Bạn đọc viết:

Hiểu đúng về truyện cổ tích Tấm Cám

(Dân trí) - Thời gian gần đây, một số báo trên Dân trí có đề cập đến vấn đề đưa truyện cổ tích Tấm Cám vào chương trình SGK phổ thông, là một sinh viên ngành văn học, tôi cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Hiểu đúng về truyện cổ tích Tấm Cám - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
 
Tôi thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau bàn luận về việc có nên hay không nên đưa truyện Tấm Cám vào dạy học, rõ nhất là ở bài báo “Độc giả đề xuất bỏ truyện Tấm Cám khỏi SGK”  của Dân trí. Đa số độc giả đều đề xuất hoặc là sửa, hoặc là bỏ đi. Có rất nhiều lí do được đưa ra nhưng hầu như đều “đổ tội” cho cô Tấm, rằng Tấm đẹp người, đẹp nết, Tấm không nên trả thù như vậy, rằng Tấm độc ác hơn cả mẹ con mụ dì ghẻ, rằng Tấm đã đi ngược lại với truyền thống đạo lý của người Việt Nam ta. Bản thân tôi đã từng được nghe cô giáo, nghe mẹ tôi kể về câu chuyện này khi còn nhỏ, cũng đã từng thốt lên rằng “sao cô Tấm lại độc ác đến vậy?”. Nhưng cho đến khi học đại học tôi mới hiểu ra rằng ta không thể đổ tội cho cô Tấm, không thể lấy con mắt, lấy tư duy của người hiện đại chúng ta mà quy kết cho chuyện của “ngày xửa ngày xưa” được.

 

Truyện cổ tích thuộc về văn học dân gian, là thể loại phản ánh lời ăn tiếng nói, lối suy nghĩ và tâm tư nguyện vọng của ông cha ta ngày xưa, lí giải theo văn học thì kiểu nhân vật Tấm là kiểu nhân vật chức năng, nghĩa là được nhân dân ta sáng tạo ra để thay mặt cho nhân dân trừng trị những kẻ xấu xa, độc ác, do đó nhất thiết cái kết của chuyện cổ tích Tấm Cám phải diễn ra như vậy, nhân vật Tấm đã thực hiện đúng chức năng mà nhân dân ta “giao phó” chứ không phải là nàng độc ác và đi ngược lại với truyền thống đạo lý Việt Nam như nhiều người vẫn nghĩ.

 

Tuy nhiên, với nhận thức của những học sinh phổ thông thì tôi e rằng các em chưa thể hiểu hết được điều này, có khi lại hiểu sai và dẫn đến “phản giáo dục” như nhiều người đã nói. Do đó, thiết nghĩ rằng sách giáo khoa không nên sửa lại cái kết câu chuyện mà nên thay vào đó một câu chuyện cổ tích khác, kho tàng truyện cổ tích Việt Nam không thiếu những câu chuyện hay, đầy tính giáo dục và đúng “tầm” với các em. Đợi khi lớn thêm một chút, các em sẽ có thể hiểu một cách đúng đắn về truyện cổ tích Tấm Cám, về chức năng trừng trị những kẻ độc ác mà nhân dân ta đã khéo léo giao cho cô Tấm.

 

 

Đoàn Thị Thu Trang

 ĐH Duy Tân