Điều đáng bàn về kinh doanh giáo dục đại học

(Dân trí) - Vốn là một nhà kinh doanh, tôi không phủ nhận mục đích kinh doanh của trường ĐH ngoài công lập. Nhưng muốn kinh doanh có hiệu quả thì phải chăm lo thương hiệu của mình tức là phải quan tâm hàng đầu tới chất lượng đào tạo.

Có một số trường đại học tư thục đã làm tốt điều này, nhưng rất đáng tiếc còn nhiều trường làm ăn theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” chỉ lo lợi nhuận trước mắt mà không lo kế làm ăn lâu dài... Chưa nói nhiều trường đại học công lập cũng thả lỏng trong việc mở hệ đào tạo tại chức cũng như liên kết với nhiều địa phương mở các trung tâm đào tạo đại học. Thực chất đấy là cách bán thương hiệu để kiếm lời.

Không thể kinh doanh đơn thuần trong giáo dục
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Chúng ta đều biết về mặt pháp lý, bằng ĐH tư, bằng tại chức và chính quy có giá trị như nhau. Không phải ai học ĐH tư, học tại chức cũng đều dở và không phải ai học chính quy cũng đều có năng lực. Nhưng thực tế ngày nay,  do quan điểm kinh doanh đơn thuần, nhiều cơ sở đại học ngoài công lập cũng như hệ đào  tạo không chính quy (như đào tạo tại chức, đào tạo từ xa) không có đủ điều kiện đào tạo và ít quan tâm tới chất lượng dạy và học, cho nên tấm bằng tốt nghiệp của các hệ đào tạo này không có đủ độ tin cậy.

Trước đây khi chưa có sự “nở rộ” các trường ĐH ngoài công lập thì đào tạo tại chức là nguồn bổ sung nhân lực tương đối tốt cho xã hội, và nhiều người đã có những đóng góp đáng trân trọng; đến tận bây giờ, họ vẫn đang âm thầm cống hiến cho sự ngiệp phát triển của đất nước. Vào thời điểm đó, người dạy bằng cái tâm muốn truyền đạt kiến thức, còn người học vì khát khao kiến thức, khát khao có được công cụ tri thức hữu hiệu để phục vụ. Và họ đã học ra học, dạy ra dạy, không bị tác động bởi bất kỳ một động lực kinh tế nào. Dù rằng điều kiện học thời đó còn rất khó khăn.

 
Điều đáng bàn về kinh doanh giáo dục đại học  - 1

Thí sinh nộp hồ sơ vào trường ĐH dân lạp ở TPHCM

Chúng ta đều biết, hình thức kinh doanh nào cũng cần có cái tâm, lợi nhuận không phải là tất cả. Nhưng, động lực để khởi nghiệp kinh doanh chính là lợi nhuận. Vì đã đầu tư thì phải nghĩ đến việc sinh lời, nếu không sinh lời, sẽ không còn động lực để đầu tư (Có ai đầu tư để đem về cho mình cái thua lỗ? Và lợi nhuận ở đây không chỉ là tiền bạc).

Vậy dưới góc nhìn của một nhà quản trị kinh doanh, chúng ta thử xem các trường ĐH như một DN sản xuất, sinh viên là sản phẩm, và các cơ quan, doanh nghiệp là người tiêu dùng. Trong điều kiện cho phép có nhiều lựa chọn, ngươi tiêu dùng bao giờ cũng chọn sản phẩm tốt, có chất lượng bảo đảm, được ra đời từ những thương hiệu lớn, có uy tín. Do đó các nhà doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ĐH đều không thoát khỏi quy luật của cơ chế thị trường. Nghĩa là đã đầu tư thì phải sinh lời, nhưng phải cạnh tranh bằng chất lượng có thật, để không ngừng mở rộng thị phần, và đa dạng hóa sản phẩm...(Đôi khi vì lợi nhuận trước mắt mà quên đi chất lượng thì đấy là hành động tự sát!).

Trong kinh doanh, lòng tham dễ nảy sinh và không có giới hạn. Chúng ta đều biết, có nhiều thương hiệu lớn có uy tín, trong nước cũng như ngoài nước, vì lợi nhuận (khi gặp điều kiện thuận lợi và không bị phát hiện) họ sẵn sàng gian dối, sẵn sàng đẩy rủi ro, đẩy  bất lợi cho khách hàng. Bất chấp đạo đức kinh doanh, miễn sao tăng được lợi nhuận, giảm được rủi ro cho mình, dù biết như thế là dối trá, là lừa đảo. Nhưng kiểu kinh doanh chụp giật đó trước sau sẽ bị phát hiện và đương nhiên không thể bền vững.

Nhưng không phải ĐH tư nào cũng dở và ĐH công nào cũng có chất lượng. Có những ĐH tư nhưng cơ quan, doanh nghiệp sẵn sàng trải thảm chào mời sinh viên tốt nghiệp của họ, và cũng có những ĐH, khi thấy bóng dáng sinh viên của họ là đã băn khoăn, ngần ngại. Điều này nói lên một thực trạng đang gây nhức nhối và làm cho xã hội phải quan tâm về hiện trạng: “nở rộ phong trào mở trường ĐH”. Có đủ tiền và điều kiện thì mở đã đành, nhưng không đủ tiền và các điều kiện cần thiết khác cũng cố tìm cách mở bằng được đại học. Đó là việc làm không chỉ đáng phê phán đối với người đầu tư mở trường mà còn đáng trách hơn là các cấp quản lý ra quyết định đem đến những rủi ro rất cao cho xã hội tương lai.

Chúng ta đều biết, cách tốt nhất để tạo ra sức cạnh tranh có hiệu quả cao của mọi quốc gia ở thời đại ngày nay chính là đội ngũ nhân lực có chất lượng cao. Trước đây, các cơ quan cũng như các doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, cũng như tầm quan trọng của tài sản trí tuệ. Cho nên nhiều doanh nghiệp bị tụt hậu, bị phá sản hoặc cố gắng lắm cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Thời gian gần đây, để bắt kịp tiến bộ chung trên con đường phát triển và hội nhập, nhiều cơ quan cũng như doanh nghiệp, bắt đầu quan tâm nhiều đến việc lựa chọn nguồn nhân lực có dủ năng lực chuyên môn và phẩm chất cần thiết, đồng thời thanh lọc những người không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của đơn vị, để bắt kịp đà phát triển chung trong thời kỳ hội nhập.

Để phát triển bền vững, nhiều công ty xí nghiệp đã chú trọng đầu tư cho lực lượng lao động đi đôi với đổi mới công nghệ, thiết bị để tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng suất, tạo sản phẩm có chất lượng tốt hơn.

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động cũng như đổi mới công nghệ,  thiết bị là một việc làm cấp bách có tính quyết định hiệu quả cạnh tranh. Do đó xã hội bắt đầu lên tiếng với vấn nạn mở ĐH tràn lan, và một số địa phương đã rất quyết liệt, dũng cảm đưa ra quyết định đẩy mạnh đổi mới công nghệ, thiết bị và đổi mới nguồn nhân lực,  không tuyển dụng SV tốt nghiệp ĐH tư cũng như tại chức. Với quyết định này, nó đánh động xã hội phải  nhìn lại "động cơ cho mở trường đại học tràn lan", cách thức quản lý quá trình đào tạo và đánh giá chất lượng  “đầu ra” của các trường ĐH hiện nay. Nó đánh động đến “sự bình lặng cố hữu của phương pháp đào tạo và tuyển dụng nhân sự”, nó là hồi chuông thức tỉnh cho việc lấy giáo dục đại học làm phương tiện kinh doanh đơn thuần. doanh thu, vì lợi nhuận, nhiều trường ĐH đã tổ chức liên kết tràn lan để mở các lớp đào tạo đại học, bất chấp chất lượng đầu ra (Không ít trường hợp chỉ bán thương hiệu, mọi việc còn lại khoán gọn cho đối tác).

Do đó, chất lượng đầu ra hiện nay của không ít trường ĐH như thế nào chúng ta đều biết (người học biết, người dạy biết, trường biết, Bộ GD biết) nhưng không ai nói ra. Phải chăng vì lợi ích cục bộ, dùng GD để kinh doanh kiếm lợi nhuận là trên hết, chính điều đó đang góp phần tạo ra nguồn nhân lực kém cỏi không đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đã đến lúc chúng ta phải thức tỉnh, nghĩ đến những nhu cầu bức xúc của thời đại toàn cầu hóa, của những yêu cầu rất thiết thân của lộ trình phát triển đất nước để hội nhập với nền văn minh thế giới. Cho nên không thể chần chừ, do dự hay thỏa hiệp với những sai trái trong cung cách quản lý, nhất là quản lý đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, không thể để tồn tại “loại hình” kinh doanh đơn thuần ở bậc giáo dục đại học dù là công lậo hay tư thục.

