Bạn đọc viết:

“Hiến kế” chống ùn tắc cho “tổng tư lệnh” ngành giao thông

(Dân trí) - Trước thực trạng giao thông hiện nay, tôi xin đề xuất gói giải pháp phân làn đường nhằm mục đích giảm ùn tắc.

Giải pháp 1: Đề xuất một loại biển báo mới cho luật giao thông đường bộ:

 

Biển báo quy định cho phép số làn ô tô tối đa được lưu thông song song trên một tuyến đường.

 

Hình vẽ biển như sau:

“Hiến kế” chống ùn tắc cho “tổng tư lệnh” ngành giao thông - 1

Hướng dẫn biển:

Cho phép số lượng xe ô tô tối đa được chạy song song trên một làn đường

Trong trường hợp có nhiều hơn số xe cho phép, xe chạy làn ngoài cùng phạm luật

 

Chú giải:

 

Biển này quy định số làn xe ô tô tối đa được chạy song song trên một chiều đường. Ví dụ biển phía trên chỉ “CHO PHÉP TỐI ĐA 2 LÀN Ô-TÔ CHẠY SONG SONG”. Tùy thuộc vào chiều đường rộng hay hẹp mà quy định số làn xe ô tô tối đa được chạy song song, ví dụ như cho phép 1, 2 hoặc 3, 4… làn ô tô và điều chỉnh số xe ô tô trên biển.

 

Trên thực tế, biển báo này chỉ là luật hóa một hình thức quản lý giao thông đã được thực hiện như ở TPHCM, quy định một số tuyến phố chỉ cho 1 làn xe chạy, nếu xe nào vượt bên trong sẽ bị xử lý. Thực trạng hiện nay là khi đường có dấu hiệu ùn tắc thì các tài xế ô tô ngay lập tức đem tư duy lái xe máy ra áp dụng, tức là luồn lách, chui lủi vào bất kỳ một khe hở nào trên đường để đi, cho dù là đi sát mép vỉa hè, lấn làn xe máy, xe đạp. Vì vậy mà trong giờ cao điểm, những tuyến đường rộng có tới 7 làn ô tô cùng dàn hàng ngang luồn lách như đường Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương… Các xe chặn đầu, khóa đuôi nhau nên đã tắc càng tắc thêm. Ở một nước không có văn hóa xếp hàng thì không thể có chuyện các xe nhường nhau khi tắc đường, cho dù có gặp tàu hỏa đi chăng nữa?! (như vụ ô tô tranh đường tàu hỏa ở cầu Ghềnh chẳng hạn).
 
Chính vì vậy, thay vì phân làn đường ô tô, xe máy riêng biệt thì chỉ cần khống chế số lượng làn ô tô tối đa được chạy trên một chiều đường. Theo thuyết Đác – Uyn, con người tiến hóa như ngày nay nhờ vào phần lớn hai đặc điểm là tiến hóa và thích nghi; và sinh vật có cơ chế điều chỉnh riêng rất đặc biệt. Khi khống chế số làn ô tô như vậy tự khắc các ô tô sẽ thích nghi bằng cách “cắn đuôi nhau” đi, vì để “ngăn không cho bọn xe máy chèn làn” ấy mà”! Hơn nữa ô tô cũng không có cơ hội bon chen vượt phải. Xe máy cũng sẽ chăm chỉ lưu thông bên phải do vừa nhanh hơn, vừa an toàn hơn, vừa ít cơ hội lấn đường ô tô… Thậm chí, đường càng đông ô tô thì biển báo khống chế số làn ô tô này càng phát huy tác dụng.

 

 

“Hiến kế” chống ùn tắc cho “tổng tư lệnh” ngành giao thông - 2
 

 Tưởng tượng với 6 làn ô tô chen nhau như vậy nếu khống chế cho phép tối đa 3 làn ô tô song song thì dòng xe lưu thông có theo trật tự không?

 

Tính ưu việt của biển này là có khả năng áp dụng tại tất cả các tuyến phố, tại bất kỳ thời điểm, địa điểm nào. Việc quy định số làn xe tối đa như vậy sẽ có tác dụng làm “mềm hóa” quy định phân làn đường như hiện nay, không phải lo tranh cãi đâu là đường xe con, đường xe buýt… cũng không phải lo tranh cãi số ô tô ít mà diện tích nhiều, xe máy 80% mà diện tích ít…

 

Bên cạnh đó còn có một số tác dụng khác:

1.      Cưỡng bức các xe ô tô phải chạy đúng làn đường, hình thức giao thông sẽ văn minh, quy củ hơn vì nếu ô tô luồn lách chèn vào đường xe máy sẽ vi phạm luật.

2.      Kiềm chế sự phát triển xe ô tô cá nhân do sự chênh lệch rõ ràng về thời gian di chuyển. (ô tô có thể phải xếp hàng rất dài mới qua được đèn đỏ ở ngã ba, ngã tư; trong khi xe máy, xe đạp sẽ di chuyển nhanh hơn nhiều vì không bị ô tô chèn đường). Các giải pháp mang tính cấm đoán như cấm xe máy hay cấm ô tô để chống ùn tắc đều là hạ sách. Việc cắm biển khống chế làn như vậy sẽ kiềm chế tăng ô tô cá nhân thông qua giải pháp kỹ thuật do thời gian đi ô tô tốn hơn rất nhiều.

