Dạy văn, dạy chữ, dạy người…

(Dân trí) - Soạn thảo văn bản trên máy tính đang thay thế viết tay…;bài thi trắc nghiệm chỉ cần tô đậm những vòng tròn…Điện thoại di động chỉ cần “chạm – đa chạm”…Nhưng trong học tập và rèn luyện không nên xem thường chữ viết tay.

Trừ một số trường hợp, do điều kiện thời gian cần viết nhanh như ghi bài giảng, làm bài thi…còn nếu suy nghĩ, viết nhật kí, viết bài bình thường không cần quá vội thì nên xem đây như một dịp luyện chữ viết sao cho đúng, cho rõ ràng và nếu có hứng thú để viết chữ đẹp thì càng tốt… Nếu tiếc thời gian thì hãy tốc kí hoặc sử dụng máy tính…có người sợ viết tay mất thời gian, sợ dòng chữ không theo kịp ý tưởng nhưng thực ra cả một đời chắc gì viết được văn bản nào ra hồn… Hãy luyện cho việc viết chữ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, tìm thấy sự thú vị, như được thưởng thức nghệ thuật thể hiện những dòng chữ đầy cá tính của mình, sau này nhìn lại vẫn thấy thích. Có lẽ vì thế mà nhiều người “gò” chữ ký của mình khá công phu… Nguyễn Trãi có câu thơ rất hay, thể hiện phong thái bậc hiền triết: “Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu”. Văn bản chữ Hán hoặc chữ Nôm ngày xưa dành cho người đọc cái thú tự chấm câu.Nguyễn Tuân viết “những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”, (Chữ người tử tù) tất nhiên đây là chữ Hán-tượng hình nhưng cũng gợi những suy nghĩ về chữ quốc ngữ…

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Mỗi ngày dành chút thời gian suy tư và viết lại thành những dòng chữ bình

thường, xem đó là bài tập thực hành vừa viết chữ vừa luyện tinh thần. Viết như một cách thức suy nghĩ, khi khó tập trung tư tưởng thì viết là cách tập trung hiệu quả.. Hãy cố viết những ý tưởng thành câu cú hoàn chỉnh, chữ đủ nét, rõ ràng… không nên chỉ ghi những ý tưởng rời rạc, nhiều khi mơ hồ, sau này sẽ khó hiểu… Trừ một số người có trí nhớ tốt, phần lớn những ý nghĩ trừu tượng rất khó nhớ, nghĩ trước quên sau, nếu như lúc đó có một tờ giấy để viết chữ hoặc sơ đồ thì sẽ nhanh hơn nhiều. Ngạn ngữ Ả rập :“Trí nhớ tốt nhất không bằng nét mực mờ nhất”.

Cách rèn chữ đẹp ở một số trường phổ thông hiện nay đẹp thì có đẹp nhưng coi chừng biến thành máy móc, vô hồn nếu quá đặt nặng về kĩ thuật, học sinh viết rất giống nhau, đều đặn như khuôn mẫu, như được sản xuất hàng loạt theo kiểu chữ in trong máy tính. Ngoài ra, học sinh có đủ năng lực nhận thức, nên phải đặc biệt chú ý nội dung trong những hàng chữ; đọc lại những dòng chữ mà nội dung tầm thường, đọc mãi mất cả hứng thú thì có ý nghĩa gì? Viết nhật kí mà chữ không rõ ràng, không ngay ngắn nhìn thấy nản không muốn đọc lại.

Cách viết các dấu hỏi, ngã, sắc, huyền cũng nói lên tính cách hoặc trạng thái tinh thần. Người vội vàng, thiếu cẩn thận, thiếu kiên nhẫn viết dấu hỏi dấu sắc không khác nhau; có người viết dấu huyền như dấu sắc, quẹt một đường ngang cho xong chuyện, có người viết dấu mũ thật rõ ràng, có đỉnh là một mũi nhọn nhưng cũng có người viết cho nhanh như một cánh cung úp xuống…có người viết chữ t với nét ngang thật dài, có người viết chữ g chữ y “cụt đuôi” hoặc ngược lại quá “phong cách” với nét cuối đâm thẳng xuống rồi ngoặt lên nhìn như một mũi dao găm; có người thích những đường cong nên chữ n và chữ u quá “mềm” nhìn không khác nhau…  những người này nên viết tên riêng bằng chữ in hoa trên đơn từ … Cách kết thúc một chữ cũng cần được quan tâm, hướng lên hay xuống hoặc ngưng lại…Một số người viết chữ g và chữ h thiếu nét, đánh đố người đọc, trong khi người khác nét cuối như bay vút lên trời. Nếu để luyện tinh thần có lẽ nên thong thả viết những chữ cái này, những dấu này như là cách luyện sự kiên nhẫn, bình tĩnh, kiềm chế. Có sách viết rằng chữ nghiêng là biểu hiện của ý chí mạnh mẽ, nghị lực (?)…Chữ nét tròn là mẫu người dễ tính (!). Nét chữ rõ ràng, mạnh mẽ là thể hiện tính nghiêm túc, ý chí quyết tâm…và là một thói quen tốt.


