Dẹp tổ chức học trước khai giảng là quá đúng!

Người phát ngôn Bộ Giáo dục Đào tạo vừa thông báo tại cuộc họp báo định kỳ ngày 30.6 rằng, từ năm học 2020-2021, sẽ chấm dứt tựu trường và đi học trước khoảng một tháng rồi mới khai giảng.

Thông tin này nghe quá mừng, như một sáng kiến đổi mới xuất sắc của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Nhưng ngẫm kỹ thì chẳng có sáng kiến, chẳng có đổi mới gì ở đây cả.

Từ những năm tháng xa xưa, học sinh nghỉ hè là cứ chơi cho đến ngày khai giảng mới chính thức học lại. Nếu học sinh có đến trường sớm là vì những lý do liên quan đến sắp xếp việc học, không phải đi học. Nhưng không biết cải tổ cải tiến kiểu gì, bỗng dưng Bộ Giáo dục - Đào tạo bắt học sinh đi học trước một tháng rồi mới khai giảng sau, đó là cải lùi không phải cải tiến.

Ngày khai giảng, học sinh đến trường với tâm trạng: “Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ. Tim run run trăm tình cảm rụt rè. Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe. Lòng mới mở giữa tay đời ấm áp” (Huy Cận). Còn đi học cả tháng rồi thì còn chi “ngập ngừng”, “run run”, “rụt rè” và “lòng mới mở”.

Học một tháng rồi thì khai giảng gì nữa, cho nên dẹp bỏ việc tổ chức học trước khi khai giảng là trở về với những sự chuẩn mực của ngày xưa mà ngày nay chúng ta đã tự làm hỏng nó.

Không chỉ dẹp bỏ việc học trước khai giảng, mà nên dẹp nhiều thứ khác. GS-TS Phan Thanh Sơn Nam - Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa TPHCM - cho rằng, nên bỏ hết tất cả các bài tập khó ở chương trình phổ thông ở tất cả các môn, chỉ giữ lại những phần cơ bản nhất, để dành thời gian làm chuyện khác. Thời gian còn lại, xin hãy thiết kế chương trình học để có thể làm những chuyện có ích hơn.

Theo Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam, những chuyện có ích đó là luyện tập thể dục thể thao, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sống tối thiểu, rèn ngoại ngữ, và đặc biệt là “dạy thêm cho các em biết thương những phận đời dưới đáy xã hội”. 

Bất cứ thời nào, dạy cho học sinh biết yêu thương tha nhân cần hơn giải được bài toán hóc búa.

Đừng nghĩ đến cải cách giáo dục với những đề án to tát, hãy dẹp ngay các loại bài tập tra tấn hại não, những bài học thuộc lòng nhồi nhét khai thác sức nhớ nhưng hủy hoại sức sáng tạo. Học sinh đến trường để học nhưng mà vui chơi, không phải những “hình nhân” di động vật vờ trong sân trường. 

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động