Bạn đọc viết:

Định hướng cải cách Giáo dục đừng "kéo lùi lịch sử"!

(Dân trí) - Chưa bao giờ các trường đại học lại được mở tràn lan như bây giờ - tỉnh nào, ngành nào cũng có trường đại học. Trong khi đó công nhân thì thiếu, đào tạo kiểu lấy số lượng chứ chất lượng kiểu cơ chế thị trường thì "chết" vì sản phẩm là con người. Mong ngành giáo dục nước ta hãy định hướng cho đúng, đừng "kéo lùi lịch sử"!

Tất cả mọi người dân Việt Nam (VN) đều quan tâm đến giáo dục. Dân tộc VN là dân tộc hiếu học, ai cũng muốn con em mình được học hành với niềm tin phải qua trường lớp giáo dục thì mới nên người.

Đảng và Nhà nước coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục là tường cột của quốc gia. Vậy mà GS TS Nguyễn Xuân Thu - Giám đốc tổ chức Chất lượng giáo dục Quốc tế (Úc) lại nhận xét (trên báo Dân trí trong bài về triết lý giáo dục): “Giáo dục VN đang bị khủng hoảng xuất phát từ chính sách yếu, các văn bản luật không định lượng được, thiếu minh bạch, còn bảo vệ lợi ích cục bộ, không nghiêm trong thi hành, chưa nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình thực tế trong nước và quốc tế”. Hơn nữa GS còn cho rằng: Bộ GDĐT không biết định hướng, chức năng của Bộ là xác định chính sách, xây dựng chương trình hành động chứ không phải bắt tay trực tiếp thực hiện những việc cụ thể.

Nhìn lại quá khứ khi đất nước còn khó khăn, Đảng và Chính phủ đã quan tâm đến “mặt trận” giáo dục... Giáo dục phổ thông thời kỳ đó đảm bảo về cả số lượng và chất lượng , đã đào tạo nên một lớp người có trình độ văn hoá, có lý tưởng sống, dám hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, dám sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần . Ở nông thôn tuy trình độ có khi chỉ mới lớp 4 nhưng nhiều người đã đảm nhiệm được vị trí chủ nhiệm hợp tác xã, biết tính toán làm thuỷ lợi... Đó là thành quả của giáo dục hệ 10 năm.

Ngày nay qua thời kỳ cải cách giáo dục, để phù hợp với trào lưu quốc tế, giáo dục đã có những bước phát triển. Đảng , Chính phủ quan tâm đến Bộ GDĐT cùng các vụ viện như: Viện chiến lược và chương trình Giáo dục cùng hàng chục viện và học viện...được thành lập với rất nhiều dự án dành cho giáo dục. Mỗi dự án hàng chục, hàng trăm triệu đô la vốn vay của Ngân hàng Thế giới mà con cháu ta phải trả nợ. Chưa tính đến hàng ngàn cán bộ công chức trong ngành, họ đã làm gì cho giáo dục nước nhà?

Nhiều chính sách liên tục đổi mới của Bộ làm cho các trường xoay xở không kịp, phụ huynh và học sinh luôn trong tình trạng lo lắng. Đồng ý là cải tiến nhưng phải trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp đã được tích luỹ. Bộ GDĐT cần có chính kiến của mình, không nên học mỗi nước một ít như kiểu "đẽo cày giữa đường".

Theo tôi, sở dĩ thế là do đã sai lầm ngay từ khâu sáp nhập hai Bộ Giáo dục và Đại học. Bộ Giáo dục lo phát triển giáo dục phổ thông là vừa, còn bộ Đại học vừa lo phát triển dạy nghề, vừa đào tạo cán bộ khoa học thì làm gì có chuyện phân tầng giáo dục đại học. Chất lượng giáo dục đại học ngày nay không xứng tầm trong khu vực, đừng nói gì đến thế giới. Đào tạo như vậy làm mất thời gian ít nhất cũng 4 năm của đời người, nên thành ra làm gì hầu như cũng phải đào tạo lại. Đó là một sự lãng phí mà con em chúng ta phải gánh chịu.