 

3.      Có khả năng phát hiện xe vi phạm rất cao (chỉ cần đứng cách xa cũng nhìn rõ xe nào vượt phải đi lấn sang làn khác, từ đó rất thuận tiện trong xử phạt xe vi phạm, góp phần tăng ngân sách Nhà nước nhanh chóng.

4.      Trong trường hợp có ùn tắc, các xe ưu tiên như xe cứu hỏa, cứu thương, xe công vụ… vẫn có thể di chuyển được nếu đi vào làn đường cho xe máy do xe máy vẫn còn có thể nhường được đường cho xe ưu tiên, ô tô muốn nhường khi tắc cũng không thể. Đây là một điểm đặc biệt ưu việt và sẽ phát huy hiệu quả rất cao khi ùn tắc. Đã có nhiều trường hợp xe cấp cứu, xe công vụ… cũng không thể di chuyển được do tắc đường.

5.      Bên cạnh đó, việc phân làn theo cách này dần dần giúp các phương tiện làm quen với việc tuân thủ các quy định giao thông, đi lại một cách có quy củ hơn, văn minh hơn. Trong trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng dễ dàng “túm người có tóc” (ô tô) hơn là bắt “kẻ trọc đầu” (xe máy, xe đạp…)

 

Tôi được biết Sở GTVT Hà Nội rất có kinh nghiệm trong chạy thử các mô hình. Hi vọng Sở sẽ nghiên cứu cho chạy thử mô hình khống chế làn ô tô.

 

Khác với giải pháp 1 “mềm hóa” việc phân làn đường, giải pháp 2 đề xuất “cứng hóa” việc phân làn đường tại các giao cắt.

 

Giải pháp 2: Xây dựng các giải phân cách cứng cho các hướng đi rẽ trái, đi thẳng, rẽ phải tại các ngã ba, ngã tư. Chiều dài giải phân cách cứng từ 20m đến 50m phụ thuộc vào mật độ phương tiện; số lượng dải phân cách cứng là 2 dải hoặc 1 dải căn cứ vào khổ rộng của làn đường.

 

Giải thích: Do không có giải phân cách cứng tại các giao cắt nên tình trạng phổ biến là các xe thường lấp đầy trước đèn giao thông, kể cả đỗ sang làn rẽ khác (nếu có ít xe hơn). Chính vì vậy đến lúc đèn xanh sẽ có tình trạng giao cắt hỗn độn, tạt đầu, chẹn đuôi và cướp đường nhau để đi. Rẽ tùy tiện, người đỗ sát bên phải có thể tạt luôn sang rẽ trái trước các đầu xe khác.

 

Do vậy để khống chế bắt buộc các phương tiện phải xếp hàng để đi đúng hướng muốn đi, cần thiết phải xây dựng các giải phân cách cứng. Việc này càng cần thiết với một nước không có văn hóa xếp hàng. Tùy mặt đường rộng hay hẹp mà có thể chia làm 3 hướng rẽ hoặc chia 2 hướng rẽ. (tương tự như xếp hàng vào làm thủ tục máy bay thường phân làn cưỡng bức bằng các cột chăng dây để bắt buộc mọi người đi đúng luồng xếp hàng.

 

Khi đã thiết lập các dải phân cách cứng, ngoài tác dụng nâng cao ý thức người dân phải đi đúng làn đường định rẽ của mình hơn còn có lợi ích khác, đó là tăng thu và nâng cao ngân sách cho ngành công an do các chiến sỹ rất dễ quan sát người rẽ có đi đúng làn đường không.

 

Như vậy, giải pháp một và hai về bản chất cũng là một hình thức phân làn đường, chỉ khác về phương pháp và cách thức áp dụng cho từng vị trí giao thông. Hai giải pháp này cần phải được triển khai đồng thời mới hi vọng đem lại thay đổi cho bộ mặt giao thông đô thị.
 
“Hiến kế” chống ùn tắc cho “tổng tư lệnh” ngành giao thông - 3

 

Một vấn đề khác là thực trạng hiện nay các lái xe vừa vận hành vừa sử dụng điện thoại quá nhiều. Lái xe là công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, trên đường phố đông người càng cần tập trung hơn. Thực trạng các lái xe thường sử dụng ĐT trong khi lái cũng là một thủ phạm gây tắc đường thêm.Vì vậy nếu việc phát hiện vi phạm và xử lý không nghiêm có thể sẽ dẫn tới nhiều tai nạn hơn, thậm chí nhiều “xe điên” hơn…

 

Các giải pháp trên đều là những giải pháp dễ làm, dễ thực hiện, ít tốn kém, khả năng tăng thu cho ngân sách khá cao, không làm xáo trộn đời sống và nếp sinh hoạt người dân, lại chỉ thuộc phạm trù riêng ngành giao thông.

 

Tôi mong rằng kế sách này sẽ đến được tai “Tổng tư lệnh” và “Tư lệnh thủ đô”. Cũng có thể kế sách này không được thử nghiệm vì không hay, nhưng nếu BT là người biết lắng nghe và chắt lọc những ý hay trong những đề xuất điên rồ nhất từ các phía thì chẳng những nhiệm kỳ này của BT sẽ vững như bàn thạch mà khóa 2 có thể sẽ trong tầm tay.

 

Xin trân trọng cảm ơn!

 

TS. Dương Huy Lương

Trường Đại học Y Hà Nội & VCLCSYT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm