1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dùng lưới cá bắt quái xế: Nếu xảy ra tai nạn sẽ phải đền!

(Dân trí) - Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng CSGT đường bộ và đường sắt (Bộ Công an) cho biết, đang xem xét việc dùng lưới bắt đối tượng đua xe, lạng lách hiệu quả hay không. Nhiều luật sư cho biết, biện pháp “không giống ai” này nếu gây tai nạn, cảnh sát phải đền.

Trong đợt cao điểm xử lý trật tự an toàn giao thông từ ngày 28/10, Công an Thanh Hóa đã áp dụng biện pháp quăng lưới vào xe vi phạm. Lưới được dùng là loại sợi cước nhỏ, một đầu quấn với vật nặng (thường là gạch, đá). Khi thấy người vi phạm giao thông không chấp hành hiệu lệnh, dân phòng lập tức quăng lưới vào gầm xe.
 
Dùng lưới cá bắt quái xế: Nếu xảy ra tai nạn sẽ phải đền! - 1
Công an Thanh hóa "trình diễn" màn dùng lưới bắt quái xế (ảnh Duy Tuyên)

Theo Cục trưởng CSGT đường bộ và đường sắt (Bộ Công an), Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, Công an Thanh Hóa chỉ dùng lưới để bắt các đối tượng đua xe, đánh võng, lạng lách gây nguy hiểm cho người khác, chứ không áp dụng với đối tượng vi phạm các lỗi thông thường của Luật giao thông. “Chống đua xe, đánh võng là trách nhiệm của toàn xã hội và là đối tượng đấu tranh trong ngành chúng tôi, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh”, ông Tuyên nói.

Đại tá Tuyên cho rằng, chưa thể đánh giá biện pháp mới của Công an Thanh Hóa tốt hay chưa tốt vì Công an Thanh Hóa cũng mới đang thử nghiệm. “Ngoài Thanh Hóa, chưa tỉnh nào áp dụng biện pháp dùng lưới bắt đối tượng đua xe, đánh võng. Sáng kiến này đưa ra cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm thì mới kết luận hiệu quả hay không”, Đại tá Tuyên nhận định.

Trước câu hỏi nếu hiệu quả có nhân rộng biện pháp này trong toàn ngành hay không, ông Tuyên cho hay còn phải thảo luận, rút kinh nghiệm và xin ý kiến.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Hoàng Dũng, Văn phòng luật sư Hoàng Dũng và Cộng sự cho rằng, cảnh sát giao thông phải hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật. Hơn nữa họ là công chức nên chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.
 
“Việc dùng lưới bắt người vi phạm giao thông là không ổn vì không có quy định nào cho làm việc đó. Dù người ta có vi phạm luật giao thông nhưng nếu cảnh sát gây hậu quả cho người ta thì phải bồi thường”, luật sư Hoàng Dũng cảnh báo.

Theo luật sư Hoàng Dũng, việc này chỉ là giải pháp địa phương nghĩ ra và văn bản pháp quy không cho phép Công an Thanh Hóa làm. “Hôm nay anh mang lưới, mai ông lại đưa ra sáng kiến mang chài ra quăng người đi đường, mang gậy ra chọc vào bánh xe người dân thì sao”, ông Dũng quan ngại.

Luật sư Đặng Văn Luân (đoàn luật sư Thái Bình) cũng đồng quan điểm với luật sư Dũng về việc nếu dùng lưới gây tai nạn giao thông thì công an phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Theo luật sư Luân, Hà Nội còn quy định không được truy đuổi người vi phạm giao thông chạy trốn cảnh sát bằng mọi giá thì việc Công an Thanh Hóa dùng lưới bắt người phạm luật là không ổn vì rất nguy hiểm.

“Pháp luật luôn đặt việc giáo dục song hành với cưỡng bức người dân phải thực hiện. Tuy nhiên, hành vi vi phạm luật giao thông không trầm trọng đến mức phải sử dụng lưới để bắt. Biện pháp không giống ai đó của Công an Thanh Hóa chỉ là giải pháp tình thế”, luật sư Luân phân tích.

Quang Phong