Giả định và từ thiện

(Dân trí) - Câu chuyện dư luận đang có ý kiến trái chiều về chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Viettel và một số cơ quan khác thưc hiện gần đây khiến tôi có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ.

Vài năm trước, khi còn phụ trách mảng truyền thông cho một tập đoàn lớn, mỗi tháng tôi nhận không dưới khoảng 30 bộ hồ sơ mời tài trợ. Mức độ phong phú thì khỏi nói: từ các chương trình ca nhạc, gameshow, từ thiện...tới cả các sự kiện như hội đồng hương, hội dòng họ...; từ các cơ quan Nhà nước, tới các tổ chức xã hội, tư nhân... 
 

Không chỉ nhận được hồ sơ qua đường bưu điện, qua người quen, mà điện thoại cũng không lúc nào được... im lặng. “Bị” gửi, “bị” gọi, “bị” nhắc... nhiều tới nỗi sau đó tôi không bao giờ còn dùng chuông cho máy di động nữa.

 

Tôi “trốn” những bộ hồ sơ ấy, không phải vì doanh nghiệp không chịu làm từ thiện. Làm nhiều nữa là đằng khác. Mỗi một năm, chúng tôi tham gia vào rất nhiều chương trình, từ chuyện trợ giúp làm đường xá cho các làng bản ở xa, đóng góp cho các Quỹ nghiên cứu, tặng sách cho thanh niên, tổ chức các cuộc thi sáng tạo... Nhưng chúng tôi cho rằng điều đó không có gì để nói và cũng không bao giờ muốn người khác coi đơn vị kinh doanh của mình là một tổ chức làm từ thiện.

 

Vì với các doanh nghiệp hiểu biết, chuyện đóng góp cho xã hội là hành vi tự nguyện, người tiêu dùng đã giúp họ tồn tại và phát triển, việc họ đóng góp ngược trở lại cho cộng đồng, là đương nhiên. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ buộc phải tham gia vào tất cả các chương trình được mời gọi.

 

Mỗi doanh nghiệp có triết lý và con đường phát triển riêng, càng là doanh nghiệp lớn, họ càng phải cân nhắc lựa chọn sự đóng góp cho xã hội làm sao gắn với năng lực cốt lõi của họ, ngành nghề của họ. Bởi vì, cách đóng góp như vậy góp phần làm cho chính nhân viên

của DN hiểu hơn và gắn bó hơn với công việc hàng ngày của mình. Và bởi việc đóng góp cho xã hội không chỉ đơn giản là đưa tiền.

 

Là người làm truyền thông, chúng tôi đã gặp không ít những câu chuyện buồn đằng sau sự “cho” mà không đến nơi đến chốn.

 

Có doanh nghiệp muốn tặng hàng triệu ly sữa cho trẻ em nhưng những ly sữa ấy khi được mang về các địa phương đã... nằm lại ở chỗ của những người có chức phận.

 

Có doanh nghiệp muốn trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học nhưng nhiều học bổng đã bị “trao nhầm” cho những em học sinh gia cảnh không mấy khó khăn.

 

Có doanh nghiệp muốn tặng một số vật phẩm tiêu dùng cho những hộ nghèo, nhưng rồi người ta thấy những vật phẩm ấy được... bán ngoài chợ.

 

Có nhiều lý do, nhưng “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ấy cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều DN quyết định tự tổ chức những chương trình đóng góp cho xã hội theo cách của họ. Đấy là một quyết định dũng cảm.

 

Chúng ta có một chút tiền và muốn gửi vào một quỹ từ thiện hoặc tặng cho một ai đó thông qua một tổ chức chúng ta tin, đó là cách làm từ thiện dễ nhất. Nhưng tự tổ chức các hoạt động đóng góp cho công đồng, điều đó đồng nghĩa với việc DN sẽ phải có thêm nhân sự phụ trách, tổ chức các hoạt động trao tặng, theo dõi, giám sát và đánh giá...

 

Đó là chưa kể tới việc DN còn phải tự quảng bá chương trình đó, truyền thông để thuyết phục dư luận, mong dư luận hiểu và có thể đồng hành với mình. Tất cả những việc này cũng khiến DN phải bỏ ra một chi phí không nhỏ. Nhưng đó là cách các DN lớn chọn lựa.

 

Làm việc thiện không khó. Nhưng làm việc thiện một cách có trách nhiệm đầy đủ với hành động đóng góp của mình, điều đó khó hơn nhiều.

 

Là một chuyên gia truyền thông, một trong những nguyên tắc căn bản là chúng tôi không được phép “Giả định”. Từ những trải nghiệm hoặc kiến thức đã có, chúng ta thường cho rằng những người khác đã hiểu một vấn đề nào đó, ví dụ như làm việc tốt đương nhiên là tốt – đấy là sự giả định.

 

Trong phần lớn trường hợp, sự giả định giúp ta sống “dễ thở” hơn. Nhưng trong trường hợp này, từ một ý tốt ban đầu, Viettel đã giả định rằng xã hội sẽ hiểu về chương trình tặng bò mà mình đang làm là tốt nên đã “quên” truyền thông về chương trình đầy đủ, rõ ràng; và kết quả là, Viettel bị nghi ngờ.

 

Ở chiều ngược lại, những người đã đưa ra ý kiến nghi ngờ Viettel cũng giả định rằng chương trình tặng bò này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Viettel với những phép tính kiểu “đếm cua trong lỗ” như nhân số tiền 15 người sử dụng thuê bao Viettel trong 3 năm lên để tính ra lợi nhuận Viettel thu lại được nhiều thế nào so với tiền đầu tư mua bò; nhưng lại “quên” không tính đến việc các thuê bao có thể rời mạng sớm (dù họ có cam kết 3 năm) hay những chi phí Viettel phải bỏ ra để duy trì mạng lưới cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như vận hành chương trình này.

 

Cả hai sự giả định này đều không nên, vì cuộc sống không phải luôn như những gì ta tính. Cách vượt qua sự giả định, chính là phá bỏ những định kiến, phán xét và cởi mở đầu óc và trái tim của mình. Để hiểu chương trình tặng bò của Viettel là tốt hay không, cách tốt nhất là tham gia vào chương trình đó, thay vì việc đứng ngoài và phán xét.

 

Nếu bạn đã tham gia và thấy Viettel không làm được như cam kết, bạn hoàn toàn có quyền lên tiếng. Sự lên tiếng, lúc ấy, cũng chính là một hành động đóng góp cho xã hội, cho dù bạn không thực sự bỏ ra một số tiền “X” nào để quyên góp từ thiện!

 

Phạm Thị Điệp Giang
(Thạc sĩ Quản trị Truyền thông Quốc tế)