Bạn đọc viết:

Hạnh phúc là gì?

(Dân trí) - Đa số mọi người sẽ nói hạnh phúc là có nhiều lựa chọn, vâng chỉ có người dị biệt mới không nghĩ vậy… Chợt thấy ưu tư tôi nghĩ về Việt Nam quê hương tôi sau 37 năm thống nhất, chúng ta có những lựa chọn gì cho người dân để họ có hạnh phúc.

(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)
 
Cách đây 40 năm, vào năm 1972 liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc của chúng ta đã có lời “tiên tri” về ngày 30 tháng 4 năm 1975. Người lính trẻ ra đi từ Hà Nội ấy đã nói với cô gái mình yêu: “…30 tháng 4 năm 1975 anh sẽ nói cho em biết hạnh phúc là gì...” Cô gái đó ngày nay vẫn  là 1 nhân chứng sống và bà đã thành tài tại nước ngoài.

 

Gần 40 năm qua đi, chúng ta cũng đã hiểu ý nghĩa của lời “tiên tri” ngày đó của Nguyễn văn Thạc về hạnh phúc khi được làm dân của một đất nước Việt Nam thống nhất. Và tôi chợt ưu tư, không biết sắp tới đây những lời “tiên tri” như thế có được sử sách ghi lại nữa hay không khi Biển Đông lại đang “dội sóng”.

 

Tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ được ra nước ngoài học tập, đều tự hào vô cùng về những chiến công hiển hách của các thế hệ ông cha. Tôi hay nói chuyện với các bạn đủ màu da về một Việt Nam thắng Mỹ. Thế nhưng tôi cũng nhận thấy rằng các câu chuyện đó chỉ như những màn “chào hỏi”, trong khi thế giới vẫn đang tiếp tục phát triển, bạn bè từ hàng trăm quốc gia nói nhiều hơn về phát triển kinh tế và chính sách của nước họ... Và một lần nữa tôi lại chợt thấy ưu tư khi nghĩ về Việt Nam quê hương tôi sau 37 năm đất nước thống nhất, chúng ta có những lựa chọn gì cho người dân để họ có được hạnh phúc.

 

Khi các bạn nước ngoài nói về tàu điện ngầm, tôi lại thảng thốt nghĩ về hệ thống xe buýt nước ta. Các bạn nói về hệ thống y tế, tôi chẳng còn muốn nói đến những bệnh viện quá tải ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội làm gì nữa. Và trong một trường đại học khi các bạn sinh viên nước khác trao đổi với nhau về giáo dục, thì hình ảnh các phụ huynh xếp hàng thâu đêm để rồi đạp đổ cả cổng trường xin học cho con vào sáng hôm sau làm tôi trở nên lặng lẽ… Và  tôi càng không dám nghĩ đến những vụ việc mà chính các thầy giáo lại tổ chức cho học sinh quay cóp bài trong phòng thi…

 

Gần đây, tổ chức NEF công bố: Người Việt Nam hạnh phúc thứ 2 thế giới, làm chính nhiều cư dân Việt Nam xôn xao. Ngay lập tức có hẳn những phân tích về môi trường ô nhiễm, an toàn thực phẩm và chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân… để ta lại thấy "ngại ngùng" về số thứ tự mà NEF nêu ra.

 

Giống hệt câu chuyện đội tuyển bóng đá VN sa thải huấn luyện viên người Đức vì kết quả giao đấu tệ hại, nhưng ở tận Thuỵ Sĩ bảng xếp hạng của FIFA lại đẩy VN lên Top 100 vượt cả Thái Lan. Và cộng đồng lại xôn xao…cho đến khi đội tuyển trở lại vị trí “quen thuộc” 120, thì mọi người mới… thở phào nhẹ nhõm và nhận ra chúng ta là ai!!!

 

Ở đây chắc có người sẽ nói: Anh phê phán gì chứ? Việt Nam còn nghèo thì cần có “con mắt” chia sẻ, chỉ là do anh được đến một nước phát triển nên anh so sánh khập khiễng thôi. Tôi lại nghĩ khác, tôi cũng đang học tập để về xây dựng quê hương đây, chúng ta không nghèo, chúng ta có “rừng vàng, biển bạc” và nếu có đánh giá kỹ lưỡng hơn từ những vụ thất thoát hàng ngàn tỷ của Vinashin, Vinalines…chúng ta thật tiếc nuối vì lẽ ra những đồng tiền đó để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ công … để người dân nâng cao chất lượng sống …Tôi nghĩ, vậy thì có “nghèo” là “nghèo” chiến lược phát triển, “dốt” là “dốt” kỹ năng quản lý …mà thôi.

 

Vậy nếu giả sử, giả sử thôi nhé, Biển Đông lại “dậy sóng”, lại sẽ có rất nhiều người trẻ  sẵn sàng lên đường góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi tin thế lắm. Nhưng chắc sẽ có rất nhiều ưu tư mà họ vẫn mang theo… vì vẫn còn đó những loại “giặc” như cách mà Bác Hồ đã nói, đó là “giặc” dốt, “giặc” tham nhũng, “giặc” lãng phí…

 

Vậy liệu sẽ có những câu nói “tiên tri” như của những “Nguyễn Văn Thạc” ngày nay về “Hạnh phúc là gì” nữa hay không? Thật cũng khó trả lời quá đi!

 

Thanh PX