Bạn đọc viết:

Thử nhìn dạy thêm, học thêm từ hướng tích cực

(Dân trí) - Chuyện này nói mãi rồi…khổ lắm. Nhất là những ngày này, 20/11 đang ngấp nghé ngoài cổng trường học các cấp, các cơ sở đào tạo, ở tất cả những nơi có phấn trắng, bảng đen, những nơi có những người được gọi là thầy/cô giáo, có nhiều nghìn, nhiều trăm học sinh, sinh viên...

Dạy thêm, học thêm, cũ mèm hơn cả Trái Đất. Thế mà… Đọc bài “Dạy thêm như người…nghiện thuốc” của tác giả Nguyễn Hữu Tâm trên Tuần Việt ngày 8/11/2012, xin có mấy nhời cho bớt buồn. 
 

Dạy thêm, học thêm là lẽ thường

 

Không ít người nếu không muốn nói rất nhiều người nghĩ rằng chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện dạy thêm, học thêm; chỉ ở bậc phổ thông mới dạy thêm, học thêm. Thực tế không phải vậy. Nhìn sang các nước trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và xa hơn là các quốc gia châu Âu (theo tôi được biết) đều có dạy thêm, học thêm.

 

Nhưng khác Việt Nam là ở các nước đó không tràn lan, không có chuyện người người học thêm. Dù mục đích của học thêm đều như nhau: Thêm nhiều kiến thức, vững vàng hơn trước khi bước vào phòng thi, vững tin hơn khi bước vào hoạt động nghề nghiệp, tạo cơ sở để thay đổi vị trí, đáp ứng nhu cầu trau dồi kiến thức của bản thân…Trong tất cả những cái muốn, những cái thích thì muốn học, thích học là cái muốn, cái thích đáng yêu nhất, đáng trân trọng nhất.

 

Cả thế giới đã nói nhiều đến một “xã hội học tập” và người ta cũng nói nhiều đến “học để làm gì” thì chuyện học thêm, cũng như học nữa, học mãi, có gì phải tốn quá nhiều giấy mực tranh luận nhỉ? Có nhu cầu học, học thêm mà không thầy chỉ có bó tay. Dạy thêm xuất phát từ đó và mãi mãi tồn tại hai hoạt động này.

 

Một ngày đep trời không còn thi cử nữa, không còn áp lực gì nữa thì thiên hạ vẫn cứ học thêm và đương nhiên có dạy thêm. Lúc ấy, người ta còn học thêm nhiều, nhiều thứ, nhiều môn, ngoài các môn được dạy trong trường.

 

Chúng ta, giờ đây không còn ngạc nhiên khi biết thanh thiếu niên các quốc gia phát triển biết nhiều thứ, làm được nhiều việc, quăng vào môi trường nào cũng sống tốt vì họ được học nhiều, học thêm nhiều. Chúng ta cũng không ngạc nhiên về một học sinh tiểu học ở Mỹ có thể vào vai Tổng thống với bài diễn văn ngắn gọn, súc tích kêu gọi bảo vệ môi trường, chống khủng bố, chống chiến tranh…

 

Tại sao thế? Họ được học nhiều, dạy nhiều.

 

Nhiều người Việt Nam nghĩ học sinh bên ấy học ít là mới chỉ biết một phần, cái phần nổi. Giờ học trên lớp ít thì đúng. Còn giờ học ngoại khóa, giờ học ngoài trường, giờ học trên thư viện…không hề ít.

 

Không ít người Việt Nam ngưỡng mộ ông Putin làm Tổng thống, Thủ tướng rồi lại Tổng thống mà cái gì cũng biết: phi ngựa, bắn súng, lái mấy loại máy bay, chạy xe Lada đời mới xuyên nước Nga, lái cả tàu ngầm, bơi giỏi, võ nghệ cao cường, câu cá cũng giỏi…Dân thường Âu, Mỹ đầy người làm được như thế và hơn thế. Vì sao? Họ được học nhiều, học hầu như đủ thứ.

 

 
(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

 

Cấm dạy thêm học thêm là cực đoan

 

Không thể nói ta đã cấm được đốt pháo, sản xuất pháo, cấm được rất nhiều thứ thế mà không cấm được dạy thêm, học thêm. So sánh việc dạy thêm, học thêm với việc làm pháo, đốt pháo, hút thuốc lào, thuốc lá, uống rượu…e rằng quá khập khiễng.

 

Lâu nay chúng ta đã được chứng kiến nhiều cái không quản được thì cấm, nhưng càng cấm thường lại càng phát triển. Thế nên, cách nay đã lâu có một vị đại biểu Quốc hội còn phát biểu một câu “xanh rờn”: Kinh nghiệm Việt Nam ta muốn cái gì phát triển thì cứ ra lệnh…cấm (!?).

 

Trong quá trình phát triển những gì là dở là không hợp thời, là trái qui luật không cần phải làm gì rồi cũng tự phải… giải tán. Những cái tốt, cái hay, cái ưu việt chắc còn lại, còn mãi.

 

Giáo dục Việt Nam đang trong căn bệnh trầm kha của nhiều chục năm không chữa chạy, hoặc điều trị không đúng phác đồ. Nay đang “chết lâm sàng” như nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo. Vậy thì cái chuyện dạy thêm, học thêm tràn lan chỉ làm méo mó một hoạt động mà bản chất chẳng có gì xấu. Dạy thêm là thu nhập chính của nhiều thầy, cô giáo. Lao động bằng chính nghề của mình, mấy ai lừa bịp được người học, nhất là đám “nhất quỉ nhì ma” rất đáng yêu….

 

Dạy thêm bị coi như một tội. Kỳ lạ. Có người còn đem so với một số tội danh trong Bộ luật hình sự. Thất kinh.

 

Giáo dục, trong đó có đội ngũ giáo viên, giảng viên thường xuyên bị “ném đá” từ nhiều phía, thiếu được coi trọng trên nhiều khía cạnh, trừ mỗi năm có một ngày 20/11. Thế cũng đủ lí giải vì sao chỉ thấy thầy cô giáo chuyển nghề, không hề thấy người ngành khác chuyển về ngành giáo dục. Đủ lí giải vì sao đang có hiện tượng tị nạn giáo dục…

 

Một xã hội không coi trọng giáo dục, xem thường thầy cô giáo, đánh đồng nghề Sư phạm với nhiều nghề khác thì chắc còn lâu lắm giáo dục nước nhà mới ngẩng đầu lên được. Còn lâu lắm.  

 

Bao giờ cho đến tháng mười, hở Lượm?

 

Đinh Việt Bình