1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người thanh niên bị đánh chết trong bệnh viện:

Khi sự vô cảm xuất hiện, người tốt cũng phải “phòng thân”!

(Dân trí) - Sau khi gây tai nạn cho một cháu bé, anh Diên đã chủ động đưa cháu vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe, nhưng tại đây anh đã bị người nhà nạn nhân đánh chết. Chuyên gia xã hội học nhận định, đây chỉ là một giọt trong ly nước vô cảm đang rất đầy.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 23/6, sau khi tông phải một cháu bé 3 tuổi, anh Nguyễn Hữu Diên (22 tuổi, quê Phú Yên) đã chở người bị nạn vào viện kiểm tra và điều trị vết thương. Trong khi chờ ở bệnh viện, anh Diên bị một nhóm thanh niên xưng là người nhà nạn nhân xông vào đánh ngay tại khu cấp cứu của bệnh viện dẫn đến tử vong.

Khu cấp cứu bệnh viện Triều An, TPHCM - nơi anh Diên bị đánh chết.
Khu cấp cứu bệnh viện Triều An, TPHCM - nơi anh Diên bị đánh chết.

Tai nạn giao thông anh Diên gây ra cho cháu bé là sự việc ngoài ý muốn. Cháu bé chỉ bị xây xước nhẹ và người gây tai nạn cũng không chối bỏ trách nhiệm. Một sự việc lẽ ra đã được giải quyết êm đẹp nhưng kết cục là tính mạng một người lại bị tước đi. Câu chuyện đáng buồn này mang nhiều điều đáng suy ngẫm.

Con người như chiếc nồi áp suất chờ… xì

ThS Xã hội học Phạm Thị Thúy (ĐH Hành chính TPHCM) cho rằng, tội phạm hiện nay rất ngông cuồng, họ có thể ra tay sát hại người khác từ những va chạm, mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống.

Từ việc đánh chết người trộm chó ở nhiều vùng quê gây nhức nhối, hàng ngày, qua báo chí dễ dàng đọc thông tin về nhiều vụ án kinh hoàng, đau lòng. Người ta sẵn sàng tước đi cuộc sống của người khác bởi những lý do “trời ơi đất hỡi”. Từ một ánh mắt cho là “nhìn đểu”, một lời mời không được đáp lại, một tranh cãi nhỏ,... cũng có thể dẫn tới án mạng.

ThS Xã hội học Phạm Thị Thúy.
ThS Xã hội học Phạm Thị Thúy.

Sự việc người đàn ông bị đánh chết ở bệnh viện, theo chuyên gia Phạm Thị Thúy, chỉ như thêm một giọt nước vào ly nước đầy chứa đựng sự vô cảm của xã hội hiện đại chứ không phải cá biệt.

Thưa bà, tại sao trong cuộc sống hiện nay, người ta có thể ra tay tước tính mạng người khác chỉ vì những lý do có thể nói là rất ngớ ngẩn?

Lý do “ngớ ngẩn” chúng ta nhìn thấy, chúng ta tưởng là vậy chỉ là bề mặt mà thôi. Cuộc sống hiện nay rất căng thẳng, có rất nhiều nỗi lo. Một trong những nỗi lo nhiều người gặp phải là đời sống kinh tế bấp bênh, đồng tiền mất giá, con người khó có thể yên tâm, thanh thản để sống. Căng thẳng đó làm người ta khó kiềm chế được cảm xúc. Chỉ cần một chút tàn tro là những cảm xúc đó bùng cháy ngay. Thế nên mới có chuyện những người dân chân chất, hiền lành nhưng họ sẵn sàng đánh kẻ trộm chó không nương tay.

Bực bội dồn nén lại, con người ta chỉ chờ lý do để “xả” nên việc giết người, đánh hội đồng vì những lý do nhỏ nhặt có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Nhiều người đang sống trong trạng thái “điên tiết” như nồi áp suất, chỉ chực để xì hơi, cực kỳ nguy hiểm.

Những cảm xúc ức chế dồn tụ đến lúc nào đó họ sẽ trút vào những nơi có thể, thậm chí ngay với người thân trong gia đình hay với những người không quen biết. Chỉ cần một lỗi, một cái cớ rất nhỏ họ cũng có thể xông vào đánh người khác cho hả giận như "giận cá chém thớt" vậy. 

Về sự việc nói trên, người thanh niên gây tai nạn đã thực hiện trách nhiệm đưa người bị nạn vào viện điều trị, thanh toán chi phí. Vậy mà anh này lại bị nhóm người nhà của người bị nạn đánh chết. Chuyện này có thể giải thích thế nào?

Chất xúc tác ở đây là người ta thương cháu mình, nhưng phía sau đó có thể là sự tích tụ của những buồn chán, những vấn đề của họ trong đời sống như đất đai, nhà cửa, mâu thuẫn nào đó... Sự việc đứa cháu bị tai nạn có thể chỉ là một cái cớ để họ bung ra cảm xúc của mình cùng với sự kích động của đám đông. Bình thường có thể chúng ta rất bình tĩnh nhưng trong đám đông rất dễ bị chi phối bởi hành vi của người khác.

Một vấn đề đặt ra trong trường trường hợp này có chăng là phản ứng của người gây tai nạn còn thiếu khéo léo, dễ kích động hành vi của người khác? Nhóm người đang rất sôi sục, lo lắng cho tình trạng cháu mình thì họ rất dễ bị “chọc giận” bởi thái độ của người khác. Khi giao tiếp chúng ta cần lưu ý mình đang nói chuyện, tiếp xúc với đối tượng nào, cũng phán đoán được tâm trạng của họ để tránh được những điều đáng tiếc.

Lòng tốt đang bị thách thức

Những sự việc như vậy liệu có phải là liều thuốc “tăng” thêm sự vô cảm? Chúng ta sẽ trở nên e dè, cố thủ hơn trước các hành vi, việc làm có trách nhiệm của mình?

Chắc chắn là như vậy. Sự vô cảm đã được bàn đến nhiều năm nay, đó là thực tế xã hội và dù muốn hay không muốn thì chúng ta cũng phải đối diện. Ở xã hội nào cũng có người tốt, người biết yêu thương, quan tâm, sống theo lẽ phải. Nhưng khi sự vô cảm xuất hiện nhiều thì người tốt cũng bị ảnh hưởng và có tâm lý “phòng thân”.

Khi nhiều vụ việc làm phúc phải tội xảy ra, sự vô cảm trở nên không xa lạ thì trước mỗi việc tốt người ta sẽ cân nhắc, tính toán nhiều hơn đến hậu quả có thể xảy ra với mình. Bản thân tôi cũng có lúc đã tự hỏi, bây giờ ra đường gặp chuyện bất bình liệu mình có dám nhúng tay vào không? 

Như bà phân tích, khi cuộc sống có nhiều bất an, con người sẽ “co mình” trước những hành vi đúng. Vậy chúng ta phải giáo dục thế hệ trẻ như thế nào?

Đây là một sự thách thức. Mỗi người phải tự cứu lấy mình. Theo tôi, hai yếu tố cần nhất của mỗi người là đạo đức và kỹ năng ứng xử. Có đạo đức các em sẽ phân biệt được đúng sai, không để đám đông lôi cuốn vào những việc tiêu cực. Kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng ứng xử trong từng tình huống cực kỳ quan trọng. Có thể bạn tốt, làm việc tốt nhưng kỹ năng ứng xử chưa phù hợp, chưa đặt mình vào người khác thì cũng rất dễ gặp họa. Gia đình và nhà trường cần giáo dục, bồi đắp cho thế hệ trẻ hai yếu tố này. 

Điều đáng ngại là giáo dục của chúng ta, trong gia đình và cả nhà trường lại đang bỏ ngỏ hai yếu tố này hoặc làm cho có. Giáo dục chạy theo thi cử, điểm số, thành tích và đã làm mất đi “gốc” đạo đức. Tất cả những bất an chúng ta đang phải đối mặt hiện nay cũng là hậu quả của việc giáo dục đã lơ lờ việc dạy làm người, dạy đạo đức.

Ngoài ra, chúng ta cần xác lập lại niềm tin vào cuộc sống cho giới trẻ từ chính sự định hướng của người lớn, đặc biệt là môi trường gia đình. Sự định hướng ở đây không chỉ bằng lời mà phải bằng hành vi, hành động, lối sống.
 
Xin cảm ơn bà!

Hoài Nam