Đôi điều suy ngẫm về chợ Viềng

Hòa trong dòng người nườm nượp đổ về chợ Viềng – phiên chợ “mua may, bán rủi” đầu xuân năm nay, chúng tôi đã có những trải nghiệm đặc biệt từ một phiên chợ vô cùng độc đáo, với nhiều cung bậc cảm xúc, trong đó có cả những điều băn khoăn, suy ngẫm…

Các sạp hàng đồ cổ đặc trưng của chợ
Viềng truyền thống nghèo nàn mẫu mã. 

Các sạp hàng đồ cổ đặc trưng của chợ Viềng truyền thống nghèo nàn mẫu mã. (Ảnh: Quang Chiến)

Chợ Viềng (Nam Định) mỗi năm chỉ họp một phiên vào đêm mùng 7, sáng ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nam Định không chỉ có 1 mà có đến 5 chợ Viềng, ở 5 địa bàn khác nhau, như: Chợ Viềng huyện Vụ Bản họp trên thị trấn Gôi và các xã: Trung Thành, Kim Thái; chợ Viềng huyện Nam Trực họp ở thị trấn Nam Giang; chợ Viềng huyện Nghĩa Hưng họp ở thị trấn Liễu Đề; chợ Viềng huyện Mỹ Lộc họp gần khu vực đền Trần... Tuy nhiên, được biết đến nhiều nhất và nổi danh nhất vẫn là chợ Viềng huyện Vụ Bản họp trên thị trấn Gôi và các xã: Trung Thành, Kim Thái. Chợ còn được gọi là “Viềng Phủ” vì gắn với quần thể Di tích Phủ Dầy thờ Mẫu Liễu Hạnh –1 trong 4 vị thần “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng của người Việt Nam.

Trên hành trình về “Viềng Phủ” chiều 25/2/2015, từ QL 21A khi vừa rẽ vào đầu đường ĐT56, chúng tôi đã chứng kiến dòng xe cộ nối đuôi nhau kẹt cứng. Vào sâu hơn, đến đoạn ngã tư Đồng Đội (huyện Vụ Bản), mặc dù lúc đó mới 15 giờ chiều, song xe chúng tôi dường như “chôn bánh” trên đường. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự trên trục QL10 vào thị trấn Gôi, là hai của ngõ chính đổ về chợ Viềng Vụ Bản. Nguyên nhân là do dòng người, xe các nơi đổ về quá tải. Một số xe chở du khách đậu bừa bãi dọc đường đã không được Ban tổ chức chấn chỉnh kịp thời, làm lòng đường bị thu hẹp…

Bên cạnh đó, suốt dọc đường vào, các hàng quán thịt bò thui bày la liệt với giá dao động 350 – 400 nghìn đồng/kg. Nhìn vào những dãy hàng thịt liên tiếp, người ta cứ liên tưởng đến một dãy chợ cóc. Rồi những chiếc thủ bò bị cắt rời thân vô hình chung gây phản cảm cho một phiên chợ cầu may đầy ý nghĩa nhân văn. Bởi đầu năm nên ai cũng run sợ trước cảnh con người sát sinh loài vật, thể hiện bằng những bộ xương bị lọc dần hết thịt và đầu những con bò, bê thui để trên phản…

Ông Trần Tuấn Vinh, du khách đến từ Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: “ Không biết Ban tổ chức họ nghĩ thế nào, chứ cảnh mua bán và sát sinh động vật trong một phiên chợ cầu may đầu năm là không nên. Theo tôi là quá phản cảm, vừa mất vệ sinh. Việc mua bán thịt bò thui có thể bố trí một khu vực riêng kín đáo hơn, không nên bày la liệt trên đường, đập vào mắt du khách như thế này…”.

Theo tìm hiểu, mỗi năm lễ hội chợ Viềng “hóa kiếp” hàng nghìn con bò, bê, để xẻ thịt bán cho du khách. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay hàng thịt bò thui, bê thui khá ế ẩm do nhận thức của du khách đã được nâng cao rõ rệt. Họ không vô tâm mua hàng để tiếp tay cho cảnh sát sinh trong các lễ hội, chùa chiền nữa.

Các chợ Viềng ở Nam Định đều mang ý nghĩa là phiên chợ cầu may mắn, bình an, hạnh phúc với tâm lý "mua may, bán rủi”. Vì là chợ cầu may nên nét đặc trưng vốn có của chợ Viềng là người bán không nói thách, người mua cũng không mặc cả… Song đó chỉ còn là câu nói hoài cổ về chợ Viềng của ngày xa xưa.

“…Không nói thách, không mặc cả, không cự cãi sao được khi giá cả các mặt hàng, dịch vụ ở chợ Viềng đều được "chặt chém" vô tội vạ. Như một cây chanh hét giá 150.000 đồng, khi mặc cả chỉ còn 25.000 đồng; một gốc hoa hồng bạch hét giá 50 – 60.000 đồng, khi mặc cả giá thực tế chỉ còn 15 – 20.000 đồng…” – Chị Hoàng Thúy Vân, 28 tuổi, đến từ Mai Trung, Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết.

Thêm nữa, giá trông giữ ô tô năm nay bị "hét" cao từ 150 - 250 ngàn đồng, tùy loại. Giá trông giữ xe máy ít nhất cũng bị "chặt" 10 ngàn đồng, gấp 2 - 3 lần so với quy định.

Không thểphủ nhận những cố gắng của địa phương trong công tác tổ chức lễ hộinhững năm qua, nhưng chợ Viềng xuânẤt Mùi2015 vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm, như: Vẫn tái diễn tình trạng kẹt xe, “chôn chân” trên đường kéo dài trong nhiều giờ, vẫn xuất hiện nạn ăn xin, trộm cắp, móc túi… Còn tại những nơi thờ tự gắn liền với chợ Viềng, nhiều hình ảnh phản cảm vẫn chưa được khắc phục, nhất là tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau để dâng lễ; tiền cung tiến "bạ đâu đặt đó"... làm mất đi tính trang nghiêm, thành kính ở nơi thờ tự…

Những phản thịt bò, bê thui họp ven
đường có phần gây phản cảm 
Những phản thịt bò, bê thui họp ven đường có phần gây phản cảm trên lối dẫn vào chợ Viềng. (Ảnh: Quang Chiến)

Vốn là phiên chợ độc đáo, nhưng đến chợ Viềng năm nay, nhiều người có cảm giác "lạc” vào một hội chợ thương mại tổng hợp ở đâu cũng có, hàng cổ thì ít, hàng nhái cổ, hàng kém chất lượng tràn lan.

Và hẳn không ít người bực bội vì chưa đến chợ đã phải chịu cảnh tắc đường, mua thứ gì hoặc gửi cái xe cũng lo bị "chặt chém" khiến nhiều du khách có cảm giác bị "mất cắp” ở ngay chợ Viềng.

Mong sao năm sau và những năm tới, những bất cập tại chợ Viềng sẽ được khắc phục. Chỉ khi ý thức của từng cá nhân được nâng cao và cơ quan chức năng có sự chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội, phát huy tinh thần trách nhiệm, thì những phiên chợ “mua may, bán rủi” đầu năm đậm tính nhân văn, đậm màu truyền thống như chợ Viềng mới thực sự viên mãn.

Trần Quang Chiến
(Theo báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm