Đừng để roi vọt trở thành… di sản truyền đời!

Khánh An

(Dân trí) - Sau những trận roi vọt, bố mẹ phải đối mặt với hàng loạt cảm xúc tồi tệ của giận dữ, hối hận, đau đớn buốt ruột gan khi nghĩ lại vẻ yếu ớt, sợ hãi và tiếng la hét van xin của núm ruột do mình sinh ra.

Chắc hẳn không ít trong chúng ta còn in hằn trong tâm trí những câu nói quen thuộc của cha mẹ mỗi khi đánh mình như "Không roi vọt không nên người được. Không dạy con thì để mai mốt xã hội dạy à?", cùng với đó là ám ảnh về âm thanh "vun vút" của chiếc roi mây…

Ông cha ta xưa có câu "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". "Roi vọt" ở đây có ý nghĩa là nghiêm khắc uốn nắn con trẻ bằng tình yêu thương chứ không phải là sự nuông chiều "cho ngọt cho bùi". Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu chưa đúng hoặc lấy đó để bao biện cho việc dạy con bằng bạo lực của mình.

Trước kia, nhiều gia đình thường dùng roi mây, roi tre để vụt trẻ. Có nhà còn treo roi ở trên tường hoặc để phía sau khung ảnh nào đó, có thò ra một phần cho con dễ dàng nhìn thấy để dọa con. Khi con không nghe lời, nhiều ông bố bà mẹ lại mang roi ra để đe nẹt với điệp khúc "kinh điển" như "Không roi vọt không nên người được. Không dạy con thì để mai mốt xã hội dạy à?" hay "Đánh con, con đau một mà bố mẹ đau mười"… và rồi trên mông, đùi của con hằn những vết roi.

Khi đánh con, cha mẹ cho rằng, ngày xưa mình cũng từng bị đánh, thậm chí còn hơn thế này và nhờ thế mới được như ngày nay mà không hiểu rằng, chính vì tổn thương đó nên giờ mình mới dạy con bằng đánh, mắng.

Đừng để roi vọt trở thành… di sản truyền đời! - 1
Dạy con theo kiểu đánh mắng, đòn roi sẽ gây ra những sang chấn tâm lý nặng nề cho trẻ

Theo chia sẻ từ Chuyên gia tâm lý học Bùi Thu Hiền, người sáng lập nhiều nhóm giúp cha mẹ hoàn thiện bản thân và đồng hành cùng con như "Dạy con đủ đức đủ tài", "Gỡ rối cho cha mẹ", "Cộng đồng hạnh phúc từ tâm"… khi đánh con, bố mẹ "được" trút sự bức xúc trong lòng lên con vì hành vi mà bố mẹ cho rằng con hư chẳng qua là một chất xúc tác kích hoạt những căng thẳng, stress, mệt mỏi tích tụ bên trong mình. Con được gánh đủ những chất "cặn bã" này.

Đánh con là cách để bố mẹ "được" thể hiện uy quyền, cái Tôi to vời vợi của mình rằng là bố là mẹ mình có quyền làm điều đó, chẳng lẽ đẻ ra con mà không dạy được con sao!

Đánh con cũng chính là bố mẹ "được" để lại di sản truyền đời cho cháu, chắt vì con sẽ copy nguyên bản cách bố mẹ đánh để đánh con của mình sau này. Cháu mình copy nguyên bản cách con mình đánh nó để đánh chắt mình sau này... Đánh mắng gia truyền!

Và rồi chính những cái "được" đó sẽ gây ra cái mất là "mất một đứa con hạnh phúc". Không có một con người nào hạnh phúc trọn vẹn khi được tiếp nhận, tích lũy năng lượng sân hận, giận dữ của bố mẹ trong cơ thể, trong tiềm thức của mình.

Những nỗi đau về thể xác sẽ lành theo thời gian nhưng còn những tổn thương tâm lý sẽ khó mà liền sẹo vì đòn roi nhiều sẽ gây ra những sang chấn tâm lý nặng nề cho trẻ như trầm cảm, bất ổn cảm xúc… khiến trẻ sẽ luôn tự ti ở bản thân và có xu hướng bạo lực. Mỗi lần bị đánh mắng, con sẽ thường dằn vặt bản thân như một kẻ vô dụng, là sản phẩm thất bại của cha mẹ và sẽ dần chán ghét bản thân mình. Có người, hàng chục năm sau còn quay lại dằn vặt bố mẹ bằng chính những lời cay độc họ từng nghe khi còn thơ bé.

Còn với bố mẹ, sau những trận roi vọt ấy, cũng không sung sướng gì mà là sự đối mặt với hàng loạt cảm xúc tồi tệ của giận dữ, điên loạn, hối hận, đau đớn đến buốt ruột gan khi nghĩ lại vẻ yếu ớt, sợ hãi và tiếng la hét van xin của một cơ thể con người tách ra từ cơ thể mình.

Trong quá trình nuôi dạy con, việc tăng xông, nóng giận là khó tránh khỏi, nhưng cha mẹ hãy cân nhắc giữa cái "được" và "mất". Roi vọt chỉ là biện pháp của những người nóng giận mất khôn, khiến trẻ sợ hãi nhưng không nể phục và sử dụng đòn roi, chính là thể hiện sự bất lực của cha mẹ. Dùng đánh mắng, đòn roi chính là bố mẹ đang "Cho con thiếu tình yêu đúng, thừa tình yêu sai"

Những cơn lũ cảm xúc tiêu cực đó trút lên con đều đến từ những tổn thương của bố mẹ; nên nếu đã có con, hãy chữa lành cho mình, rồi chữa lành cho những thương tổn trong lòng con. Nếu chưa có con, hãy chữa lành cho bản thân trước khi đón con đến với cuộc đời này. Khi hạnh phúc từ bên trong, bố mẹ cho con được hạnh phúc và đủ đầy tình yêu thương, chuyên gia Tâm lý học Bùi Thu Hiền cho hay.

Đừng dạy con bằng sự tổn thương, vì con cần tình yêu, cần sự che chở, cần sự bình an của bố mẹ. Đừng dạy con bằng roi vọt bởi điều đó chỉ khiến con bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Thay vào đó, để dạy con đủ đức đủ tài, bố mẹ cần bình an từ bên trong tâm hồn mình để làm chủ cảm xúc trong mọi tình huống.

Vì thế bố mẹ hãy yêu thương con đúng cách bằng chính tấm gương tử tế của mình. Chỉ có điều tốt đẹp mới tạo nên cuộc sống tốt đẹp và bố mẹ chỉ có thể cho con điều mà bố mẹ có; nên hãy dạy con bằng tình yêu thương từ trái tim bởi chỉ tình yêu mới thật sự cảm hóa được con.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm