Độc giả lên tiếng trước biện pháp quăng lưới bắt “quái xế”

(Dân trí) - “Xã hội đang hướng tới sự văn minh thì không thể áp dụng giải pháp tình thế, tự phát. Giải pháp trên chỉ hạn chế được một phần nào đó vi phạm luật giao thông nhưng xét về mọi mặt đều không thể đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội”, nguyenhoaithu01@gmail.com bày tỏ.

Hơn 1 tháng qua, Công an Thanh Hóa đã sử dụng “độc chiêu” dùng lưới để bắt quái xế phục vụ việc bắt giữ các đối tượng vi phạm giao thông. Nhiều người cho đấy là việc khá hay nhưng cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Nguy hiểm và phản cảm

Nhiều ý kiến cho rằng dùng lưới để bắt người vi phạm giao thông mà có thể gây tai nạn là không đúng và không tương xứng với hành vi của họ, như độc giả SA: sauanhsangphale@gmail.com đưa ra quan điểm: “Việc quăng lưới này hết sức nguy hiểm, vì thế không nên áp dụng. Không chỉ là đua xe, đánh võng. Càng những lúc như thế thì việc dừng lại đột ngột và truy đuổi là hết sức nguy hiểm. Biết đây là biện pháp tình thế do vấn nạn đua xe quá nhiều gây ảnh hưởng đến giao thông và tính mạng người đi đường. Nhưng người đua xe cũng là người mà. Nếu bắt như thế rất dễ xảy ra tai nạn gây chết người”. - “Giả sử nếu chẳng may xảy ra tai nạn chết người thì ai chịu trách nhiệm. Luật không cấm nhưng hành động của chúng ta gây hậu quả nghiêm trọng thì ai chịu? Mong cơ quan chức năng trả lời cho chúng tôi hiểu rõ hơn” - Lê Trọng Tâm: Sdacokhi@gmail.com đồng tình.
 
Độc giả lên tiếng trước biện pháp quăng lưới bắt “quái xế” - 1

Bạn Thanh Toàn: toanthanhtra@yahoo.com phân tích khá chi tiết “Về mặt pháp lý: việc dùng lưới để bắt người vi phạm giao thông là sai, vì hành vi vi phạm hành chính chỉ áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng với hành vi của họ; có nghĩa là việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải đảm bảo an toàn cho người vi phạm, hay trong thuật ngữ pháp lý thường hay gọi là “phòng vệ chính đáng”. Về mặt đạo đức: hành vi vi phạm hành chính (ví dụ: không đội mũ bảo hiểm) có thể do ý thức của người tham gia giao thông, chúng ta cần phải áp dụng các biện pháp giáo dục là chủ yếu...”.

“Tôi là một người con xứ Thanh, nhưng thực sự không thể chấp nhận nổi việc bắt người vi phạm giao thông bằng lưới đánh cá như CATH làm thời gian qua. Thực tế đã có trường hợp cán bộ CA ném lưới ko trúng người vi phạm mà trúng người đi đường, gây ra tai nạn và bị thường khá nặng”. - Chuyen nho: hoa_lq84@yahoo.com.vn không đồng tình.

“Việc tung lưới chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc nhưng cũng không có nghĩa là không có. Bản thân người dân không vi phạm cũng bị ảnh hưởng vì giật mình. Tuy nhiên, cũng cần phải rà lại các cung đường mà quái xế thường xuyên tổ chức đua có lẽ lưới của công an sẽ hiệu quả hơn. Một địa điểm rất đẹp, đường rộng như Khu đô thị Đông Bắc Ga, phường Đông Thọ (trục đường Dương Đình Nghệ) cứ chiều đến là có một tốp 6-8 thanh niên đua xe, nẹt pô ầm ĩ, người dân chỉ biết dạt vào vỉa hè, lắc đầu. Giá như những lúc ấy mà công an tung lưới chắc hữu hiệu lắm” Hoang Ha: hoangha@gmail.com góp ý.

“Tôi thấy chủ yếu là những người không đội mũ bảo hiểm là bị quăng lưới. Với việc làm như vậy rất là nguy hiểm khi mà người tham gia giao thông đã không đội mũ bảo hiểm, khi đi đến gần CSGT sẽ tăng tốc và bỏ chạy, vậy khi bị ngã ra đường sẽ như thế nào chắc các bạn cũng sẽ hiểu”. - Conandoily2003: Hoanghuu1408@gmail.com

Bạn donhuchung: chungqtk16@gmail.com.vn góp ý kiến: “Tôi là người Thanh Hóa nhưng tôi thấy phương pháp này không khoa học và văn minh. Theo tôi chỉ cần quay phim, chụp ảnh, sau đó gửi giấy đến nhà yêu cầu lái xe lên phường nộp phạt (mức phạt là 5triệu 1lần vi phạm) nếu không nộp trong 5 ngày kể từ khi thông báo thì kết hợp các lực lượng chức năng cưỡng chế tịch thu xe. Cần phải bổ sung thêm luật này để ngăn chặn các trường hợp như trên, vì thực tế có phải lúc nào cũng bố trí đủ người để giăng lưới đâu, mà chưa tính đến yếu tố rủi ro,tai nạn”.

