ!
Nếu cứ quy định vô vàn các loại chứng chỉ cho “đẹp” hồ sơ cũng chỉ làm khổ công chức, viên chức. Nơi nào “đẻ” thêm các loại chứng chỉ, hành công chức, viên chức thì nơi đó làm trái quy định. Có thực trạng CC,VC phải đi học để có văn bằng chứng chỉ theo quy định, nhưng chỉ toàn học lại kiến thức cũ, rất hình thức. Nếu chỉ dạy những cái người ta đã học rồi thì chỉ làm mất thời gian, tốn tiền của công chức, viên chức. Quy định về văn bằng, chứng chỉ hiện nay phải theo quy định của Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương, chứ không được “đẻ” thêm các loại văn bằng, chứng chỉ khác ngoài quy định.
Thậm chí ngay cả đối với quy định của Ban Tổ chức Trung ương, hay của Bộ Nội vụ cũng cần phải xem những quy định đó bây giờ còn phù hợp với thực tiễn hay không? Có cần thiết nữa không hay đã lỗi thời? Tôi cho là đã lỗi thời và nên xóa bỏ. Cần phải làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đỡ tốn kém nhất và hiệu quả nhất cho việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức.
Bổ nhiệm, xét tuyển với cơ man các loại văn bằng, chứng chỉ như vậy có cần thiết không? Bổ nhiệm một ông trưởng phòng, phó phòng, phó giám đốc sao lại cần nhiều chứng chỉ thế? Các loại chứng chỉ ấy có chứng minh anh ta là người tài không, hay cũng chỉ mang tính hình thức, cho đẹp hồ sơ?