Bạn đọc viết:

Giải bài toán giao thông phải nhằm đúng bản chất của nó

(Dân trí) - Trong gần 10 năm qua có lẽ việc mà đất nước ta phải tốn nhiều giấy mực nhất phải nói đến vấn nạn về giao thông đường bộ. Nay cuộc cách mạng này lại tiếp tục với phương thức: Hạn chế xe máy - chắc sẽ hứa hẹn còn nhiều sự gay cấn.

Không biết bao nhiêu sự chuyện về tai nạn và ùn tắc giao thông vốn đã xẩy ra hàng ngày trên các phương tiện truyền thông. Theo thời gian đã có bao nhiêu là giải pháp tiếp nối nhau nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông. Nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy tai nạn và ùn tắc giao thông đường bộ vẩn nguyên còn đó! Vậy thì nguyên nhân là ở đâu? Đây là câu hỏi mà nhiều năm qua từ nhà hoach định chính sách cho đến người dân đều tự đặt ra.

 

Xem ra nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông như một thứ ma trận phức tạp khó giải. Tuy nhiên có một điều hầu như tất cả các giải pháp nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông đều được thử nghiệm chỉ duy một việc thấy rõ trước mắt thì lại bỏ qua.

 
Giải bài toán giao thông phải nhằm đúng bản chất của nó - 1

Gt 1 Đường phố Hà nội nườm nượp xe máy Nhật
 

Có một bài toán lấy làm ví dụ khá đơn giản nếu ta cho M là mật độ, P là mọi phương tiện tham gia giao thông, S là diện tích mặt đường chứa nó. Thì muốn tìm mật độ của phương tiện ta sẽ có công thức M= P/S. Khi phương tiện (P) được phát triển vô giới hạn mỗi người một phương tiện từ xe máy đến ô tô. Trong lúc diện tích mặt đường chỉ phát triển hạn chế nói cách khác không còn quĩ đất trong các thành phố để dành cho giao thông. Thì hiển nhiên mật độ (M) giao thông tăng lên không có điểm dừng dẫn đến mọi phương tiện ùn tắc là điều không thể tránh khỏi.

 

Đáng buồn hơn cứ mỗi ngày tai nạn giao thông lại cướp đi trên 30 sinh mạng hơn cả trong các cuộc chiến tranh! Đó chính là do mật độ của mọi phương tiên tham gia giao thông. Việc này đã không hẹn mà gặp nhiều hãng sản xuất xe máy ở nước ta hàng năm cho ra đời hàng triệu chiếc; người dân được thoải mái mua xe. Ai cũng ham chuộng phương tiện cá nhân nó khá rẻ tiền mỗi người một con “ngựa sắt” cứ thế tự do mà phi. Mỗi năm lượng xe máy trong dân tăng lên hàng triệu chiếc. Lẽ tất yếu sẽ đến lúc không còn đường mà đi nữa đặc biệt ở các thành phố lớn. Đây chính là căn nguyên vì sao tai nạn và ùn tắc giao thông không kiềm chế được ngược lại ngày một gia tăng.

 

Cách đây khoảng 20 năm về trước vào thập kỷ 80 (thế kỷ 20) có ai quan tâm đến tai nạn và ùn tắc giao thông đâu. Bởi lúc đó mọi người đều đi trên phương tiện giao thông công cộng phương tiện cá nhân chỉ là thi thoảng. Mặt khác nhìn vào thành phố (trên phim ảnh) của các nước trên thế giới ngày nay có mấy bóng dáng xe máy đâu? Vậy mà nhìn đến đô thị nước ta dày đặc những phương tiện giao thông bằng xe máy đến ngợp mắt! Mật độ - phải nhận thức chính từ mật độ giao thông do lượng phương tiện xe máy quá cao này. Chứ không thể thay thế nó bằng ý thức hay văn hóa của người điều khiển phương tiện.

 

Không phải vì luật giao thông chưa đủ hay chưa học kỹ, vì biển báo chỉ dẫn chưa nhiều, vì tốc độ nồng độ cồn, vì chưa phân luồng phân giờ làm việc, vì hình phạt chưa đủ mạnh vân vân và vv… Tất cả những việc đó cũng cần thiết nhưng nó không nhằm đúng vào bản chất của vấn đề cần giải quyết chính là mật độ giao thông. Mà còn ngược lại nó làm phân tâm, lệch hướng, nhập nhằng, tốn thời gian với cái trọng tâm cần phải thực hiện.

 

Tiếc rằng trong suốt cả thời gian dài chúng ta đã duy lý chí cố lấy ý thức con người ra để thay thế cho bài toán số học về mật độ và cả quy luật tự nhiên. Đó là khi đường giao thông phát triển theo “cấp số cộng” do bó hẹp quỹ đất trong thành phố; thì phương tiện giao thông cá nhân trên đà phát triển không hạn chế theo “Cấp số nhân”. Hậu quả phương tiện giao thông bùng phát như ngày nay là tất yếu. Dẫn đến nếu không đâm va chen lấn nhau và ùn tắc mới là chuyện lạ đây là quy luật vốn có của tự nhiên. Không những gây ra tai nạn và ùn tắc mà còn lãng phí tiền của phương tiện nhiên liệu, lãng phí đến thời gian. Làm ô nhiễm môi trường do đốt cháy quá nhiều nguồn nhiên liệu hóa thạch gây biến đổi khí hậu. Phải nhìn vào thực tế để giải quyết đúng vào bản chất của vấn đề đó là mật độ của mọi phương tiện giao thông.

 

Như thế đã rỏ chỉ có giảm bỏ phương tiện xe máy ở các thành phố lớn tiến tới cần áp dụng cho cả nước. Phải coi loại phương tiện này là thứ chia lẻ manh mún gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng xã hội đang phát triển. Tăng cường sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng trên mọi tuyến đường. Người dân sẵn sàng đi bộ trên các đoạn đường ngắn như các nước khác trên thế giới họ đều như thế.

 

Cuộc cách mạng nào mà không gặp phải những thách thức khó khăn, cuộc cánh mạng chuyển đổi phương tiện giao thông này sẽ không khỏi gây bức xúc cho người dân khi đã quen với phương tiện cá nhân. Nhưng chúng ta đang đối mặt với vấn nạn đã nhãn tiền là tai nạn và ùn tắc; phải lập lại trật tự giao thông là điều bức thiết vì lợi ích chung. Để thực hiện quyết sách này mong rằng nhà hoạch định chính sách cơ quan chức năng, phải nhất quán kiên định mới thực hiện được.

 

Lê Văn Thưa
Thôn Tiền, xã Võ ninh, huyện Quảng ninh, tỉnh Quảng bình