Ý kiến chuyê ngia
Đổi mới đột phá và đổi mới trong tiếp nối
(Dân trí) - Trong giáo dục, ta đổi mới cách thi, đổi mới cách tuyển sinh, trong tương lai sẽ đổi mới chương trình và đổi mới sách giáo khoa nhưng hình như chưa ai nói đến đổi mới triết lý, chủ đích và phương pháp giáo dục.
Đây là hai chữ dịch từ innovation de rupture và innovation de continuité.
Chữ thứ nhì còn có thể dịch thành “đổi mới làng nhàng”
Cụ thể, trong giáo dục, ta đổi mới cách thi, đổi mới cách tuyển sinh, trong tương lai sẽ đổi mới chương trình và đổi mới sách giáo khoa nhưng hình như chưa ai nói đến đổi mới triết lý, chủ đích và phương pháp giáo dục.
Đổi mới đột phá cần ba chi tiết.
- hình dung tương lai, một cách toàn diện. Ở đây là đổi mới sâu vào cấu trúc chứ không phiến diện đổi mới tình thế
Thí dụ trong giáo dục, đổi mới để đi tới một xã hội của tri thức, học để biết chứ không phải học để thi. Nhắm phát triển tri thức và khoa học để phát triển đất nước chứ không phải để đào tạo một vạn hay hai vạn tiến sĩ hữu danh vô thực.
Nâng cao dân trí sẽ góp phần chống một số tệ nạn xã hội. Phát triển tri thức sẽ góp phần bảo đảm an cư lạc nghiệp – với phát triển kinh tế - trên nền tảng bản sắc của văn hóa nước nhà – văn hóa đích thực chứ không phải văn hóa mà các nhà duy ý chí hô hào
- tưởng tượng ra những đường hướng, phương thức cụ thể để thực hiện viễn ảnh tương lai ấy.
Cũng trong vấn đề giáo dục, nhìn nhận tự do hàn lâm, đặt trọng tâm trên đào tạo giáo viên, dùng những phương pháp sư phạm tân tiến up to date hầu nâng cao hiệu quả của giáo dục, Cho phép những sáng kiến trong dạy học. Góp phần cải tổ hình ảnh xã hội của giáo dục bằng cách trả lương giáo viên cao hơn, dẹp bỏ các hình thức thi đua lỗi thời, ...
- từ từ thực hiện tất cả những đổi mới theo một loại trường kỳ kháng chiến. Sẽ không có kết quả sau một năm hay sau hai năm.
Muốn đổi mới một cách thiết thực phải là những đổi mới có suy tính trước chứ không là những quyết định bốc đồng để xin tiền ngân sách nhà nước.
Những đổi mới trong giáo dục cũng cần nhiều nghiên cứu thực địa để nắm rõ tình hình, chẫn được bệnh hầu kê đơn thuốc một cách đột phá mà có hi vọng chữa được bệnh.
Ngày xưa chỉ cần một minh quân để trị nước. Ngày nay, phải nghiên cứu, phải làm một cách khoa học. Sau đó trong khi thực hiện đổi mới, có hạn kỳ, phải đúc kết sơ khảo trước khi tiếp tục đi tiếp. Như thế, trong mười năm, ba mươi năm sau, ta sẽ thay đổi diện mạo tình thế.
Trong dấu ngoặc, tình thế hiện thời cũng là kết quả của một diễn tiến thiếu những cập nhật cần thiết từ ba bốn mươi năm nay. Chính vì vậy, ta cần kiên nhẫn. Ta sẽ không có những thành tựu đột biến trong ngắn hạn, trừ phi có phép mầu, ...
Nhưng ta phải đổi mới, nếu không láng giềng và cả thế giới sẽ bỏ xa ta.
Nguyễn Huỳnh Mai