Dạy văn, dạy chữ, dạy người… - 1

Chữ viết của một HS lớp 12 Trường Nguyễn Khuyến

 

Chữ viết thường chỉ là vấn đề thói quen. Tuy nhiên trong từng thời điểm, chữ viết liên quan đến tình trạng sức khỏe và trạng thái tinh thần. Chữ không đều nét, không đủ nét, không ngay ngắn có thể do sự mệt mỏi hoặc lo lắng chứ không hẳn do thói cẩu thả, một số học sinh viết bài làm văn đến gần cuối bài, chữ ngả nghiêng, lên xuống như đi vào “trạng thái hôn mê”. Cách cầm bút và loại bút cũng ảnh hưởng nhiều đến chữ viết. Có học sinh cầm bút quá chặt, như muốn bẻ gãy cây bút, nhìn thiếu nét tao nhã, thiếu nhẹ nhàng, dễ mỏi tay…Tất nhiên mỗi người nên thử nghiệm và chọn một cách thoải mái nhất để có phong cách cầm bút một cách “quý phái”, với những nét chữ ngay ngắn, rõ ràng mà không quá mất nhiều thời giờ và sức lực. Khi viết chữ mà cảm thấy mệt mỏi, mong chóng hết bài, hết giờ thì làm sao tận hưởng vẻ đẹp của tư tưởng và nghệ thuật?

 

Dạy văn, dạy chữ, dạy người… - 2
Học sinh tiểu học

 

Tổng thống Mĩ B.Clinton và Thủ tướng Nga V.Putin đều để lại những dòng chữ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, hai nét chữ trái ngược, chữ của ông Clinton nghiêng về bên phải, chữ này đè chữ kia khó đọc vô cùng trong khi chữ của ông Putin từng nét chân phương, dù không biết tiếng Nga nhưng người xem vẫn có cảm giác dễ  chịu...

Để phục vụ thi cử, trường tư thục Nguyễn Khuyến thường xuyên quan tâm chữ viết của học sinh, đặc biệt ở lớp 12 bởi sau 12 năm học tiếng Việt mà chữ viết không đọc được thì học tiếng Việt làm gì. Hơn nữa, một số giám khảo môn Văn nhìn chữ đoán người, và thực tế có những bài thi xin “phúc khảo” nhưng không thể chấm vì lời phê “chữ không đọc được”.

Hình thành những quy tắc viết chữ và ứng dụng vào việc viết chữ cẩn thận cũng là cách để nhận xét chữ người khác. Tuy nhiên không thể áp đặt, vì chữ viết không thể nói chính xác và đầy đủ về một nhân cách; chữ viết có yếu tố liên quan đến bẩm sinh nhưng còn do rèn luyện tạo thành thói quen; cùng là viết chữ nhưng có người phải cố gắng nhiều có người cố gắng vừa phải, có người trời cho “hoa tay”, viết mà như “ra hoa”…

 

  Đỗ Văn Trị

Trường PTTH Tư thục Nguyễn Khuyến (TPHCM)

 

LTS Dân trí-Thầy giáo viết bài trên đây đề cập mối quan hệ giữa việc dạy văn, dạy chữ và dạy người dựa trên kinh nghiệm  nhiều năm dạy học.

 

Nói riêng việc dạy chữ và luyện chữ viết, tác giả đóng góp những ý kiến đáng lưu ý là cần tạo ra sự hứng thú cho học sinh, giúp cho các em cảm nhận được những lời hay ý đẹp trong từng câu chữ mà trân trọng viết cho đẹp, chứ không phải viết đi viết lại những dòng chữ vô hồn, nhàm chán. Mặt khác, việc luyện chữ, ngoài những nguyên tắc chung phải tuân thủ, còn nên tôn trọng cá tình thể hiện ở chữ viết của mỗi học sinh để tạo nên bản sắc  của mỗi cá thể cầm bút.

 

Việc ghi chép nhật ký có ý thức cũng là dịp luyện chữ viết. Nếu công việc này trở thành thói quen thì sẽ tạo ra hứng thú và đem lại lợi ích nhiều mặt, nhất là lưu giữ được những kỷ niệm đáng nhớ của những năm tháng đã qua, nhiều khi đọc lại  thấy cảm động như được sống lại cùng người và cảnh thân thuộc trong quá khứ…