Ý kiến luật sư

Góc nhìn pháp lý về ông Trịnh Xuân Thanh đến hạn bị triệu tập vẫn chưa có mặt

Cho tới thời điểm này, khi đến hạn bị triệu tập nhưng ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang vẫn chưa có mặt. Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Thanh “mất tích” trước khi có công văn triệu tập là chưa có trong tiền lệ, sẽ gây ít nhiều khó khăn trong quá trình điều ra.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Mới đây, Tỉnh ủy Hậu Giang đã cử cán bộ ra Hà Nội, đến nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh để thăm hỏi khi hay tin ông này bị ốm. Ở thời điểm đó, các cán bộ này đã không gặp được ông Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó, các nguồn tin không chính thức cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh đã đi nước ngoài. Tuy nhiên lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, chưa thể xác định được chính xác thông tin này.

Theo tôi (Luật sư Trương Anh Tú, trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú), nếu ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sẽ gây ít nhiều khó khăn trong quá trình “điều tra” vì đây là đối tượng trực tiếp liên quan đến việc kinh doanh thua lỗ hàng tỷ đồng tại PVC. Điều này đồng nghĩa với việc “triệu tập”, “lấy lời khai” đối với ông Thanh trước mắt chưa thể thực hiện được trong khi đây là “đối tượng” chính của việc điều tra.

Tuy nhiên, “lời khai” của ông Thanh chỉ là một trong những nguồn chứng cứ mà thôi. Ngoài lời khai của đối tượng trực tiếp bị “điều tra”, còn có lời khai của nhiều người có liên quan khác như đối tác làm ăn, cấp trên, cấp dưới của ông Trịnh Xuân Thanh.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ các hồ sơ khác như sổ sách, chứng từ, công văn, bút phê, tài khoản cơ quan, các tài khoản và tài sản cá nhân của ông Thanh (nếu) có liên quan tới vụ việc cũng là nguồn chứng cứ quan trọng”

Tôi cũng cho rằng, trường hợp có đủ căn cứ khởi tố hình sự ông Trịnh Xuân Thanh, nhưng (nếu) ông Thanh đã bỏ trốn trước đó thì theo quy định của pháp luật hình sự, truy nã là việc cơ quan điều tra ra một quyết định truy tìm tung tích, bắt giam trở lại đối với người vi phạm pháp luật hình sự, khi có dấu hiệu bỏ trốn khỏi nơi cư trú, hoặc nơi thi hành án, đến một địa bàn khác,cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành truy nã. Nếu như vậy, CQĐT chắc chắn sẽ ra quyết định truy nã đối với ông này.

Nếu ông Thanh trốn ở trong nước thì không phức tạp lắm. Tuy nhiên, nếu ông Thanh đã trốn ra nước ngoài thì Bộ Công an sẽ có những biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đưa ông Thanh trở lại Việt Nam, đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ tội phạm như: Hàn Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, Lào …thì Việt Nam sẽ phối với các quốc gia này để dẫn độ ông Thanh về nước, còn với hầu hết các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Úc, phần lớn các nước Mỹ La Tinh, Châu Phi, Tây Á chúng ta chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ tội phạm thì việc chuyển giao ông Thanh về nước sẽ khó khăn hơn, tuy nhiên nếu xác được hành vi phạm tội của ông Thanh thì nhiều khả năng hành vi đó thuộc về nhóm tội phạm về tham nhũng. Nếu thuộc loại này thì đây là loại tội phạm mà không được bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào dung thứ. Do đó chúng ta có quyền hy vọng sẽ nhận được sự phối hợp của các nước sở tại để chuyển giao ông Thanh về nước.

Đánh giá về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, tôi cho rằng, việc Cơ quan cảnh sát điều tra chưa xác định định rõ hành vi vi phạm của ông Thanh mà (nếu) ông Thanh đã tự bỏ trốn thì chẳng khác nào việc ông Thanh “tự thú trước bình minh”. Chưa cần nói tới các vụ việc khác liên quan tới ông Thanh nhưng chỉ tính riêng thời điểm ông Thanh làm chủ tịch PVC gây thiệt hại hơn 3.000 tỷ, đây là sự việc cực kỳ nghiêm trọng và đau xót. Thử tưởng tượng rằng với số tiền thiệt hại trên thì hàng vạn người nông dân phải oằn mình trên những cánh đồng để có thể tạo ra số tiền lớn đến như vậy, 3.000 tỷ đồng nếu không bị thất thoát chúng ta có thể xây dựng được hàng ngàn trường học, trạm y tế ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo để phục vụ và nuôi dưỡng ước mơ cho biết bao mảnh đời.

Việc Đảng quyết liệt chỉ đạo làm rõ vụ việc, đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân chào đón, hoan nghênh. Người dân chờ đợi sự công minh của cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm của cán bộ trong trường hợp này.

Luật sư Trương Anh Tú