Đừng chỉ xấu hổ vì chuyện cướp bia
Suốt tuần qua, vụ người dân đổ xô cướp bia của một chiếc xe tải bị tai nạn ở Biên Hòa (Đồng Nai) đã trở thành tâm điểm của sự xấu hổ cho những người có hiểu biết trong xã hội.
Thậm chí có người xấu hổ tới mức phải làm khẩu hiệu giăng ngay tại chính nơi xảy ra tai nạn để bày tỏ thái độ của mình. Bức ảnh chụp một người đàn ông không nhìn rõ mặt đang căng một khẩu hiệu trên có ghi dòng chữ: “Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 14/2”.
Có lẽ đây là khẩu hiệu để bày tỏ sự xấu hổ hy hữu trong lịch sử, rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ và cảm ơn người viết nên câu khẩu hiệu này.
Chăng một câu khẩu hiệu như vậy, hẳn là vì tác giả của nó đã “hết chịu nổi” cái thói “hôi của” theo kiểu cướp cạn của người Việt, nào là bia, dưa hấu, xăng dầu, tiền bạc… cứ cái gì bị đổ ra đường là người ta xông vào tranh cướp, hồn nhiên ngu muội, chẳng cần biết tới nỗi buồn hay hoàn cảnh người gặp nạn.
Đương nhiên hành động hôi của khiến chúng ta bất bình, phẫn nộ, bức xúc, xấu hổ…nhưng khi cảm xúc đó qua rồi, cái còn đọng lại lâu hơn cả nỗi xấu hổ là nỗi đau, đau vì dân trí của phần đông người dân còn quá thấp.
Vì dân trí thấp nên họ hồn nhiên phạm tội mà không biết, hồn nhiên bộc lộ những thói xấu của con người một cách cũng thật… hồn nhiên. Có ai nhìn thấy của cải mà không tham? Có ai nhìn thấy đồ ăn thức uống mà cái bản năng sinh tồn và sợ hãi sự đói khát không trỗi dậy?
Nhưng con người khác con vật ở chỗ có ý thức về những việc mình làm. Và trên cả, con người có những ràng buộc của luật tục cộng đồng, những thỏa thuận hy sinh một phần quyền tự nhiên để trở thành công dân, chịu sự điều chỉnh của khế ước xã hội mà cao nhất và cơ bản nhất là Hiến pháp.
Một xã hội được đánh giá là văn minh khi mỗi cá nhân trong xã hội đó biết chấp hành và thượng tôn pháp luật, biết ứng xử đúng với đạo lý làm người. Hàng ngày chúng ta cứ ra rả nói về một “xã hội văn minh” như một con vẹt máy, nhưng cứ nhìn vào những vụ hôi của thế này, đủ thấy chúng ta còn cách hai chữ “văn minh” một quãng đường xa vời vợi.
Vậy ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng dân trí thấp dẫn đến những cư xử theo kiểu mọi rợ và “phản văn minh” như thế này? Câu hỏi đó có lẽ tự mỗi người chúng ta đều dễ dàng tìm ra đáp án.
Vì vậy, tôi cảm ơn người đã giăng ra câu khẩu hiệu “tôi xấu hổ” ở ngay hiện trường vụ cướp bia một vài ngày trước, vì đó là người đã nói thay cho chúng ta nỗi xấu hổ này.
Nhưng còn nỗi đau vì những hành xử dưới chuẩn mực do dân trí thấp của đồng bào mình, thì ai có thể giải quyết thay cho chúng ta?
Nhìn vào những bức ảnh chụp đám người hồn nhiên cướp bia hả hê lễ mễ khiêng chiến lợi phẩm của một vụ cướp cạn giữa ban ngày, chúng ta thấy bất lực và bức xúc. Nhưng còn những đám “cướp” khác to gấp tỷ lần, gây thiệt hại gấp hàng tỷ lần mà không ai chụp được ảnh, bắt được tận tay day tận trán, thì chúng ta sẽ còn cảm thấy bất lực biết bao nhiêu?
Trong cuộc đời này, chẳng có xuất hiện nào là ngẫu nhiên cả, tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều có nguyên do, đều vì A mà có B, đều từ A mà sinh ra B. Vì vậy, có thể nói cái đám cướp bia nho nhỏ kia xảy ra là vì có những đám cướp khác to lớn khủng khiếp hơn, mà chúng ta đều đã khoanh tay bất lực. Vì những người chịu trách nhiệm “giáo dân” đã vô trách nhiệm, đã để cho người dân rơi vào tình trạng đáng xấu hổ này.
Nhìn những bức ảnh về vụ cướp bia này, về vụ đám dân phòng cậy đông ngang nhiên đánh đập một người bán rong ngã lăn ra ngất trên đường phố, về đứa trẻ 8 tuổi phải chèo thuyền đưa hai em nhỏ đến trường, về những dốt nát, ngu muội, xấu xa, độc ác hàng ngày xảy ra trong xã hội, chúng ta xót xa và xấu hổ.
Nhưng còn những ai đó, có trách nhiệm cao hơn, họ phải biết xấu hổ và nhục nhã hơn chúng ta nhiều mới phải chứ? Nhưng chỉ có sự im lặng theo kiểu “ăn tiền”.
Vì vậy chúng ta đừng chỉ biết xấu hổ về vụ cướp bia, còn nhiều thứ khác đáng để xấu hổ, đáng để đau hơn khi nghĩ về cuộc sống của chúng ta hiện nay.
Cho nên, tôi vô cùng trân trọng những người có tâm, thay vì cúng vào chùa một pho tượng Phật hàng chục tỷ đồng, họ dành tiền để xây thêm một ngôi trường.
Những người nghèo hơn thì gom góp vài đồng cho lũ trẻ nông thôn, miền núi miếng thịt, bát gạo để chúng có thể no bụng yên tâm mà ngồi học con chữ. Những trí thức thành đạt đang bắt tay vào lập nhiều tủ sách cho làng quê mình…
Mỗi chúng ta phải góp phần làm sao để dân trí cao hơn, khai sáng cho đồng bào mình để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn và trái tim biết yêu thương- như khát vọng cả đời nhà chí sĩ Phan Chu Trinh đeo đuổi. Có như vậy thì mới không còn những đám cướp hồn nhiên và cả những sự im lặng ngang nhiên.
(Theo Mi An/ Đất Việt)