Bạn đọc viêt

Formosa: Từ lời hứa đến việc làm

Người Việt có câu: “Quá tam ba bận”, nghĩa là phàm đã làm việc gì mà đến lần thứ ba vẫn hỏng, vẫn không được thì coi như không, bỏ. Ấy mà những người lãnh đạo Formosa đã để “quá tam ba bận” trong hành xử với môi trường đất Việt.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Người Việt có câu: “Quá tam ba bận”, nghĩa là phàm đã làm việc gì mà đến lần thứ ba vẫn hỏng, vẫn không được thì coi như không, bỏ.

Ấy mà những người lãnh đạo Formosa đã để “quá tam ba bận” trong hành xử với môi trường đất Việt.

Liên tiếp những vụ xả thải, chôn chất thải độc hại được phát hiện

Đầu tiên là vụ xả chất thải độc hồi đầu tháng 4/2016 khiến cá chết hàng loạt dọc bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, gây ra thảm họa môi trường khủng khiếp chưa từng có ở Việt Nam.

Những tưởng sai phạm tày trời ấy của Formosa sẽ khép lại sau lời xin lỗi “chân thành từ trái tim” của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) Trần Nguyên Thành cuối tháng 6 vừa qua, nhưng không, Formosa vẫn sai phạm nối tiếp sai phạm. Điều đó cho thấy sai phạm của Formosa đã thành hệ thống, không còn là sự cố hi hữu, ngoài ý muốn nữa.

Trước khi thực hiện vụ xả độc ra biển cuối tháng 4/2016, tháng 5/2015, trên đất liền, Formosa đã bị phát hiện đổ rác thải ở bãi biển Thiên Cầm. Vụ việc đã được chính quyền địa phương lập biên bản nhưng chỉ khi Formosa bị phát hiện xả thải khắp nơi thì công luận mới được biết đến.

Mười ngày sau lời xin lỗi ‘chân thành từ trái tim” của ông chủ tịch, Formosa bị phát hiện chôn hàng trăm tấn chất thải ở trang trại ông Lê Quang Hòa, GĐ công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh gây chấn động dư luận. Liền sau đó, một loạt các điểm chôn giấu, xả thải khác cũng bị người dân và báo chí phát hiện.

Đó là hố chôn chất thải ngay trong công viên của công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh do ông Lê Quang Hòa làm Giám đốc.

Đó là ống ngầm xả thải bắt nguồn từ các nhà máy của khu công nghiệp Formosa chảy ra dòng suối ở thôn Thắng Lợi, phường Kỳ Phương.

Người dân tiếp tục phát hiện hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt có chữ Trung Quốc đổ tràn lan trong rừng Dự án ODA 327, thuộc phường Kỳ Trinh.

Còn nữa, theo báo cáo ngày 15-7 của Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, từ tháng 8-2015 đến nay, Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Phú Hà đưa về Phú Thọ xử lý đến 145,5 tấn chất thải nguy hại của Formosa. Vậy là rác độc – “vòi bạch tuộc” của Formosa đã vươn ra tận đồng bằng Bắc bộ.

Chiều 16/7, trao đổi với PV, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết “Có khoảng gần 10 điểm đổ trộm chất thải, rác thải nghi của Formosa”.

Phản ứng trước những vụ việc này, Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan, các cơ quan báo chí, đổ hết trách nhiệm cho Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng quản lý môi trường - đô thị Kỳ Anh khi họ nhấn mạnh: "Trong quá trình vận chuyển, xử lý nếu vi phạm quy định pháp luật, quy định hợp đồng và bị phát hiện, phạt vi phạm vì làm ô nhiễm môi trường thì Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng quản lý môi trường - đô thị Kỳ Anh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, không liên quan gì đến FHS". Cứ như lập luận của FHS thì một khi chất thải đã qua khỏi cổng FHS thì coi như FHS không còn phải chịu trách nhiệm gì!

Và thế là Formosa phủi tay. Sẽ không có một cái cúi đầu xin lỗi “chân thành từ trái tim” nào nữa trước nhân dân Việt Nam. Phải chăng, đây mới là cách hành xử đích thực của Formosa? Họ đang thách thức dư luận, thách thức chính quyền địa phương các cấp và các ban ngành liên quan ở Hà Tĩnh?

Quá tam ba bận...

Trong vòng một năm, Formosa đã có ba lần diễn màn gập người, cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam.

Lần thứ nhất, ngày 27/3, xin lỗi sau vụ sập giàn giáo ngày 25/3/2015 làm chết 13 công nhân, bị thương 29 người khác.

Lần thứ hai, ngày 26/4/2016, xin lỗi vụ Phó phòng đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm lỡ lời nói... thật “chọn thép hay chọn cá”.

Lần thứ ba, ngày 29/6/2016, xin lỗi vụ bức tử biển miền Trung và đền bù 500 triệu Mỹ kim qua hình ảnh clip công bố tại cuộc họp báo nguyên nhân cá chết ngày 30-6 với câu nói ngọt như mía lùi của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa Hà Tĩnh: “Chúng tôi tha thiết mong người dân rộng lượng và tha thứ. Bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố, chúng tôi mong sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam".

Mười ngày sau cái gập người xin lỗi ấy, Formosa đã chứng minh cho “sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa” bằng một loạt hành động đổ thải ra môi trường bị phát giác không chỉ trên biển mà còn cả trên đất liền. Người dân Kỳ Anh nói riêng, người dân miền Trung nói chung và dư luận cả nước có thể nói đã hết kiên nhẫn đối với cách mà Formosa đang hành sự.

Cổ nhân nói “quá tam ba bận”... Có lẽ không còn một cơ hội nào nữa (và thực ra họ cũng chẳng cần) để Formosa lại cúi đầu nói lời xin lỗi “chân thành từ trái tim”.

Trước thảm họa môi trường do Formosa gây ra, người Việt cũng muốn, như ông bộ trưởng nọ đã ví von khi nói về chuyện “xử tội” Formosa, rằng “đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”. Dưng mà, sau những lời xin lỗi “chân thành từ trái tim” ấy, Formosa vẫn “chạy đi”. Bằng chứng là một loạt phát hiện về việc Formosa vẫn tiếp tục chôn giấu, đổ trộm chất thải độc hại ra môi trường như đã nói trên.

Formosa đã “quá tam ba bận”, chẳng còn giải pháp nào hay hơn như kiến nghị của người dân làng biển Cảnh Dương (Quảng Bình) rằng, Formosa phải ngừng hoạt động. Đó là cách tốt nhất cho cả đôi bên bởi những lí do cơ bản: Công nghệ sản xuất thép Formosa đem về Vũng Áng lạc hậu và gây ô nhiễm nặng rất khó xử lý; Phó chủ tịch Quốc hội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhận định: 'Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng - an ninh'; Formosa góp phần quan trọng đẩy nước ta lún sâu vào tình trạng là bãi thải công nghiệp cho nước ngoài.

Ai dám đảm bảo rằng, thảm họa môi trường do Formosa gây ra vừa qua sẽ không lặp lại trong tương lai một khi Formosa chính thức vận hành?

Nguyễn Duy Xuân