Rút thời gian thực học còn 35 tuần, không dạy học trước ngày khai giảng

(Dân trí) - Hai cấp học THCS và THPT sẽ được điều chỉnh thời gian thực học còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) để tăng thời gian hoạt động trải nghiệm và nghỉ hè cho giáo viên, học sinh.

Thông tin trên vừa được đưa ra chiều nay (30/6), tại họp báo thường kỳ quý II, do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Rút ngắn hai tuần thực học với cấp THCS và THPT

Cụ thể, thời gian khai giảng năm học 2020-2021 thống nhất trong cả nước là ngày 5/9.

Các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9.

“Các trường có thể tập trung học sinh để chuẩn bị cho lễ khai giảng nhưng không được trước ngày 1/9 và không được tổ chức dạy học”, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT nói.

Rút thời gian thực học còn 35 tuần, không dạy học trước ngày khai giảng - 1

Ông Nguyễn Xuân Thành: "Thời gian thực học của cấp THCS và THPT sẽ giảm 2 tuần để học sinh có thêm thời gian nghỉ hè và tham gia trải nghiệm". 

Trả lời câu hỏi, việc rút ngắn thời gian năm học xuống còn 35 tuần chỉ tiến hành trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay cả những năm kế tiếp?

Ông Thành cho hay, Bộ quán triệt các đơn vị không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, không chỉ ở năm học 2020-2021 mà sẽ áp dụng cả ở các năm học tiếp theo.

Đồng thời, Bộ sẽ đưa điều này vào quyết định khung kế hoạch năm học sửa đổi sắp tới nhằm giúp học sinh có thêm thời gian nghỉ hè.

Cũng theo ông Thành, năm học 2020-2021, Bộ sẽ tiếp tục rà soát tinh giản nội dung để tránh học sinh chịu nhiều áp lực cũng như dành thời gian cho các em có hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.

Theo đó, thời gian thực học cho cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần, giảm hai tuần so với thời lượng 37 tuần hiện nay và bằng với thời gian học của bậc tiểu học.

Ông Thành phân tích thêm, từ sau khai giảng đến ngày 31/5/2021 có 38 tuần đã bao gồm 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán nên còn 37 tuần.

Trong số đó, có 35 tuần thực học, 2 tuần dự phòng. Các địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn của mình để xây dựng khung thời gian năm học phù hợp.

Rút thời gian thực học còn 35 tuần, không dạy học trước ngày khai giảng - 2

Bộ  GD&ĐTsẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục nào tổ chức dạy học trước thời gian khai giảng.

Không dạy trước chương trình khi chưa khai giảng

Cũng tại họp báo, Bộ GD&ĐT cho biết, đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định 2071 đã áp dụng từ năm học 2017 - 2018.

“Các cơ sở giáo dục không được dạy học trước chương trình, tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Đây là tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bộ sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục nào tổ chức dạy học trước thời gian khai giảng.

Nếu dư luận, báo chí, phụ huynh biết cơ sở nào dạy học trước thì rất mong phản ánh để Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương có biện pháp xử lý nghiêm khắc”, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT nói.

Đối với trường tư thục, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cho hay, đơn vị này đang xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn.

Riêng năm học 2020 - 2021 kết thúc muộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường.

Tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông.

Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.

Việc thực hiện tốt dạy học trực tuyến sẽ giúp tăng thời gian nghỉ hè cho học sinh, giáo viên.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm