Có thể xử lý đôi học sinh vứt thi thể thai nhi xuống bãi đất trống?
(Dân trí) - Theo luật sư, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là đứa trẻ tử vong trước hay sau khi bị vứt bỏ, từ đó xác định căn cứ xem xét có khởi tố vụ án hình sự hay không.
Như Dân trí thông tin, sáng 5/2, người dân phát hiện thi thể trẻ sơ sinh bọc trong túi nhựa tại bãi đất trống thuộc hẻm 156 Nguyễn Hữu Dật, quận Tân Phú, TPHCM. Tiếp nhận tin báo và tiến hành xác minh, công an xác định người ném thi thể là cặp nam nữ học sinh lớp 9.
Làm việc với công an, cặp đôi khai nhận sinh sống tại căn nhà cạnh bãi đất trống. Sau khi mang thai và sinh con tại nhà, nhận thấy đứa trẻ không còn hô hấp, hai học sinh đã ném thi thể qua bãi đất trống kế bên nhà.
Thông tin vụ việc gây bức xúc lớn trong xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi về việc với hành động trên, đôi học sinh có thể bị xử lý theo quy định pháp luật hay không?.
![Có thể xử lý đôi học sinh vứt thi thể thai nhi xuống bãi đất trống? - 1 Có thể xử lý đôi học sinh vứt thi thể thai nhi xuống bãi đất trống? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/_0kN8M-5ol2R6qAZyfEBHVlgZwY=/thumb_w/1020/2025/02/08/thi-the-1738898408957-1738979149206.jpg)
Khu vực phát hiện thi thể trẻ sơ sinh (Ảnh: Thuận Thiên).
Bình luận dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) theo Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
"Theo thông tin cơ quan công an cung cấp, đôi học sinh khai nhận đã sinh con tại nhà, sau khi nhận thấy đứa trẻ không còn hô hấp thì vứt sang bãi đất cạnh nhà. Tuy nhiên, đây mới là lời khai ban đầu, cơ quan chức năng cần tiếp tục củng cố lời khai, đồng thời thu thập các tài liệu, chứng cứ để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Trong đó, vấn đề mấu chốt là thời điểm tử vong của đứa trẻ là trước hay sau khi bị vứt sang bãi đất.
Nếu đứa trẻ tử vong ở thời điểm trước khi bị vứt bỏ, lời khai ban đầu là chính xác thì chưa có căn cứ để xem xét trách nhiệm xử lý. Ngược lại, trường hợp có căn cứ cho thấy tại thời điểm bị vứt bỏ, đứa trẻ chưa tử vong và việc vứt bỏ con là nguyên nhân dẫn tới việc đứa trẻ tử vong, có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Giáp bình luận.
Tuy nhiên, theo luật sư Giáp, trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu hình sự, cần đánh giá một cách chính xác độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của những người liên quan. Theo đó, Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm với mọi tội phạm theo quy định của Bộ luật này, còn người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm đối với các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 2, Điều này.
Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về phân loại tội phạm, tội vứt bỏ con mới đẻ thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng. Do đó, dù kết quả xác minh cho thấy có thể có dấu hiệu hình sự nhưng người liên quan chưa đủ 16 tuổi, không có đủ căn cứ để xem xét khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.