Cuộc chạy đua xếp hạng các Đại học

(Dân trí) - Từ đầu những năm 2000, các Đại học được xếp hạng và cũng từ gần 10 năm nay, nhiều nhà khoa học đã phê bình các xếp hạng này. Thế nhưng trên thị trường, sự cạnh tranh giữa các Đại học vẫn đặt nền tảng trên các xếp hạng như vậy.

Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, phấn đấu để ít nhất một trường Đại học của nước mình lọt vào danh sách 200 hay 500 trường đầu bảng.

Dĩ nhiên,ở một Đại học hàng đầu, sinh viên được học hỏi trong một môi trường tốt thật đấy nhưng không vì thế mà tất cả sinh viên ra trường, của tất cả mọi ngành, đều tài giỏi và thành đạt dễ dàng. Học phí cao không có nghĩa là chất lượng tốt tuyệt đối. Lại còn có những trường giỏi tiếp thị  và nhờ chính sách tiếp thị để chiêu sinh. Một cách cực đoan và để kể một thí dụ mà chính tác giả những dòng này biết rỏ : Đại học Liège (Bỉ) không ở trong bảng 200 Đại học hàng đầu nhưng không vì thế mà một bác sĩ hay một luật gia đào tạo ở Liège bất tài hay lao đao trong cuộc sống !

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Thước đo được nhiều người biết là chỉ số công bố khoa học, số bằng sáng chế, số giải Nobel và vài giải quốc tế khoa học khác, tỉ số giảng viên trên số sinh viên, ... Những tiêu chí này được áp dụng trong một số bảng xếp hạng các Đại học mà Ranking của Thượng Hải là một thí dụ.

Cách xếp hạng của Thượng Hải dùng 6 chỉ tiêu, những chỉ tiêu đặt trọng tâm vào nghiên cứu khoa học (số giải Nobel, huy chương Fields mà cựu sinh viên và nhân viên Đại học nhận, số nghiên cứu gia được dẫn chứng nhiều, số bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí Nature và Science, tỉ số nhân viên nghiên cứu gia trên số bài khoa học và số giải thưởng, ...)

Theo cách xếp hạng này, đại đa số trong 20 trường đầu bảng nằm ở Mỹ, chỉ có Cambridge Oxford và Londre ở  Anh. Đi xuống nữa tới hạng 21, mới thấy tên Đại học Tokyo, đầu tiên của châu  Á trong bảng.

Cách xếp hạng QS  Quacquarelli Symonds. Word University Ranking hay Time Higher Education dựa trên tiếng tăm của Đại học (50% số điểm). Những yếu tố khác : số giảng viên quốc tế (5%), số sinh viên quốc tế (5%), tỉ lệ hay số sinh viên trên số giảng viên (20%) và cuối cùng là số lần tham khảo (cho các nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học của mỗi giảng viên (20%). Trong cách xếp hạng này tuổi của Đại học cũng quan trọng : có những Đại học lịch sử (thành lập từ trên hay bằng 100 năm hay hơn nữa, hạng cuối, những Đại học mới được mở dưới 10 năm nay. Theo cách xếp hạng này thì Oxford, Cambridge và Londre đứng trong top 10.
Cuộc chạy đua xếp hạng các Đại học - 1

Tòa nhà C1 ĐH Bách khoa Hà Nội

Xếp hạng các Đại học tùy theo độ «hiện diện» trên web (webometric). Cách xếp hạng này được khởi xướng bởi phòng thí nghiệm Tây ban nha Consejo Superior de Investigaciones Científicas (CSIC) đo trên mạng theo 4 tiêu chỉ : sự hiện diện toàn cảnh (50% số điểm) số trang trên internet (20%), số tài liệu dưới dạng pdf, doc, ppt et ps (15%) và số bài đăng trên Google Scholar (15%). Khoảng 8000 Đại học được phân tích và xếp hạng như thế.

Theo cách xếp hạng này thì trong 20 trường đầu bảng, chỉ có Đại học Cambridge của Anh đứng thứ 16 còn ngoài ra chỉ toàn là các Đại học Mỹ.  Đài Loan thứ 24 còn Canada và Nhật bản vào hạng hơn 30.

Một cách cực đoan, xếp hạng như thế là cho hạng cao những Đại học giỏi truyền thông trên mạng !

Từ 2009, nhiều bảng xếp hạng khác ra đời : Các Trung tâm lớn ở Paris (theo số cựu sinh viên làm việc cho 500 xí nghiệp lớn nhất thế giới), Moscou (xếp hạng tổng thể), Leiden và Đài Loan (số bài báo từ 11 năm nay) cũng đưa ra nhiều cách xếp hạng khác... Nhưng tựu trung, phần đông các Đại học Mỹ vẫn đứng đầu theo các bảng xếp hạng này .

