Giáo dục thời COVID-19: Học sinh không cần đến trường vẫn tốt nghiệp?
Đại dịch COVID-19 là một thử thách rất lớn, chưa từng gặp đối với giáo dục, nhưng cũng là cơ hội, tạo áp lực, động lực để giáo dục đổi mới
Đại dịch COVID-19 là một thử thách rất lớn, chưa từng gặp đối với giáo dục, nhưng cũng là cơ hội, tạo áp lực, động lực để giáo dục đổi mới, thay đổi về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Nhiều nhà giáo, chuyên gia cho rằng, cần xem xét ý tưởng có thể cấp đánh giá, công nhận kết quả học tập cho học sinh thông qua các phần mềm, công cụ trực tuyến.
Trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) triển khai dạy học trực tuyến qua phần mềm Zoom từ hơn 1 tuần nay. Các giáo viên và học sinh của trường đều cảm thấy hào hứng, thích thú. “Em thấy không khác gì đi học tại lớp, vì vẫn trực tiếp nghe cô giáo giảng, phát biểu trả lời câu hỏi. Các bạn thảo luận, làm bài tập, điểm danh… Thậm chí, em thấy thầy cô giảng bài qua mic giọng còn hay hơn nói trực tiếp” – em Phan Mạnh Tân, học sinh lớp 12K, Trường THPT Hồng Lĩnh, chia sẻ.
Cô Trần Hà – giáo viên của trường - cảm thấy dạy học trực tuyến khỏe vì đỡ khâu trang điểm, trang phục, đi lại khi đến trường. Lớp không ồn, khi giảng bài đỡ mệt hơn. Học sinh chăm chú học, ghi chép, thảo luận. “Kiểm tra miệng có thể làm ngay trong tiết dạy trực tuyến, còn kiểm tra định kỳ có thể thông qua các công cụ phần mềm… để đánh giá cho điểm bình thường”- cô Hà nói.
Ngay sau khi các trường học tạm đóng cửa vì dịch COVID-19, nhiều địa phương đã triển khai các phương án dạy học thay thế như dạy học trên truyền hình, dạy học qua các phần mềm, công cụ sử dụng môi trường Internet. Các phương án này cho thấy có nhiều điểm thuận lợi, ưu việt: Giáo viên và học sinh không phải đi lại, tập trung đông người, quản lý người học chặt chẽ thông qua việc đăng nhập tài khoản dạy học, vận dụng được kho ứng dụng, kiến thức vô tận trên Internet, kích thích sự sáng tạo, chủ động của người học.
Từ thực tế kỳ nghỉ của học sinh nhiều lần bị kéo dài do dịch COVID-19 đang có những diễn biến khó lường, nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục đặt vấn đề có thể công nhận kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh thông qua các phần mềm, công cụ trực tuyến, theo mô hình giáo dục từ xa, mà không cần học sinh phải đến trường, hoặc chỉ kiểm tra, sát hạch chất lượng “sản phẩm đầu ra”.
Thầy Võ Phi Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu (Nghệ An) - cho biết: “Quan điểm của chương trình giáo dục mới đã thay đổi so với trước đây. Đó là chương trình giáo dục xác định chuẩn đầu ra của chương trình tiếp cận năng lực gồm hệ thống năng lực tổng hợp, cụ thể. Nói nôm na đây là các yêu cầu của tiêu chuẩn, chất lượng “sản phẩm học sinh”. Các nhà trường có thể sử dụng bất cứ bộ sách giáo khoa nào trong số các bộ đã được phê duyệt, nhà quản lý chỉ đánh giá, và kiểm tra dựa trên các tiêu chí của chuẩn đầu ra trong chương trình”.
Theo quan điểm của chương trình giáo dục mới, nhà giáo có thể chủ động, linh hoạt trong lựa chọn nội dung, phương pháp giáo dục. Học sinh có thể tự học. Nhà quản lý thông qua các tổ chức kiểm định, sát hạch chất lượng giáo dục dựa vào các tiêu chí của chuẩn đầu ra. Nếu người học đạt yêu cầu thì cấp chứng chỉ, cấp bằng, công nhận trình độ giáo dục – đào tạo.
Thầy Trần Xuân Phượng – Hiệu trưởng trường THPT Minh Khai- Đức Thọ (Hà Tĩnh) - cho rằng, quan điểm của chương trình giáo dục mới hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ chế và động lực để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo.
“Giáo dục hiện đại chú trọng chất lượng, hiệu quả thông qua “sản phẩm đầu ra” là người học. Vì vậy, nếu học sinh, sinh viên không cần đến trường mà vẫn có thể được cho lên lớp, cấp chứng chỉ hay công nhận tốt nghiệp là điều rất tốt và nên làm” – thầy Nguyễn Đức Chiến, giáo viên THPT tại Nam Đàn (Nghệ An), trao đổi.
Theo Quang Đại
Báo Lao động