Dị dạng “văn hóa chặt chém”

(Dân trí) - Không biết tự lúc nào, cứ hễ có lễ hội, lễ tết là y chang giá cả dịch vụ hàng hóa tăng vọt. Nó phá vỡ mọi qui luật cung - cầu để được gọi bằng một cái tên hết sức chính xác và đầy biểu cảm “chặt chém” (đâu phải "thuận mua vừa bán)?

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

Mấy ngày Tết bội thực với bánh chưng, bia rượu… để thay đổi khẩu vị, cả nhà liền kéo nhau ra nhà hàng Le ăn sáng. Mọi người chưa yên vị đã thấy cô nhân viên phục vụ xinh đẹp nhanh nhảu đưa bảng thực đơn mời chào. Mình liếc qua một lượt. Vẫn là những món cũ, bún riêu, bún giò, bánh mì ốp la… giá cả “vũ như cẩn”. Thế là yên tâm gọi món. Đây là quán “ruột” của mình bởi cái món bún bò rất hợp khẩu vị.

 

Ăn xong, nhẩm tính theo thực đơn, cả nhà 6 người vừa ăn vừa uống cũng chỉ hết hơn 200 ngàn. Rẻ chán. Bèn gọi nhân viên phục vụ tính tiền. Xem tờ phiếu thanh toán, tưởng mắt kính bị nhòe, bèn gỡ ra lau. Xem kĩ lại thì thấy chi phí đội lên đến một phần ba. Mình thắc mắc sao lại thế. Cô nhân viên phục vụ bình thản trả lời: “Đây là giá ngày Tết”. Mình chẳng chịu: “Nhưng giá cả ghi trên thực đơn vẫn như cũ mà”.

 

- Đấy là giá ngày thường. Chúng cháu chỉ biết thực hiện theo qui định.

 

Lại “qui định”. Cái xứ mình bây giờ hình như đang lạm dụng từ này quá mức. Ở đâu, cái gì cũng “theo qui định” mà hầu hết chỉ toàn bằng miệng thôi nhé. Thôi thì đành phải theo vậy, năm mới năm me chẳng nên đôi co làm gì cho xui xẻo. Nhưng ức một nỗi, mình bị người ta “chặt chém” mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

 

Chuyện tôi kể chẳng còn lạ lẫm gì. Không biết tự lúc nào, cứ hễ có lễ hội, lễ tết là y chang giá cả dịch vụ hàng hóa tăng vọt. Nó phá vỡ mọi qui luật cung - cầu để được gọi bằng một cái tên hết sức chính xác và đầy biểu cảm: “chặt chém”. Nó dường như đã ngấm vào máu thịt của mọi người. Nó được cả xã hội mặc nhiên chấp nhận, coi đó là chuyện bình thường (!?) Nhỏ nhặt như việc gửi cái xe máy bị móc túi vài ba chục ngàn đồng, xót đấy nhưng rồi ai cũng tặc lưỡi: Thôi, năm có một lần, lăn tăn chi cho mệt, khéo không lại rước họa vào thân!

 

Người ta “chặt chém” ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt, đâu cần giấu giếm nhưng chẳng thấy nhà chức trách nào quan tâm (thực sự)? Họ cũng xem đó là chuyện thường ngày ở huyện? Cả xã hội vô hình trung góp phần làm băng hoại những giá trị nhân văn trong cách ứng xử của người Việt. 

Cái văn hóa “thuận mua vừa bán” của ông cha xưa dường như đã chết từ lâu, bây giờ thay vào đó là thứ dị dạng - “văn hóa chặt chém”!
 
Trước đây người ta bảo “văn hóa chặt chém” làm xấu đi hình ảnh người Việt trong con mắt bạn bè quốc tế đến du lịch Việt Nam, thế có nghĩa là còn biết xấu hổ. Bây giờ thì, “chặt chém” tràn lan, thần kinh xấu hổ hỏi có còn nữa không !?

 

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm