Để giấc mơ “phá băng” bất động sản không hão huyền
(Dân trí) - Quan điểm chung là: Cần tháo gỡ nút thắt thay vì giải cứu. Điều đó được nhấn mạnh qua con số kỷ lục phản hồi của bạn đọc đầu Xuân, trước những lời “kêu cứu” của các “đại gia” bất động sản (BĐS) và với cả những “siêu đề xuất” kiểu mơ hão mơ huyền.
Tháo nút thắt để thị trường lành mạnh
Tương tự như vậy, trong bản tin kinh tế số ra mới nhất ngày 7/3, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng: Nhà nước không thể chấp nhận giải cứu BĐS, vì chỉ càng khuyến khích rủi ro đạo đức, làm cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh liều mạng vì "lãi bỏ túi, lỗ sẽ có nhà nước lo" tạo ra mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.
Được lời như cởi tấm lòng, những tiếng hoan hô, ủng hộ, khen ngợi… đem lại bầu không khí lạc quan (rái ngược hẳn với sự ảm đạm của thị trường BĐS)cho diễn đàn dư luận đầu Xuân xoay quanh chủ đề về thị trường BĐS:
“Hai năm nay mới đọc được một nhận định khách quan và đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường BĐS. Kinh tế đi xuống mà giá nhà đất bị đẩy lên 100 lần vẫn không chịu trở về giá trị thực, chỉ vì mong chờ nhà nước giải cứu? Ngân hàng hãy vào cuộc không phải bằng cách chi tiền thêm, mà là siết nợ và bán rẻ nhanh để thu hồi vốn. Có như thế mới tạo được thị trường BĐS lành mạnh” - Cao Tuan: caotuan64@gmail.com
“Một bài viết tuyệt vời, bản tin số 8 của Ủy ban Kinh tế QH thật khách quan và đánh giá được toàn diện những nút thắt lớn nhất - chính là những nút thắt như: Chúng ta phải xử lý cho được vấn đề nợ xấu, cơ cấu lại nền kinh tế (hạn chế mở rộng ngành sản xuất vật liệu xây dựng) để giải quyết hàng tồn kho về vật liệu xây dựng. Hai vấn đề này phải xử lý đồng thời, cùng với quá trình đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Tôi rất tin vào việc chúng ta sẽ cơ cấu thành công lại nền kinh tế. Nhưng còn vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho thì thực sự đáng lo ngại!” - Minh: nguyenvimo@gmail.com
Những con số “biết nói” cũng được bạn đọc viện dẫn để tiện bề so sánh và rút ra kết luận:
“Bản báo cáo rất hay, rất có trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế QH! Các doanh nghiệp BĐS phải tự cứu mình bằng cách giảm giá chứ đừng trông chờ vào giải cứu của Chính phủ. Giá nhà đất phải giảm 70% ~80% nữa thì mới có thể bán được, vì người lao động hiện nay không thể mua được nhà đất khi giá bằng khoảng 20 năm đi làm công ăn lương. Tính lương trung bình của người lao động khoảng 3,5 triệu đồng một tháng x 12 tháng x 25 năm được 1,05 tỷ mới mua được căn hộ chung cư thấp cấp. Tôi nói như vậy để thấy rằng giá nhà đất bị thối lên cao trong suốt thời gian dài như vậy chủ yếu là do đầu cơ tiền vay từ Ngân hàng hoặc nguồn tiền không minh bạch” - Nguyen Tien Binh: binh6899@gmail.com
“Không nên giải cứu BĐS. Hãy để giá BĐS trở về giá trị thực của nó. Giá nhà đất chỉ nên bằng 5-7 lần thu nhập của người dân và ngân hàng hỗ trợ cho vay 10-15 năm thì mới mong nhiều người mua được nhà, vì thu nhập còn phải chi tiêu cho rất nhiều việc chứ không phải chỉ tiết kiệm để mua nhà” - Tran Quoc Tuan: quoctuan_tran84@yahoo.com.vn
“Với giá khoảng 2 tỷ đồng hiện nay mua căn hộ chung cư ở HN và TPHCM còn là khó, trong khi đó ở Mỹ có thể mua được một biệt thự ở ngoại ô. Mà hạ tầng cơ sở, xã hội, rồi thu nhập (chú bé rửa kính xe hơi trên các ngã tư, một giờ thu được khoảng 8$), rồi các mặt đảm bảo cho đời sống tối thiểu ở Mỹ lại hơn ở VN. Vậy như thế thì thử hỏi mọi người là giá nhà đất ở VN có đúng không, có bị thổi thành ''bong bóng'' không???” - Nguyen Van Tuan: toiyeuvn@yahoo.com
Đồng thời, bạn đọc cũng chỉ rõ ra những nút thắt cần tháo gỡ để có được sự lành mạnh cho thị trường BĐS, chứ không phải lại bơm tiền cho bong bóng BĐS phát nổ:
“Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đưa thị trường BĐS của chúng ta đến ngày hôm nay, theo tôi nghĩ, là việc năm 2007-2008 nhà nước đã giải cứu nền kinh tế mà không có kịch bản một cách cụ thể, rõ ràng, khi thông qua các gói kích cầu. Để đưa đến việc đó có nguyên nhân cơ bản là chúng ta không có số liệu thống kê minh bạch, đầy đủ về thực trạng của nền kinh tế. Qua các số liệu vừa qua, chắc chắn không thể đánh giá cụ thể, chính xác về thực trạng của thị trường BĐS (đặc biệt là của nền kinh tế thế giới). Do vậy việc không thể cứu thị trường BĐS lúc này được, theo tôi là vì những lý do sau:
1/. Chưa đánh giá được bản chất của thị trường.
2/. Nhà nước phải thể hiện trách nhiệm của mình cụ thể hơn trước nhân dân, không thể để như giai đoạn 2008.
3/. Nguy cơ người nông dân không còn tư liệu sản xuất sẽ rất cao.
4/. Thực chất ngành xây dựng có tới 50% là lao động nông nhàn, trong khi lao động nước ngoài ở VN cũng còn ở mức khá cao.
Tóm lại: HÃY NÓI KHÔNG VỚI VIỆC GIẢI CỨU THỊ TRƯỜNG BĐS!” – Trương Nam: evol20758@yahoo.com
Để tăng thêm sức nặng cho những lập luận từ thực tiễn của mình về việc người dân buộc phải quay lưng với thị trường BĐS dù nhu cầu thật vẫn rất lớn, nhiều ý kiến nêu rõ khoảng cách vẫn còn quá xa giữa giá thật và giá “thổi” của BĐS VN hiện nay:
“Tôi cũng là dân BĐS, nhưng cũng thấy quan điểm của bài viết rất hợp lý” - Hồ Văn Ý: gbhoy67@yahoo.com
“Bất động sản ở VN hiện nay giao dịch mua bán vẫn chủ yếu diễn ra giữa người giàu với người giàu, mà những người này thì đều đã có nhà cửa, thậm chí rất nhiều nhà. Họ chỉ đầu cơ, thổi giá với nhau để hưởng chênh lệch chứ làm gì có tính tới nhu cầu thực của người cần nhà để ở. Do đó đến giờ họ phải chịu hậu quả là đương nhiên rồi. Lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng, lách luật, chạy dự án... Kết quả là ảnh hưởng đến cả nền kinh tế của đất nước. Tai hại quá!” – Minh Vi: minhvivi_2000@yahoo.com.vn
“Tác hại của việc giá BĐS tăng:
1. Giá đất tăng cao sẽ giảm đầu tư nước ngoài vì: khi nhà đầu tư vào, họ phải chi một khoản tiền lớn để đền bù giải phóng mặt bằng. Rõ ràng cùng một số tiền, cùng giá nhân công và các điều kiện khác như nhau, tôi sẽ chọn nước có giá đất thấp để đầu tư, vì tôi sẽ có mặt bằng rộng hơn để sản xuất. Đền bù cao chỉ làm lợi cho nhóm nhỏ người, nhưng nhìn chung cả nền kinh tế thiệt hại.
2. VN là nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống còn quá kém. Muốn phát triển, muốn thu hút đầu tư nước ngoài thì hạ tầng giao thông phải đi trước. Nhưng nghịch lý là nước ta có những con đường đắt nhất hành tinh, mà chất lượng lại… tồi nhất hành tinh. Chúng ta còn phải xây dựng rất nhiều đường sá, nhưng với giá đền bù như hiện nay thì không thể nào làm được, bao nhiêu tiền thuế của dân cho đủ???
Đây là nguyên nhân rất lớn kìm hãm sự phát triển của đất nước. Phân tích kỹ nhiều mặt sẽ thấy giá BĐS cao giả tạo là nguyên nhân sâu xa của sự suy thoái nền kinh tế. Chỉ khi nào giá BĐS giảm xuống, nền kinh tế mới phát triển được” - Nguyễn Ước Mơ: vphuc77@yahoo.com
Từ những phân tích sát thực, rất nhiều người chia sẻ quan điểm được nick Đoàn tàu Thống nhất subazan05@ovi.com nêu qua cách ví von:
Kiều Anh