Cùng quan điểm không đồng tình với phương án này, “Mình cho rằng một xã hội đang hướng tới sự văn minh thì không thể áp dụng những giải pháp tình thế, tự phát thế được. Không làm thì thôi, nếu làm phải làm đến nơi đến chốn và thật thấu đáo. Giải pháp trên của tỉnh Thanh Hóa có thể hạn chế được một phần nào đó hiện tượng vi phạm luật giao thông, đánh võng, đua xe; thế nhưng các lãnh đạo có nghĩ đến chuyện các đối tượng này cũng dùng chính cách này, thậm chí còn có những trò quái chiêu hơn để chống lại các anh công an, cảnh sát ko? Hơn nữa nếu chúng ngã ra lại lao vào những người dân thường gây tai nạn nghiêm trọng thì sẽ thế nào? Rõ ràng giải pháp này xét về mọi mặt đều không thể đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội được”. - Nguyen Hoai Thu: nguyenhoaithu01@gmail.com nêu ý kiến.

Cho rằng phương án này thiếu tính thẩm mĩ, Phamduchuu: phamduchuu.utc@gmail.com cho rằng “Việc làm này rất dễ xảy ra tai nạn vì xe bị dừng thì liệu xe đằng sau lao lên và tông phải thì sẽ thế nào. Và công an Thanh Hoá dùng lưới quăng vào gầm xe với mọi đối tượng giao thông thông thường chứ không phải chỉ để ngăn chặn đua xe. Một đất nước văn minh và một thanh phố văn minh không thể áp dụng biện pháp này được, mà nên dùng các biện pháp khác”.
 
Độc giả lên tiếng trước biện pháp quăng lưới bắt “quái xế” - 2

Ý kiến ngược lại

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Tân: ngoctanth2000@yahoo.com hoan nghênh: “ Tôi là người dân Thanh Hóa, tôi hoàn toàn ủng hộ phương án mà CA Tp. Thanh Hóa đã làm để bắt quái xế. Lúc đầu nhìn thấy CA dùng lưới bắt quái xế thấy hơi phản cảm nhưng tôi thấy tình hình giao thông tại TP. Thanh Hóa tốt hơn nhiều, làm gì thì cũng phải tính tới hiệu quả, mà hiệu quả ở đây là thấy rõ, mong mọi người nhìn vào thực tế để đánh giá và hãy ủng hộ để giảm bớt tai nạn giao thông”.

Đồng quan điểm, bạn Vương Ka Hoa: hoavt@pcic.com.vn còn chỉ rõ ưu điểm của sáng kiến này: “ Điều quan trọng là bắt được quái xế nhưng không làm bị thương hoặc gây tử nạn. Lực lượng CSGT đang gặp khó khăn khi ngăn các quái xế vì sợ gây tai nạn, kể cả việc đuổi bắt các lái xe mô tô vi phạm luật. Theo tôi ngành CA cần đưa thành sáng kiến, phát triển thành đề tài để chế tạo và SX hàng loạt phát cho lực lượng CS sẽ tăng thêm hiệu quả. Được biết đã có nơi trên thế giới đã sử dụng súng bắn lưới để bắt tội phạm, thật hiệu quả và rất ...hay. Thật tuyệt. Tôi rất ủng hộ”.

“Tệ nạn lạng lách đánh võng là một tệ nạn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chính những đối tượng lạng lách đánh võng lại không bị tai nạn, mà chủ yếu những người tham gia giao thông bị. Để trấn áp tệ nạn này, tôi rất hoan ngênh CSGT Thanh Hóa dám nghĩ dám làm để giữ gìn trật tự, an toàn cho người tham gia GT”. - Tất Thành: luongthanhvantnmt@gmail.com

Đồng tình nhưng cũng có phần thận trọng, bạn Trần Huy: tdhuy63@yahoo.com đưa ra ý kiến: “Theo tôi, cần tính toán kỹ, luyện tập thuần thục để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Ví dụ, khi nào thì áp dụng, khi nào không? Làm sao phân biệt một tay đua trái phép với một người đi nhanh vì có việc gấp? Khi quăng có ảnh hưởng đến những người cùng tham gia giao thông hay không?”.

“Đây là một cách làm tuy có phần mạo hiểm nhưng cũng cần nghiên cứu, tổng kết để rút kinh nghiệm và quyết định có nên sử dụng chính thống không. Theo tôi chưa nên kết luận là đúng hay sai, vì luật chưa điều chỉnh cụ thể hành vi này. Hành vi quăng lưới chỉ là "một biện pháp nghiệp vụ" để cảnh sát giao thông dừng xe vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông- mà việc dừng xe này thì đã được luật cho phép. Nếu cứ vi phạm rồi cảnh sát không đuổi bắt, không sử dụng các biện pháp mạnh thì sẽ chẳng bắt được đối tượng vi phạm nào. Mà bản thân sự vi phạm đó ( sự lạng lách, đua xe) còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn cho họ và những người tham gia giao thông khác rất nhiều. Do đó cần phải chấp nhận những rủi ro có thể có khi sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để chống lại đối tượng này- miễn là nó hiệu quả và an toàn nhất. Pháp luật cần quy định và nếu cần thì có khoản kinh phí bảo hiểm dự trù để bồi thường cho tình huống rủi ro này”. - Nguyễn Ngọc Thuần: aivet21@yahoo.com phân tích khá chi tiết.

Khả Vân