Hai đứa bé 4 tuổi tử vong trong hai hố công trình là tội ác của người lớn

Những miệng cống không nắp, những đường điện rò rỉ, những hố công trình không rào chắn là những chiếc bẫy giăng ra khắp nơi.

Hai đứa bé 4 tuổi tử vong trong hai hố công trình là tội ác của người lớn - 1

Hố ga không đậy nắp khiến cháu bé 4 tuổi rơi xuống tử vong

Một cháu bé 4 tuổi được phát hiện tử vong dưới hố ga không đậy nắp ở đường ven biển đoạn qua thôn Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), chuyện đau lòng này xảy ra chiều 28.5.

Hố ga nơi tìm ra thi thể cháu bé được thi công từ lâu nhưng không có nắp đậy, rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm. Để một miệng cống không nắp đậy như vậy, ai cũng có thể bị rơi xuống, kể cả người lớn, huống chi trẻ con.

Đây là tội ác do người lớn gây ra.

Tiếc gì một nắp đậy miệng cống, giá của một miếng bêtông đó cũng chẳng đáng bao tiền. Nhưng ở đây là sự vô tâm, vô cảm của con người, sự vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm.

Trước đó một ngày, tại khu phố Phước Hải, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cháu Trần Tuấn Hùng, 4 tuổi, trong khi tắm mưa, rơi xuống đường cống bị nước cuốn trôi ra con suối ở gần nhà mất tích. Cho đến nay, vẫn chưa tìm ra xác cháu bé.

Trẻ con chưa đủ ý thức về những nguy hiểm chung quanh, nên rất dễ trở thành nạn nhân của những chiếc bẫy do người lớn giăng ra khắp nơi.

Những miệng cống không nắp, những hố công trình không rào chắn, những chiếc cọc bêtông trên đường, những đường điện rò rỉ là những chiếc bẫy giết người thực sự. Đã có nhiều người mất mạng vì những chiếc bẫy này. Trong đó, trẻ em chiếm đa số.

Ngay cả vụ cây phượng trong sân trường bị đổ xuống, cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của người lớn. Nếu như lưu tâm về sự an toàn của nhà trường và cơ quan quản lý, có kiểm tra và đưa ra giải pháp kỹ thuật xử lý kịp thời của đơn vị chuyên môn về cây xanh, thì sẽ không có chuyện đau lòng xảy ra.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về cái chết của cháu bé ở Hà Tĩnh?

Đơn vị nào là chủ đầu tư công trình, đơn vị nào thi công công trình, phải làm cho rõ để xác định cá nhân chịu trách nhiệm.

Trường hợp đứa bé ở Tân Uyên, Bình Dương, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Xin lưu ý, đây không phải là trường hợp đầu tiên: 10.2016, một bé trai 8 tuổi bị nước cuốn xuống cống tại Dĩ An, tháng 9.2014 có tới 2 em bé bị nước mưa cuốn tử vong tại thị xã Tân Uyên và thị xã Thuận An.

Đã có nhiều trẻ chết vì đường cống không an toàn, thì chính quyền cũng phải động tâm, nhưng tâm đã không động.

Cũng đừng quên một điều, cha mẹ phải chăm sóc con cái cẩn thận, không ai bảo vệ con mình bằng chính mình. Để cho con chơi đùa ở những nơi nguy hiểm thì trách mình trước khi trách ai khác.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động