Lập lại trật tự, kỷ cương đối với giáo dục đại học

Chúng tôi nghĩ rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, chấm dứt tình trạng lộn xộn như thời gian vừa qua, cần sớm chấn chỉnh nhiều khâu, trong đó có những việc cần làm ngay :

- Nơi nào muốn mở trường ĐH phải chứng minh có đủ lực lượng giảng viên cơ hữu đúng chuẩn. Phải có đủ năng lực tài chính (Không được chắp vá vay mượn). Phải có trường sở, thư viện  và trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu dạy và học. Không để bị “đánh lừa” khi đi thẩm tra điều kiện mở trường như Bộ trưởng GD-ĐT Đặng Vũ Luận trả lời chất vấn tại Quốc hội vừa qua.

- “Đầu vào” cũng như “đầu ra” của các trường ĐH phải theo một khung chuẩn. Các trường tuyển SV theo đúng tiêu chuẩn (không được dưới điểm sàn) và theo năng lực đào tạo có thật của trường. (Điều này dựa trên năng lực và thứ hạng đã xếp, Bộ cho chỉ tiêu. Nhưng cần phải minh bạch và trung thực, không để bị tác động tiêu cực do cơ chế xin-cho).

- Không cấp phép và kiên quyết đình chỉ những trường không đủ chuẩn về đội ngũ giảng viên cơ hữu, về trường sở, thư viện và phương tiện nói chung phục vụ dạy và học.

-Cũng cần chấm dứt tình trạng để các trường ĐH công lập cho mở hệ đào tạo tại chức tràn lan dưới hình thức liên kết với các trung giáo dục thường xuyên ở các địa phương, nhưng thực chất là “khoán gọn” cho đối tác, không quản lý nghiêm túc quá trình  đào tạo cũng như kiểm tra, thi cử.

-Nên tiến hành việc xếp thứ hạng các trường ĐH qua mỗi năm. Cần quy định việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học một cách độc lập, có chế độ định kỳ công bố trường nào đạt chuẩn. Trường nào không đạt chuẩn, chất lượng thấp không cho tiếp tục tuyển sinh và nếu không khắc phục thì  bị giải thể. Điều này giúp SV có nhiều lựa chọn theo nguyện vọng và năng lực. Mặt khác, cũng giúp cho cơ quan, doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát về các trường ĐH cung cấp nguồn nhân lực đáng tin cậy, để có thể lựa chọn, tuyển dụng theo nhu cầu của mình.

Chúng ta đều biết, một trong những năng lực quan trọng của lãnh đạo là tầm nhìn, nhưng với cách nhìn cho mở trường ĐH tràn lan như vừa qua (để XH phải bức xúc lên tiếng), thể hiện cách nhìn thiếu căn cứ khoa học và không sát tình hình thực tiễn. Hơn nữa, qua cách làm dễ dãi còn làm cho dự luận nghi ngờ về sự trong sáng, minh bạch trong việc cấp giấy phép mở trường đại học cho những nơi không có đủ điều kiện cũng như việc nâng chỉ tiêu tuyển sinh không đúng với năng lực thực tế của các trường đại học ngoài công lập, dẫn tới việc không bảo dảm chất lượng đầu ra, nhưng sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi vẫn chiếm đa số. Như vậy làm sao xã hội có thể tin cậy vào những tấm bằng đó.

Vì vậy,  chúng tôi nghĩ rằng, muốn cho các doanh nghiệp và cơ quan tuyển dụng nói chung không có sự phân biệt các tấm bằng đúng như luật định mà Bộ trưởng Đặng Vũ Luận nhắc tới trong cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội thì trước hết các hệ đào tạo tại chức và ngoài công lập cần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như việc cấp giấy phép cho những cơ sở đào tạo các hệ này cần chặt chẽ chứ không quá dễ dãi như thời gian qua.                                                                 
                                                                  Th S. Nguyễn Đình Đầy
Công ty Chế tạo máy IDT, TP. Hồ Chí Minh
 

LTS Dân trí - Phát triển các trường đại học ngoài công lập nhằm xã hội hóa nguồn đầu tư cho giáo dục là cần thiết nhưng phát triển quá múc, không kiểm tra chuẩn xác điều kiện mở trường, để dẫn tới hậu quả không bảo đảm chất lượng đào tạo thì đó là sai lầm đáng tiếc dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội.

Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh một số trường ĐH ngoài công lập bảo đảm chất lượng đào tạo, còn nhiều trường không có đủ lực lượng giáo viên cơ hữu cần thiết cũng như cơ sở vật chất rất nghèo nàn, thiếu thốn, cho nên không bảo đảm chất lượng đào tạo như bài viết trên đây đã phản ánh.

Tác giả cũng nêu lên một số kiến nghị nhằm góp phần khắc phục tình trạng yếu kém của không ít các trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay. Mong rằng những ý kiến đóng góp đó được Bộ GD-ĐT cũng như các trường đại học tham khảo và vận dụng những điều thấy hợp lý.