Bạn đọc viết:
Cử nhân thời @: Đi về đâu hỡi em…
(Dân trí) - Tỉnh nào, ngành nào bây giờ cũng có trường đại học. Từ trung cấp lên thẳng cao đẳng và thế là mất một trường trung cấp tốt để có một trường cao đẳng chất lượng thấp. Đặc biệt còn có trường trung cấp lên thẳng…đại học (???)
Với tốc độ phát triển các trường đại học như nấm sau mưa, từ năm 1997 mới có khoảng 130 trường đến năm 2014 đã có tới 471 trường... Cấp nào có thẩm quyền được phép ra quyết định công nhận thành lập trường đại học? Họ có suy nghĩ về hậu quả không?
Còn về giáo viên, theo tôi được biết, có nhiều người văn hoá lớp 7, lớp 10 (cũ) rồi học bổ túc, học tại chức để cũng thạc sĩ, cũng nhà giáo ưu tú... Trình độ như vậy nên họ đào tạo ra những cử nhân không biết làm việc cũng chỉ là… chuyện nhỏ!?
Trong khi chỉ cần nhìn sang ngay các nước lân cận Việt Nam ta như Lào, Thái Lan, Trung Quốc… đã thấy các trường đại học đều có môi trường sư phạm nghiêm túc. Cổng trường có cảnh sát đứng gác, trong khuôn viên trường không hề có tiếng còi xe ô tô, xe gắn máy… Trong căng tin rất trật tự, không ồn ào. Thư viện của trường thật đáng nể với nhiều sinh viên tới đọc sách, nghiên cứu, làm việc trên máy tính…. Nói chung là không khí học tập thấy rõ là học thật và rất nghiêm túc .
Bộ Giáo dục Đào tạo nghĩ gì để đổi mới về căn bản, toàn diện hay càng “cải” lại càng chỉ tốn tiền đóng thuế của dân?
800 tỷ để đổi mới SGK phổ thông, vậy còn đổi mới trương trình đại học cần bao nhiêu tỷ nữa, thưa Bộ???
Trong khi đó nền giáo dục nước nhà vẫn thế: từ hang cùng ngõ hẻm, từ vùng sâu vùng xa tới các tỉnh thành, có thể nói đâu đâu cũng bị dân kêu về “nạn” đóng góp khiến người dân đã nghèo càng khốn khó vì ử phải è cổ, hy sinh mọi thứ để cho con có cái Chữ!?
Luật Giáo dục vận dụng ở đâu vì thời trước đất nước còn vô vàn khó khăn mà đâu có vậy? Và với tính trạng vẫn rối beng như thế, các cử nhân thời @ có lẽ còn phải dài dài ngán ngẩm ca vang điệp khúc "Đi về đâu hỡi em..."
Lê Thảo Nhung