“Dân bầu ra cán bộ để phục vụ chứ không phải để cai trị”

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: “Cán bộ được người dân bầu ra, đóng góp kinh phí để họ phục vụ người dân chứ không phải để cai trị dân”

Những ngày qua mạng xã hội xôn xao việc anh Nguyễn Danh Cường đưa em gái đến UBND xã An Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) để xin dấu xác nhận nhân thân. Thay vì đóng dấu xác nhận theo đúng quy định, lãnh đạo xã bút phê với nội dung “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”.

“Dân bầu ra cán bộ để phục vụ chứ không phải để cai trị” - 1

Lãnh đạo UBND xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) phê vào hồ sơ của một em học sinh

Không lâu sau đó, thêm một trường hợp là em học sinh ở xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trúng tuyển đại học đi xác nhận lý lịch làm hồ sơ nhập học cũng bị Chủ tịch UBND xã bút phê vào lý lịch “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương” với lý do không chịu đóng tiền làm đường xây dựng nông thôn mới cho xã.

Ngộ nhận quyền lực

Trao đổi về cách bút phê “xác thực nhân thân” của những cán bộ xã nói trên, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, những người này đang có sự nhầm lẫn.

Người dân đến ủy ban xã để xác thực lý lịch chính là việc xem xét kê khai về bản thân, gia đình, bố mẹ, anh em của họ có đúng hay không. Việc xác thực ở đây là một dịch vụ công, là nhiệm vụ cấp xã phải làm. Nếu lý lịch của người dân được khai đúng thì xác nhận là đúng, nếu không đúng thì yêu cầu người dân khai lại. Việc này khác hoàn toàn với việc nhận xét, đánh giá công dân.

“Theo tôi, ở đây có một sự lạm quyền, các cán bộ này đang tự cho mình quyền nhận xét, đánh giá người dân”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, nếu vụ việc này còn xảy ra ở nhiều địa phương khác nữa thì đúng là cán bộ cấp cơ sở đang rất có vấn đề. Thứ nhất là nhận thức về vị trí của mình cũng như việc thực hiện dịch vụ công. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Như vậy, cán bộ, công chức phải là người phục vụ nhân dân.

Thứ hai có sự cửa quyền, ngộ nhận về quyền lực của mình trong nhận thức, quan điểm của một bộ phận cán bộ, công chức. Vì nhận thức ấy họ có thể nhân một cơ hội nào đó để gây khó dễ cho dân hoặc để “kích hoạt” cơ chế xin cho với những dịch vụ mà đáng ra họ phải làm để phục vụ người dân.

“Dân bầu ra cán bộ để phục vụ chứ không phải để cai trị” - 2

Qua những vụ việc trên có thể thấy, một bộ phận cán bộ công chức vừa yếu kém về chuyên môn, không nắm được luật, cộng với thói quen “cửa quyền”, “ảo tưởng quyền lực”, việc xác nhận bản khai lý lịch theo kiểu “thù vặt” là coi thường công dân.

Đáng tiếc hơn, khi giải thích vụ việc với báo chí, Phó Chủ tịch xã An Bình nói rằng ông mới chuyển công tác về làm Phó Chủ tịch được 1 năm nên việc tiếp cận văn bản theo công văn hướng dẫn của tư pháp chưa kịp thời vì vậy mới có việc phê vào lý lịch của người dân như vậy.

Hơn nữa, vị Phó Chủ tịch xã này còn cho rằng đây là việc rất nhỏ, đã bị “xé ra to” khi được đăng lên mạng xã hội. Nếu đúng như vậy, người dân đang phải gánh chịu sự yếu về chuyên môn, kém về hiểu biết của những người được coi là công bộc của dân.

Yếu kém về nhận thức là chuyện không nhỏ

Ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng trong quá trình quản lý xã hội mà chưa hiểu hết hoặc nhận thức chưa đầy đủ nhưng vị quan xã vẫn ký thì đó là chuyện rất lớn chứ không hề nhỏ như cách nghĩ của vị cán bộ này.

“Rõ ràng việc công dân xin xác thực là vấn đề lớn đối với họ. Còn cán bộ không coi đó là chuyện lớn thì rõ ràng họ không hiểu được vấn đề của người dân. Chưa kể, họ được người dân bầu ra, đóng góp kinh phí để họ phục vụ người dân chứ không phải để cai trị, mà họ lại nghĩ mình đang cai trị thì đó là câu chuyện rất lớn”, ông Dũng nói.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên do khiến một bộ phận cán bộ công chức ngộ nhận quyền lực, làm khó người dân là tổng hợp của nhiều vấn đề cộng lại. Đó là câu chuyện về tuyển chọn nhân sự, câu chuyện cần coi trọng tư cách đạo đức và chuyên môn đối với những cán bộ cấp quản lý. Trong khi việc tuyển dụng cán bộ cấp thấp hơn cũng đòi hỏi sự công tâm để những người có năng lực, người giỏi, có phẩm chất đạo đức được tuyển dụng. Những người như vậy mới có tinh thần phụng sự.

Tiếp đó là khâu đào tạo, đánh giá và cần phải có yếu tố thải loại, cách chức hoặc cho thôi việc, nếu người đó không đáp ứng yêu cầu, chứ không phải vào được biên chế là ngồi yên ở đó cho đến tuổi nghỉ. Tất cả các khâu trong quá trình này cần phải được tăng cường hơn nữa./.

Theo Lê Tuyết-Thanh Hà

VOV.VN