Bạn đọc viết:

Hiến kế “trị bệnh” dạy thêm/học thêm tràn lan

(Dân trí) - Có thể nói nạn dạy thêm/học thêm hiện nay không khác gì một “căn bệnh nan y” tàn phá nền giáo dục của chúng ta. Vì thế muốn chữa khỏi, ít nhất cần phải có người bắt mạch đúng và kê được một liều thuốc đủ mạnh.

(minh họa: Tuổi Trẻ)
(minh họa: Tuổi Trẻ)

 

Theo tôi, chúng ta phải mạnh dạn chấm dứt tình trạng dạy thêm/học thêm. Cấm toàn bộ giáo viên hưởng lương từ ngân sách tham gia dạy thêm. Vì nạn dạy thêm/học thêm bị biến tướng tới mức này thì chỉ có tác hại là phá nát nền giáo dục VN mà thôi.

 

Dạy thêm/học thêm, giáo viên dạy gì, học sinh học gì? Xin thưa: Giáo viên khu trú các kiến thức cơ bản, đưa ra các công thức tính toán nhanh, các phương pháp giải bài tập. Giáo viên nào càng chi tiết các phương pháp, học sinh càng thích hơn vì học sinh chỉ việc học thuộc lòng và tập lắp ráp các chữ số theo các dạng bài tập. Chính phương pháp này đã biến các em học sinh chúng ta thành thụ động, chỉ muốn ăn sẵn, không chịu suy nghĩ khi gặp tình huống, bài toán khó, cần sự sáng tạo.

 

Các thầy cô dạy thêm đã cho các em con cá, mà không cho cái cần câu. Chính nạn dạy thêm/học thêm tràn lan đã góp phần đào tạo ra các học sinh robot thực sự. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những công dân tốt, thích ứng với hoàn cảnh xã hội, chứ không phải là đào tạo ra các học sinh chỉ biết lắp ráp các công thức để giải các bài tập Toán, Lý, Hóa, Sinh…là những môn thường được dạy thêm.

 

Vậy tại sao học sinh nước ngoài không đi học thêm, vẫn có thể rất năng động, tích cực tự giác, sáng tạo trong học tập?

 

Với những ai phản đối việc cấm dạy thêm/học thêm thì sao? Theo như tôi thấy thì các phát biểu trước đây của các nhà quản lý giáo dục, các giáo viên dạy thêm  bày tỏ bức xúc để chứng minh ngược lại như: Cần phải quản lý dạy thêm ở trường, vì xuất phát từ nhu cầu của học sinh; giáo viên có năng lực, có tâm huyết mới dạy thêm; cần cấp phép dạy thêm; giáo viên không dạy học sinh lớp mình; bác sĩ mở phòng mạch tư được, tại sao giáo viên không dạy thêm được…

 

Tôi thấy tất cả các ý kiến đó thực ra cũng chỉ như là bình mới rượu cũ, ném đá ao bèo. Hay có thể nói là chỉ xuất phát từ lợi ích của chính họ mà thôi. Vì khi dạy thêm ở trường, các giáo viên đứng lớp phải cắn răng chịu đựng mà trích phần trăm cho Hiệu trưởng (nói cho hoa mỹ là “phần trăm chi phí quản lý”), vì nếu không nộp cho Hiệu trưởng thì lại không có chỗ dạy. Hay là việc cấp phép dạy thêm thực ra cũng chỉ là mảnh đất màu mỡ cho cơ chế “xin – cho”, chạy chọt, hối lộ phát triển.  

 

Nhưng để chấm dứt nạn dạy thêm/học thêm tràn  lan thì phải có nhân dân giám sát. Không ai có thể qua được “tai mắt của dân”. Mỗi xóm, tổ dân phố, phường, xã các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị cùng giám sát. Nếu thấy thầy cô nào dạy thêm thì báo cho nhà trường nhắc nhở. Nếu họ vẫn tìm cách tiếp tục thì phải có chế tài xử lý nghiêm khắc, thậm chí là buộc thôi việc. Chúng ta sẽ làm tốt nếu làm công tác dân vận tốt. Ban đầu tuy sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều phản đối… Tuy nhiên chắc chắn dần dần mọi người hiểu được lợi ích chung và họ sẽ cùng đồng tình.

 

Cái gốc của nạn dạy thêm học thêm là xuất phát từ đời sống kinh tế khó khăn của một đại bộ phận giáo viên. Vì thế, muốn họ yên tâm công tác, giảng dạy thì phải đảm bảo một mức lương đủ sống và có tích lũy. Ở đây tôi không đề cập đến việc tăng lương của nhà nước, mà tôi muốn nói tới cách vận dụng như thế nào để lương nhà giáo có thể tăng lên.

 

Theo tôi thì có thể làm như sau:

 

+ Thứ nhất, rất nhiều phụ huynh than vãn về  tình trạng lạm thu trong trường học như hiện nay. Có rất nhiều khoản nói là tự nguyện nhưng hầu như là bắt buộc, mà nếu không nộp thì  cô giáo chủ nhiệm, hiệu trưởng sẽ biết và e là họ sẽ “trù” con em mình bằng cách nào đó. Vì vậy dù không muốn, phụ huynh vẫn phải cố gắng mà nộp.

 

Do đó, chúng ta cần phải có hình thức hợp lý. Ví dụ như mỗi trường đầu năm phải liệt kê một phiếu nộp các phí bắt buộc với các mục theo yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo như học phí, phí xây dựng… Còn lại là các phí tự nguyện như đóng góp cho nhà trường, bồi dưỡng giáo viên (dưỡng liêm)…Sau đó, phụ huynh nhận phiếu này và đến trực tiếp kho bạc, ngân hàng mà nộp các chi phí bắt buộc. Còn các phí tự nguyện thì tùy vào lòng hảo tâm, sự tự nguyện của phụ huynh mà có thể đóng hoặc không. Sau đó ngân hàng, kho bạc chỉ thông báo đến nhà trường số phụ huynh đã nộp mà không thể biết chính xác là phụ huynh nào có đóng phí tự nguyện hay không. Đây là hình thức bảo vệ phụ huynh và con em của họ,.

 

+ Thứ hai là cần phải tăng mức học phí cao hơn so với mức hiện nay, vì mức học phí hiện nay đã quá lạc hậu. Nói như thế thì nhiều phụ huynh cho rằng mức học phí cao quá là không kham nổi. Tôi xin thưa rằng, đến bây giờ từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi lên miền ngược đâu đâu hầu như cũng dạy thêm/học thêm tràn lan. Với mức học phí dao động từ vài chục nghìn/môn cho đến vài trăm nghìn, thậm chí còn cao hơn gấp nhiều lần. Vậy tại sao chúng ta không lấy một phần nhỏ trong khoản tiền học thêm đó, để đóng học phí, giúp giáo viên cải thiện đời sống?

 

Dương Văn Hậu
(TP Huế)