Đừng chỉ than thiếu tiền

Chi phí logistics cao nhất nhì thế giới, trong khi cái “xương sống” đường sắt thì đì đẹt “100 năm không đổi”, ì trệ với những “chuyến tàu 1 người”. Ngay cả các tuyến đường sắt mang tính chất thông thương cũng “khó duy trì” khi lỗ hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Đừng chỉ than thiếu tiền - 1

Ảnh minh họa

Chủ tịch HĐTV Tổng Cty đường sắt VN vừa đưa ra một thông tin không mấy lạc quan: 3 tuyến tàu Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long đang lỗ tới 20 tỉ đồng mỗi năm. Nếu không có sự thay đổi thì rất khó để “duy trì”.

Có lẽ, phải mở ngoặc cho sự vô lý từ việc nguy khốn của ngay cả các tuyến đường sắt mang tính chất thông thương này. Rằng dù được đánh giá an toàn, ít bị tác động bởi thời tiết, giá cước rẻ và khối lượng vận tải lớn, ấy thế mà vận tải đường sắt vẫn đang vắng khách tới khốn đốn.

Rằng, với đơn giá 1 tấn hàng/km, cước vận tải đường sắt chỉ bằng khoảng 60 - 75% đường bộ, ấy vậy mà đường sắt thoi thóp, không cạnh tranh nổi.

Và sự nguy khốn của ngành đường sắt chính là nguyên nhân trực tiếp khiến dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tới gần 20,9% GDP. Một chi phí quá cao, quá khủng khiếp.

Đúng! Ngành đường sắt có cái khó khi phải tồn tại trên một hạ tầng quá cũ nát với những “cây cầu từ thời Pháp”, với những “thanh tà vẹt 40 tuổi đời” chưa được thay thế. Đúng! 2.000 tỉ đồng duy tu bảo trì mỗi năm chỉ như muối bỏ bể khi nó đáp ứng chỉ 40% chi phí. Đúng! Tỉ suất đầu tư đường sắt rất lớn (con số 38 triệu USD/km đường sắt cao tốc đúng là một vấn đề nan giải) trong khi khả năng thu hồi vốn lại thấp nên không nhà đầu tư nào quan tâm.

Nhưng còn một nguyên nhân khác thuộc về chủ quan trong cả quản lý và đầu tư. Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn ở Nghệ An là một ví dụ. Từ gần 1 thập kỷ nay, dù không hề có tàu chạy, nhưng mỗi năm vẫn phải chi trả hàng tỉ đồng cho việc... bảo vệ, duy tu... Chưa kể, nếu dự án đường cao tốc Bắc - Nam được triển khai, lại phải xây thêm cầu vượt với số tiền rất lớn chỉ để tránh tuyến đường sắt bỏ hoang này.

Hay “chuyến tàu 1 người” tuyến Yên Viên - Hạ Long chẳng hạn, 4.500 tỉ đồng đã bỏ ra và bỏ dở để tình trạng “tốc độ 25km/h, hàng chục người vận hành để “thu cả thảy được 2,6 triệu đồng mỗi chuyến” vẫn tồn tại bao năm nay.

Có lẽ, ngành đường sắt phải tự thay đổi ngoài việc than thiếu tiền. Có lẽ, đường sắt tốc độ cao “bà mẹ đi chợ trẻ con đi học” cần được xem xét lại về sự hợp lý trong tổng thể xuống cấp và nát bét của ngành đường sắt nói chung chứ không thể chỉ ở khía cạnh tiêu tiền.

Theo Anh Đào

Báo Lao động