Bạn đọc viết:

Đổi giờ học ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của học sinh

(Dân trí) - Tại sao người lớn lại bắt các HS ra khỏi nhà vào lúc 6 - 6.30 phút sáng trong thời tiết rét buốt và trở về nhà lúc 19.30-20.00 khi trời đã quá tối. Tại sao chúng ta lại bắt con trẻ - lứa tuổi chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, phải chịu đựng…

Đổi giờ học ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của học sinh - 1
Tan học quá muộn (ảnh: Nguyễn Hùng)

 

Ai nói rằng ở nước ngoài học sinh phải học sớm? Nếu các bạn đến Mỹ lúc 7.30 phút sáng liệu có bóng ai trên đường không? Đã có nước nào học sinh phải ra khỏi nhà và trở về nhà khi trời rất tối trong thời tiết rét buốt chưa?

 

Nếu tôi là Bộ trưởng Y tế, tôi sẽ kiến nghị Chính phủ dừng ngay giải pháp đổi giờ học lại vì nó ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của các cháu - một vấn đề mà không một ai  trong chúng ta được phép đụng chạm vào.

 

Nếu tôi là Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo, tôi sẽ  kiến nghị Chính phủ dừng ngay giải pháp đổi giờ học lại vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập của các cháu - tương lai của xã hội.

 

Theo tôi, chúng ta không nên chờ đợi để đánh giá liệu giải pháp thay đổi giờ học có làm giảm ùn tắc giao thông hay không. Bởi vì cho dù có giảm hoàn toàn ùn tắc giao thông, thì người lớn chúng ta cũng không được phép thực hiện bất kỳ giải pháp nào ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của các cháu.

 

Trước khi thay đổi giờ học, dù ách tắc giao thông thế nào thì sớm nhất 7 giờ sáng chúng ta mới phải ra khỏi nhà, 7 giờ tối chúng ta đã trở về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình rồi. Còn bây giờ thì sao? Tại sao người lớn chúng ta lại bắt các cháu ra khỏi nhà vào lúc 6 - 6.30 phút sáng trong thời tiết rét buốt và trở về nhà lúc 19.30-20.00 khi trời đã quá tối. Làm vậy liệu lương tâm người lớn chúng ta ra sao?

 

Tại sao chúng ta lại bắt con trẻ của chúng ta - lứa tuổi chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, phải chịu đựng. Tại sao chúng ta không đổi sang “thiết kế” giờ làm của chúng ta vào ban đêm, còn ban ngày chúng ta có thời gian đưa đón trẻ đi học? Như vậy có phải giảm hẳn ùn tắc giao thông không? Hay người lớn chúng ta sợ mệt, chỉ biết lo cho chúng ta?

 

Tôi buộc phải đưa ra “giải pháp” này nhằm chứng minh sự ích kỷ của những người làm cha, làm mẹ chúng ta trong sự việc này mà thôi, không phải là đề nghị thực hiện vì không khả thi.

 

Ùn tắc giao thông chỉ là vấn đề của 2 thành phố lớn – Hà Nội và Sài Gòn, và theo tôi nghĩ là vấn đề chủ yếu của những người có thu nhập trung bình trở lên. Còn biết bao người dân nghèo khó đang phải vật lộn với cuộc sống, đòi hỏi sự quan tâm hơn của toàn xã hội.

 

Tử vong do tai nạn giao thông cao nhất 1 ngày khoảng 40 người, một con số khá cao. Tuy nhiên các bạn có biết ở Việt Nam hiện tại mỗi ngày có khoảng 60-70 trẻ sơ sinh và 110-120 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong không? Tôi đưa ra con số này không phải có ý rằng chúng ta không nên quan tâm  giải quyết ùn tắc giao thông, mà tôi muốn xã hội cần có sự đầu tư công bằng cho các vấn đề ưu tiên, đặc biệt không được ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của các cháu.

 

Những việc người lớn gây ra thì người lớn phải gánh chịu, đừng đổ lên đầu các cháu!

 

Thanh Ha 

email:  thanhha71268@yahoo.com