Xếp hạng và Kiểm định giá trị của các trường Đại học khác nhau.

Trên lý thuyết, tất cả các trường Đại học đều phải dạy tốt, làm tròn bổn phận của mình – một bổn phận cho kết quả tốt – chứ không phải chỉ cung cấp một dịch vụ đào tạo – vì danh tiếng của trường và giá trị của các bằng cấp trường cho tùy thuộc vào giá trị của giáo dục đào tạo trường thực thi.

Đánh giá và tự đánh giá thông thường nằm trong quá trình sinh hoạt bình thường của các Đại học một khi đi vào quy cũ vì những đánh giá thường kỳ cho phép kiểm tra sinh hoạt và cải thiện khi cần.

Giá trị của một Đại học sâu xa hơn thứ bậc mà các cách xếp hạng nói trên đưa ra. Mỗi Đại học cần được đánh giá từ nội tại và từ bên ngoài bởi những cơ quan chuyên môn. Những đánh giá này nghiên cứu tổ chức của Đại học, cơ cấu sinh hoạt, cách quản lý nhân sự và kế toán, sinh viên, cuộc sống của sinh viên trong học trình, kết quả đào tạo, việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, ...Tức là không những về số lượng mà về chất lượng nữa.

Những đánh giá chi tiết như trên trung thực hơn, lại có thể giúp cho Đại học nhân định được rỏ ràng những điểm mạnh và yếu hầu làm tốt hơn. Đồng thời,  các cơ quan hay cá nhân tài trợ Đại học nhờ đó biết được sự hữu hiệu hay không hữu hiệu của tiền mà họ bỏ ra.

Đánh giá Đại học nằm trong một quá trình cầu tiến chứ không phải quá trình chế tài – để phạt hay thưởng. Cũng không phải đánh giá các giảng viên. Cần có những phương thức đánh giá một cách khoa học và trong sáng, được công bố đàng hoàng. Chứ  không phải những phương thức quảng cáo hay quảng cáo trá hình (bằng những số liệu tốt nghiệp, những người nổi tiếng vốn là cựu sinh viên của trường, những hình ảnh đẹp đăng trên các tạp chí). Vì những phương thức trá hình này khiến sinh viên và phụ huynh của sinh viên chọn trường như chọn ... thức ăn ngoài chợ, thiếu cơ sở thông tin chính xác và toàn diện.

Nền tảng của kiểm định giá trị các Đại học

Trong Tuyên ngôn thế giới về Đại học 1998, UNESCO cũng nhìn nhận rằng nhà nước không thể một mình bảo đảm hết chi phí giáo dục Đại học, phải nhờ đến những hợp tác Công-Tư và cả các trường tư hoàn toàn. Nhưng phải bảo đảm giá trị của các trường.

 

Việc này chỉ có thể làm tốt được qua hai đường hướng trong cách điều hành :

  1. các trường có trách nhiệm phải làm báo cáo
  2. các trường phải được đánh giá, bởi những đánh giá nội tại và những đánh giá từ bên ngoài

Điều 11 của Tuyên ngôn ấy nhấn mạnh rằng khái niệm về giá trị của giáo dục đại học là một khái niệm có nhiều mặt. Các trường phải biết tự đánh giá và thường xuyên được đánh giá bởi các chuyên viên độc lập, đến từ bên ngoài, nếu có thể được là những chuyên viên quốc tế. Những mẫu để đo giá trị của giáo dục Đại học cần được sớm thống nhất và công bố. Những kiểm định giá trị thường xuyên giúp bản thân trường Đại học có khả năng thực hiện tốt hơn sứ mạng của mình.

Trong tuyên bố 2009, UNESCO nhắc lại : Cần có những thông tin và sự trong sáng về các mục tiêu và kết quả của mỗi trường.

Đánh giá gì và đánh giá bởi ai ?

1. Vai trò chính của một Đại học là đào tạo khoa học kỹ thuật. hoặc khoa học xã hội, nhân văn. Đánh giá nội dung và phương pháp đào tạo là tối cần thiết. Một nội dung chuyên môn hiện đại, thích hợp với nội dung mới nhất của chuyên môn, thích hợp với nhu cầu và hoàn cảnh xã hội hiện tại và cho tương lai gần, thích hợp với khả năng tiếp thu của sinh viên và được trình bày bằng những phương pháp tốt nhất cho bối cảnh đặc thù của mỗi Đại học.

2. Bên cạnh đó, những phương thức tuyển sinh, tiếp đón hướng dẫn sinh viên mới, những điều kiện vật chất để học và sống của tất cả sinh viên, tỉ lệ đậu rớt, khó khăn và thuận lợi của sinh viên cũng phải được nêu ra, kiểm định hầu tìm phương thức tốt nhất cho sinh viên học thành tài.

3. Đánh giá những khó khăn và thuận lợi của cựu sinh viên trong quá trình khởi nghiệp. Đó là một thước đo rất tốt để biết giá trị xã hội của bằng cấp mà Đại học đào tạo hay “cho ra lò”.

4. Đánh giá những nghiên cứu khoa học của những cá nhân và của toàn trường theo những bậc thang của thế giới (số bài báo trên các tập san khoa học quốc tế, số lần dẫn chứng bởi các khoa học gia khác, số bằng phát minh, ...). 

Ở Mỹ, Đại học trả lương các nhà khoa học trên cơ sở này.

5. Đánh giá cách tổ chức, cách quản lý và những đường hướng phương thức của toàn Đại học. Ngân quĩ của Đại học có được tiêu xài tốt nhất hay không ? Thông thường, đánh giá này phải nhờ một cơ quan bên ngoài, độc lập với Đại học, được thừa nhận  và có khả năng chuyên môn cao.

Hiện thời, với triết lý tự lập, tự chủ, trách nhiệm và tự do hàn lâm cho các Đại học, chính quyền (bộ Giáo dục, Chính phủ, ...) phải phân biệt rỏ ràng ranh giới giữa kiểm định và tài trợ (tài trợ cho Đại học hay không là quyền của quốc gia nhưng kiểm định Đại học phải giao cho cơ quan độc lập, trung thực và có khả năng cần thiết !).

6. Đánh giá tổng thể Đại học trong bối cảnh kinh tế, lịch sử và xã hội : đường hướng và chính sách của Đại học có cần, có ích và có phù hợp với xã hội hay không. Đánh giá ở qui mô cao. Cụ thể, đặt vào trường hợp của kỳ tuyển sinh vừa rồi ở nước ta, đánh giá này có thể giúp ta tránh được cái dở khóc dở cười của những trường phải đóng cửa một số ngành chẳng hạn.

7. Điều cuối cùng : phải công bố tất cả các đánh giá. UNESCO 2008 đã nhắc lại : Cần có những thông tin và sự trong sáng về các mục tiêu và kết quả của mỗi Đại học, giúp sinh viên có thêm cơ sở để chọn trường.

Những cách đánh giá này đã và đang được các cơ quan dưới đây dùng :

Pháp : Cơ quan đánh giá nghiên cứu và giáo dục Đại học (Agence d'Evaluation de la Recherche et de l'Enseignement Supérieur AERES).

Bỉ : Cơ quan đánh giá chất lượng giáo dục Đại học (Agence pour l'Evaluation de la Qualité de l'enseignement Supérieur).

Châu Âu : Hội những Đại học Âu châu (Association Européenne des Universités EUA).

Tổng cộng, những cơ quan này qui tụ hơn 500 nhà nghiên cứu và hơn 6000 chuyên gia.

Kết luận

Trong một xã hội ổn định và trong một nền kinh tế thị trường nề nếp, với những tổ chức phi vụ lợi cung ứng những quĩ khổng lồ cho giáo dục, qui luật cạnh tranh thị trường có thể đủ để chế tài các trường Đại học (trường tốt thì sinh viên giỏi, tốt nghiệp xong dễ kiếm được việc làm và rốt cục trường sẽ tuyển sinh được nhiều hơn, chẳng hạn).

Ta hiện đang cần đi tới sự tự chủ của các Đại học và sự tự do hàn lâm. Thế nên, đánh giá và tự đánh giá các Đại học rất là cần thiết. Tiền đề phải đặt ra ở đây là sự trung thực của đánh giá và đạo đức của Giáo dục Đại học - không vụ lợi- . Đào tạo thế hệ tương lai là đào tạo thế nào cho tốt nhất và phải nằm ngoài kinh tế thị trường hay luật cung cầu.

Nói một cách nôm na : làm sao cho trò và thầy đi học và đi dạy theo đúng nghĩa của nó, chứ không phải đi chợ hay kinh doanh.

                                                                 Nguyễn Huỳnh Mai
Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí-Qua bài viết trên, tác giả giúp bạn đọc trong nước biết một cách khái quát cách xếp hạng cũng như đánh giá cụ thể chất lượng đào tạo của mỗi trường đại học. Đây cũng vấn đề đang được quan tâm ở trong nước và Bộ GD-ĐT đã đưa ra những tiêu chí cụ thể để các trường tự đánh giá và cũng là cơ sở để các đoàn thanh tra của Bộ xem xét kết quả hoạt động của trường khi cần thiết.

Hy vọng rằng bài của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai từ Bỉ gửi về sẽ đóng góp thêm tài liệu tham khảo và giúp ích thiết thực cho việc đánh giá kết quả đào tạo của mỗi trường nhằm  nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở bậc đại họ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm