Dự án BOT: Đã sai phạm ngàn tỉ, lại “ngửa tay” xin tăng giá

7 dự án đã sai tới ngàn tỉ, vậy gần 60 dự án BOT thì con số sẽ thế nào?

Dự án BOT: Đã sai phạm ngàn tỉ, lại “ngửa tay” xin tăng giá - 1

Sai phạm tại dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã khiến Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) và Vũ Thị Hoan bị khởi tố. Ảnh Cao Huân

Với hàng loạt sai phạm lên tới ngàn tỉ vừa được Kiểm toán chỉ ra, các dự án BOT chẳng khác nào đứa con “phá gia chi tử”. Ấy thế nhưng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn đề nghị tăng giá, hoặc Nhà nước phải bù lỗ để “cứu” các dự án BOT.

Có một thực tế được phiên toà xét cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến làm rõ: đó là vai trò của Vũ Thị Hoan, người gọi Đinh Ngọc Hệ - tức Út “trọc” là cậu.

Khi được Út trọc “mời” làm giám đốc công ty Yên Khánh, Hoan chỉ là cô sinh viên năm thứ nhất và “vì mới 21 tuổi nên không biết gì” như lời khai trước toà. 

Điều đáng nói công ty Yên Khánh của bà chủ “không biết gì” lại là chủ đầu tư, hoặc cổ đông góp vốn của hàng loạt các dự án BOT như BOT Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, BOT quốc lộ 20, BOT cầu Việt Trì… với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng.

Vốn đầu tư vào các dự án BOT ấy, thực tế lại là vốn đi vay, doanh nghiệp chỉ cần góp 10% tổng vốn là được duyệt. Vì thế, các dự án BOT vẫn được gọi là “tay không bắt giặc”.

Nhiều dự án BOT ở Việt Nam thoát khỏi bản chất của nó, trở thành các dự án tai tiếng. Mới nhất, báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội chỉ ra loạt tồn tại, sai sót trong quản lý đầu tư, nghiệm thu và quyết toán tại 9 dự án BOT được kiểm toán trong năm 2019.

Những sai phạm tại các dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 926 tỷ đồng, trong đó đề nghị giảm thời gian thu phí 56,4 năm so với phương án ban đầu của 7 dự án BOT.

Câu hỏi là 7 dự án đã sai tới ngàn tỉ, vậy gần 60 dự án BOT thì con số sẽ thế nào?

Trách nhiệm của Bộ GTVT đã được Kiểm toán chỉ ra: Bộ GTVT cho phép lập dự án trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không tổ chức đấu thầu rộng rãi…

Những cái sai được cụ thể hoá bằng: đặt trạm BOT không đúng chỗ, tráng men mặt đường rồi thu tiền, đội vốn kéo dài dự án đã khiến người dân lẽ ra phải cảm thấy hài lòng và thoả mái trả tiền đi qua các trạm BOT thì lại thấy như bị móc túi.

Và thêm một cú sốc nữa, giữa những sai phạm được Kiểm toán chỉ ra, giữa mối nghi ngờ có bao nhiêu dự án BOT mà ông chủ, bà chủ “không biết gì” thì Bộ GTVT lại xin tăng giá để “cứu” các dự án BOT thua lỗ. Nếu không, Nhà nước phải bù hơn 5000 tỉ.

Xin thưa, 5000 tỉ từ ngân sách cũng là tiền dân, tăng phí thì dân cũng phải trả. Nghĩa là cả hai phương án, thì dân vẫn là đối tượng phải móc tiền ra gánh lỗ cho BOT.

Dự án BOT: Đã sai phạm ngàn tỉ, lại “ngửa tay” xin tăng giá. Thử đặt tay lên trán nghĩ xem nó có lý ở chỗ nào?

Theo Linh Anh

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm