Vụ hôi bia, hôi nhãn và hôi hoa

Khoảng cách tai hại giữa hiện tượng và bản chất

(Dân trí) - thoạt nhìn các vụ việc trên thì đúng là “hôi hoa, hôi nhãn, hôi bia” nhưng tìm hiểu sâu thì có vụ việc lại không phải hoàn toàn như vậy. Ở đời quả là nhiều trường hợp mà hiện tượng có vẻ giống nhau nhưng bản chất lại khác nhau xa là thế.


Khoảng cách tai hại giữa hiện tượng và bản chất
Nhân mấy vụ hôi bia, hôi nhãn, hôi hoa đang được dư luận chú ý, bỗng nhớ lại chuyện Khổng Tử cùng các học trò cùng theo ông chu du liệt quốc. Nhan Hồi đốt lửa nấu cơm. Có một hòn đất nhỏ rơi vào nồi cơm, Nhan Hồi liền lấy chỗ cơm bẩn ra ăn. Tử Cống nhầm tưởng Nhan Hồi ăn vụng liền mách Khổng Tử. Khổng Tử nói rằng: Chuyện này chắc có duyên cớ gì đây. Con hãy khoan nói gì, để ta hỏi anh ta xem." rồi gọi Nhan Hồi vào bảo: “Con nấu cơm xong thì bưng lên đây, ta làm lễ cúng tổ tiên.", Nhan Hồi liền đáp: "Thưa thầy, khi nãy có một cục đất rơi vào nồi cơm, nếu không lấy ra thì e cơm sẽ bẩn mất, con định lấy chỗ cơm bẩn vứt đi, nhưng lại thấy tiếc; thế là con hớt chỗ cơm bẩn ở trên ăn mất rồi. Bây giờ cơm không thể dùng để cúng được nữa." Khổng Tử đáp: "Nếu phải là ta thì ta cũng ăn chỗ cơm đó rồi."

Câu chuyện cho thấy nhìn hiện tượng thì đúng là Nhan Hội ăn vụng cơm, nhưng đi sâu tìm hiểu kỹ sự việc hóa ra lại không phải vậy.

Nhớ lại chuyện trên vì ba vụ mà dư luận cho là hôi bia, hôi nhãn và hôi hoa sao có những nét giống chuyện xưa đến thế.

Gần đây nhất là ngày 10/2/2014, Công ty Cây xanh Hà Nội đang thu dọn các chậu hoa trang trí quanh bờ hồ Hoàn Kiếm dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đưa về công ty thì nhiều người đi đường dừng xe, tranh thủ lấy những chậu hoa về nhà.

Cách một tháng trước là vụ tài xế xe container của Công ty CP Bích Thị từ Thà Khẹt (Lào) qua Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo ngày 21/1/2014, chở khoảng 18 tấn nhãn tươi đóng thùng, khi đi đến địa phận xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa Quảng Bình thì bị lật nhào xuống vực sâu vỡ tung khiến hàng trăm thùng trái cây bung ra ngoài. Người dân địa phương kéo đến dọn sạch số hàng trên.

Còn cách 2 tháng trước là vụ ngày 4/12/2013 xe tải đi giao hơn 1.300 thùng bia từ TP HCM đến vòng xoay Tam Hiệp (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), tài xế ôm cua thì chiếc xe bị nghiêng, thanh chắn gãy khiến bia rơi xuống đường. Những người đi ngang qua đã xông vào “dọn sạch”.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Hôi là hành vi trục lợi lấy của cải của người khác trong lúc người khác gặp nạn đang bất khả kháng”. Vụ ở Đồng Nai dùng từ hôi bia là đúng với định nghĩa trên của Từ điển. Khi xe vận chuyển bị đổ, tài xế Hồ Kim Hậu dù đã chắp tay van xin một số người dân đừng “hôi bia”, những người này vẫn xông vào lấy.

Nhưng hai vụ sau nhìn hiện tượng có vẻ là “hôi”, nhưng tìm hiểu sâu thì lại không phải vậy. Về vụ xe vận chuyển nhãn bị tai nạn dốc Khàng, Trưởng Công xã Hóa Thanh kể: xe bị tai nạn, các thùng nhựa đựng nhãn và nhãn trong các thùng bay tung tóe khắp nơi. Công an đã có mặt bảo vệ hiện trường. Lúc đó, có rất nhiều người hiếu kỳ đã xuống phía dưới để xem. Vì thấy nhãn quá dập nát nên đại diện Công ty Bích Thị quyết định để cho dân nhặt. Khi đó, một số người dân mới vào nhặt.

Còn vụ Công ty Cây xanh Hà Nội thu dọn các chậu hoa trang trí quanh bờ hồ Hoàn Kiếm dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014, đúng là có một số người đã bê chậu hoa về, nhưng có nguyên do của nó.
 
Nguyễn Hữu Hải nguyenhuuhai_10@yahoo.com cho biết:
 
“Tôi cũng ở đó chứng kiến. Đây không phải là hôi hoa. Hoa được trưng bày trong bao nhiêu ngày có mất chậu nào đâu. Đây là công nhân thu dọn về nên vài người thấy đẹp xin về thôi mà, có sao đâu.”
 
Hoàng Hà tinhlocachxa@gmail.com cho rằng:
 
“Có thể một vài người dân xin mấy chậu hoa của người thu dọn - người thu dọn đồng ý, và từ đó nảy sinh các người dân khác thấy vậy cũng... tự nguyện thu dọn hoa giúp rồi xin một, hai chậu thì sao?”
 
Thuy Linh luuthuylinh@yahoo.com cũng nêu:
 
“Tôi làm việc ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm. Chính tôi chứng kiến nhân viên môi trường cho dân hoa nên người dân mới rủ nhau ra xin. Nhân viên của tôi cũng định chạy sang xin hoa, tôi không cho. ”
 
Ongtre manhaanh2009@gmail.com đặt câu hỏi:
 
“Nếu người ta muốn "hôi" hoa làm gì mà phải đợi người của công ty cây xanh đến mới lấy.”
 
Vậy hóa ra là lãnh đạo của Công ty Cây xanh Hà Nội không có chủ trương cho hoa, nhưng những người của công ty khi đi thu dọn lại cho hoa nên dân hôm đó đi qua thấy thế mới lấy.

Khoảng cách tai hại giữa hiện tượng và bản chất

Như vậy dần dần sáng tỏ ra rằng thoạt nhìn các vụ việc trên thì đúng là “hôi”, nhưng tìm hiểu sâu thì có vụ việc lại không phải hoàn toàn như vậy. Ở đời quả là nhiều trường hợp mà hiện tượng có vẻ giống nhau nhưng bản chất lại khác nhau xa là thế.

Nguyễn Đoàn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm