Đừng để lòng tốt mãi bị thách thức!

(Dân trí) - Cùng giới chuyên môn mổ xẻ, bắt bệnh vô cảm đã khá nặng trong xã hội VN hiện nay, rất nhiều phản hồi của bạn đọc cũng chỉ rõ những căn nguyên thường bị né tránh khi phân tích về hiện tượng có thể gọi là thể hiện của những “con người xấu xí” này.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nỗi bất an thời bình

 

Khác hẳn với những giai đoạn vô cùng khó khăn gian khổ thời chiến tranh, thời bao cấp khi tiền ít nhưng tình người vẫn chứa chan, thời gian qua cái có thể coi như “căn bệnh vô cảm” quả thật đã tràn lan khắp nơi trong XH ta. Trước hết đó là lề thói làm việc của nhiều cán bộ lẽ ra là “công bộc của dân” như lời Bác Hồ dạy, thì lại quay sang “hành dân là chính”.  Còn trong đời sống hàng ngày thì nó thể hiện qua bao thực tế đau lòng, nào là người ngay sợ kẻ gian, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, ra đường thấy chuyện bất bình… ngó lơ, không có văn hóa ứng xử, luôn lấy bạo lực làm đầu, thấy người khác bị nạn lại xông vào hôi của…Tóm lại, chỉ có thể nói một câu ngắn gọn rằng: Đó là những biểu hiện của con người VN xấu xí!!!

 

Quá đau lòng, quá thất vọng, quá nản, quá  mất niềm tin…là những cụm từ thường xuyên xuất hiện trong hàng trăm, hàng ngàn ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi tới Dân trí mỗi ngày. Và càng đặc biệt dày đặc sau khi có những thông tin về bi kịch “làm người tử tế” xảy ra với anh Nguyễn Hữu Diên (22 tuổi, quê Phú Yên) chiều 23/6 ngay tại Khoa Cấp cứu bệnh viện Trường An, TPHCM.

 

Chia sẻ quan điểm với ThS Xã hội học Phạm Thị Thúy (ĐH Hành chính TPHCM) (chị cho rằng tội phạm hiện nay rất ngông cuồng, có thể ra tay sát hại người khác từ những va chạm, mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống), nick 113: hbinh.113@gmail.com nhấn mạnh:

 

“Đúng là lòng tốt đang bị thách thức trước cuộc sống. Nói như chị nêu trong bài viết thì hiện nay xung quanh nơi tôi sống có lẽ chẳng có đạo đức và hành vi ứng xử nào tốt cả? Khu tôi sống có hai trường sĩ quan quân đội và cả khu dân cư của hai trường đó, còn ở hai đầu đông - tây là hai khu kiểu “địa bàn giang hồ” khác nhau.  Thật là khó sống nhưng vẫn phải sống và tự phòng thân...”

 

Tran Chung zhongtran88@gmail.com phân tích:

 

“Những gì mà thạc sĩ chia sẻ là rất đúng, nhưng mỗi người chúng ta nên nghĩ xem nguyên nhân sâu xa có phải là: trong XH còn nhiều chuyện không công bằng, nhiều bất công.... Tất cả dồn họ đến trạng thái tâm lý như vậy và điều tất yếu xảy ra không có gì lạ cả, họ hành động như thế có lẽ cũng là để giải thoát những điều phiền muộn và ấm ức trong lòng? Xã hội ta giờ là như vậy mà, bởi thế nên chúng ta hãy học cách thích nghi như… sống chung với lũ ấy”.

 

Hoang Anh Quan anhquan2210@yahoo.com.vn phác thảo nhanh bức biếm họa về những điều nghịch lý trong thời bình:

 

“Sống trong một đất nước hòa bình nhưng cuộc sống lúc nào cũng đầy nỗi lo sợ. Ra đường thì sợ tai nạn giao thông, cướp giật , lừa đảo… Về nhà lo trộm, nước ngập v.v... Còn rất nhiều cái phải sợ. Nếu báo Dân trí đứng ra làm một cuộc thăm dò ý kiến thì có lẽ sẽ thấy được sự bất an trong dân lớn ra sao, cũng mong  để có thêm tiếng nói với các cơ quan có thẩm quyền để tìm được những bước đi đúng đắn hơn...”
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Tránh tai bay vạ gió

 

Phân tích của rất nhiều người đều nhấn mạnh lý do này, bởi trước bức tranh xã hội còn nhiều mảng màu phức tạp như vậy, với những con người bình thường thì có lẽ chỉ còn cách thà chịu tiếng “vô cảm” để thu mình phòng thân, tự cứu mình trước khi chờ được cứu mới là giải pháp tối ưu:

 

“Thói vô cảm của con người xuất phát từ những tiêu cực trong xã hội không được giải quyết trong thời gian dài và nó lây truyền như một dịch bệnh. Khi con người thiếu đi những công cụ tự vệ thì theo lẽ tự nhiên, con người phải thu mình lại để tự vệ” - Dinh Trong: dinhtrong_pham@yahoo.com

 

 “Chúng ta đang vô cảm là do MÔI TRƯỜNG SỐNG đã tạo nên, khi hàng ngày chúng ta chứng kiến bao nhiêu điều vô lý, bao nhiêu điều chướng tai gai mắt. Từ cách ứng xử của nhiều nhân viên công chức trong chính quyền như vậy, đến cách hành xử của nhiều con người ngoài xã hội như thế thì trong tiềm thức của ta sẽ ghi nhớ điều gì??? Phải chăng chỉ còn là sự vô cảm để bảo vệ an toàn cho bản thân mình và người thân trong gia đình mình???” -  Vô danh: chudongtu6789@gmail.com

 

“Khi nhiều người đối xử với nhau bằng bạo lực thì xã hội sẽ vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, do mọi người đều lo phòng thân vì sợ liên lụy đến mình. Đang đi trên đường gặp một người ngã xe, tôi dừng lại giúp người đó. Cháu tôi đi qua nhìn thấy về kể với người nhà. Mọi người đều khuyên tôi lần sau không giúp như vậy vì sợ bị hiểu nhầm mà tai bay vạ gió!” - Pham Khoi khoiphamm49@yahoo.com.vn

 

“Trong tất cả những ai comment ở đây có đủ can đảm và trách nhiệm để đưa người bị tai nạn vào bệnh viện, hay chỉ phán cho sướng miệng? Hầu hết ai cũng muốn lơ đi vì rất 'rách việc', mất thời gian và hơn nữa họ không muốn mua việc vào người. Là các bạn thì các bạn cũng vậy cả thôi, mỗi người 1 cách nghĩ khác nhau: người tốt thì họ gọi cho cái xe cấp cứu, kẻ xấu thì thừa cơ hôi của ^^  Thực trạng là thế. Luật pháp ở nước nào cũng có mặt hạn chế của nó, soạn thảo nên 1 bộ luật không phải là đơn giản đâu” -  Nam:  hoang_tu_mua_thu_hp@yahoo.com

 

“Gia đình là tế bào của xã hội, khi trong gia đình người lớn đã ngán ngẩm, coi thường luật pháp thì trẻ con cũng dần bị tha hóa, biến chất trong xã hội... Đất nước ta hiện nay ở đâu cũng nhan nhản tình trạng ‘nhờn’ luật pháp, nên những đứa trẻ lớn lên cũng sẽ là những sản phẩm xấu mà thôi….Tóm lại là tôi thấy ở ta hiện nay hầu như ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng không nghiêm, nên tình trạng mới như vậy” - Hoàng Hùng: hoanghungpham@gmail.com  

 

Để lòng tốt không mãi bị thách thức, thêm một lần nữa  Lê Tuấn Anh anloc68@gmail.com nhắn gửi:

 

 “Đã đến lúc hệ thống pháp luật VN cần phải nghiêm minh hơn nữa, phải dùng sức mạnh pháp luật để trừng trị những điều xấu xa của xã hội…”

 

Khánh Tùng