Bạn đọc viết
Khi khi báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ là hình thức
Tại sao các bản đánh giá tác động môi trường dành cho các dư án vẫn đẹp? Phải chăng năng lực cán bộ kém, hay là sự quan liêu, thiếu trách nhiệm, hoặc là có “lợi ích nhóm”?
Vị Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã phải thừa nhận như vậy ngày 18/7/2016. Hàng loạt các sự vụ môi trường đã xảy ra chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trên khắp đất nước này còn có biết bao dự án đã, đang và sẽ được duyêt. Và khi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ là hình thức, chỉ là “mẫu bánh vẻ” lên cho đẹp thì không chỉ riêng nền kinh tế của nước nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng đến quỹ đạo phát triển. Mà không ai khác, chính nhân dân, người dân nằm trong vùng dự án, quanh vùng dự án là người bị ảnh hưởng trực tiếp Cái lợi một, nhưng thiệt hại khi xảy ra sự cố sẽ là mười..
Theo xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đây không phải là một mục tiêu nhiệm vụ nhất thời, mà là vấn đề mang tính chất sống còn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay cũng như sau này.
Bởi lẽ, một quốc gia mà đi ngược với xu hướng chung của thời đại - sẽ trở nên lạc hậu và bị cô lập, sớm hay muộn, sẽ bị loại bỏ trên đấu trường quốc tế. Hơn thế, một nước đang phát triển, lại trải qua chiến tranh tàn khốc, ác liệt, thì việc chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Trong quá trình hội nhập, với nội lực dồi dào sẵn có cùng với ngoại lực - sẽ tạo ra thời cơ phát triển kinh tế. Và các dự án phát triển kinh tế luôn là điều cần thiết.
Tuy nhiên, dường như các nhà chức trách, các nhà đầu tư đã và đang quá chú trọng với hai chữ “kinh tế” mà “lờ” đi vấn đề nhân sinh - cuộc sống của con người? Vì sao? Vì hàng loạt vấn đề gây ra sự cố môi trường đình đám trong thời gian qua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, khiến dư luận dậy sóng. Các sự vụ, sự cố đó trải đều từ miền sông nước đến miền biển, kéo lên tận cao nguyên, miền núi: Công ty Vedan xả thải làm tê liệt hệ thống sông Thị Vải, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân miền Đông Nam Bộ; đến việc Công ty Formosa xả thải gây “thảm họa cá chết trắng” ở miền Trung… Đó là chưa kể đến các sự vụ môi trường xảy ra ở Phú Thọ, Thanh Hóa, Bắc Ninh… Và những sự vụ tiềm tàng có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần ( bô xít Tây Nguyên, Các dự án thủy điện…) vì hầu hết các nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa chú trọng vấn đề dân sinh.
Đóng góp vào “thành tích” hủy hoại môi trường đó của các doanh nghiệp, công ty, đó chính là các bản ĐTM. Phải khẳng định một điều như vậy. Bởi, cơ quan chức năng, mà những người trực tiếp làm các bản ĐTM đó đã không làm hết trách nhiệm của mình, quan liêu về tư tưởng.
Gỉả sử, với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thời gian trước đây chẳng hạn, bản ĐTM rất đẹp: “Trong diện tích đất bị chìm ngập (của cả hai dự án Đồng Nai 6, 6A) không có những hệ sinh thái tự nhiên cần được bảo vệ và trên các diện tích đó cũng hầu như không có các loài thực vật quý hiếm cần được bảo vệ...”. Trong khi đó, sau khi được dư luận và báo chí phản ánh gắt gao thì khi đoàn khảo sát thực tế thực tế do TS Vũ Ngọc Long dẫn đầu đã kết luận: hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ “ăn” 137,5ha đất rừng của VQG Cát Tiên, và khu vực xây dựng thủy điện là khu vực sinh cảnh nguyên sinh. Cũng may, cuối cùng dự án này phải dừng lại.
Dẫn giải ra một thí dụ điển hình đó để cho chúng ta có thể thấy rằng có vô số dự án cũng tương tự như vậy. Trường hợp đặc biệt là dự án Bô xít Tây Nguyên, chính đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị dừng dự án vì không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, mà môi trường tự nhiên và văn hóa cũng bị ảnh hưởng, thế nhưng dự án vẫn thực hiện và đang là ẩn họa khôn lường, tiếp là Dự án của Formosa Hà Tĩnh dân tình đã phải nhận quá nặng nề, rồi chưa kể biết bao công ty đang xả thải trực tiếp ra môi trường..? Từ Bắc chí Nam, Không thể đếm trên đầu ngón tay được.
Nhưng tại sao các bản đánh giá tác động môi trường dành cho các dư án vẫn đẹp? Phải chăng năng lực cán bộ kém, hay là sự quan liêu, thiếu trách nhiệm, hoặc là có “lợi ích nhóm”? ? Bản thân những người dân thường chúng ta chẳng bao giờ biết,. Nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi, có quyền nói lên tiếng nói của mình. Vì Nó ảnh hưởng đến vấn đề sinh kế của chính họ.
Thiết nghĩ, nếu những người làm các bản ĐTM có trách nhiệm với chính bản thân, nhân dân, đất nước mà trực tiếp lăn lộn ở thực địa để tìm hiểu, khảo sát tác động của từng dự án đến môi trường xung quanh bao gồm: môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng thì sẽ không có cảnh dân chúng điêu đứng vì vùng dự án, chịu thiệt hại quá nhiều cũng vì vùng dự án. Còn khi các bản ĐTM chỉ là hình thức thì dân chúng sẽ còn cực, còn khổ dài dài, nhưng “kêu trời trời không thấu, gọi đất đất chẳng nghe”. Và cứ mãi như thế, Nó góp phần làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào bộ máy hành chính công như một điều tất yếu.
Thạc sĩ Lầu Văn Thanh