Hơn nữa tư duy “học để làm quan” còn ngự trị thì các trường dạy nghề ngày càng teo tóp. Một sai lầm nữa là sáp nhập Cục Bảo vệ bà mẹ trẻ em vào Vụ Mầm non, thực chất là giải thể Cục Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dẫn đến tình trạng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ không được nhà nước quản lý ???

Đã học thì phải thi, thế giới cũng vậy. VN tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học là phù hợp, không gây xáo trộn cho xã hội. Còn lấy lý do là tốn kém thì tôi thấy... kỳ lạ thật!? Học sinh đã phải đóng lệ phí thi và ngân sách nhà nước chi, cán bộ ăn lương nhà nước thì phải làm việc cho đúng nhiệm vụ chức năng, chứ làm gì thêm cũng phải có tiền thì chỉ chết dân thôi! Đúng là loạn kiểu “văn hoá phong bì” khiến cho có những công chức tiền đi họp nhiều hơn tiền lương???

Việc không chấm điểm cho học sinh tiểu học, xem ra học sinh và phụ huynh đều không muốn vì phụ huynh không biết con mình yếu ở điểm nào để kèm cặp thêm. Việc học theo nhóm theo lý thuyết có thể rèn luyên kỹ năng làm việc theo nhóm. Nhưng ở nước ngoài mỗi lớp chỉ tối đa 20 học sinh, còn ở VN mỗi lớp tới 50 - 60 em , không còn chỗ cho giáo viên len chân, hỏi làm sao mà đến từng bàn hướng dẫn. Còn nhận xét từng môn cho các em cũng trừu tượng, học như thế không biết kiến thức các em thu được bao nhiêu? Nhất là học sinh lớp 4, 5 chuẩn bị vào lớp 6.

Không chấm điểm cho học sinh tiểu học, giáo viên cũng lao đao. Có giáo viên bộ môn phải dạy đến 10 lớp mỗi lớp 50 đến 60 học sinh, phải nhận xét hàng trăm quyển vở. Hỏi còn thời gian đâu soạn bài, học tập và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ?

Còn chuyện nực cười, giáo viên tiếng Anh cũng không được nhận xét bằng tiếng Anh mà phải bằng tiếng Việt!? Giáo viên người nước ngoài thì... bó tay.com!

Về chương trình học, Bộ GDĐT phải có chính kiến của mình. Cải tiến cũng phải kế thừa những ưu việt mà mình có được, ví dụ chương trình toán học của VN được các nước như Singapore ca ngợi là rất hay mà họ không có được. Nhưng cải tiến kiểu "đẽo cày giữa đường" thì càng khổ dân và (nói khó nghe hơn là)... “ngu dân”!?

VN có rất nhiều học sinh giỏi toán, lý, hoá đi thi quốc tế đoạt nhiều giải. Có biết bao thầy giỏi và trò giỏi, phải phát huy và kế thừa chứ.

Về chất lượng GDĐT: chưa bao giờ các trường đại học lại được mở tràn lan như bây giờ - tỉnh nào, ngành nào cũng có trường đại học. Trong khi đó công nhân thì thiếu, đào tạo kiểu lấy số lượng chứ chất lượng kiểu cơ chế thị trường thì... "chết" vì sản phẩm là con người. Một học sinh tốt nghiệp đại học mà không viết nổi lá đơn xin vào công đoàn ngành, không biết làm báo cáo thống kê... Nhiều doanh nghiệp không biết trả lương thế nào cho những cử nhân có bằng đại học mà không làm được việc. Họ chỉ đáng trả lương theo trình độ trung cấp mà thôi.

VN đang thừa thạc sĩ và tiến sĩ “giấy”, đến nỗi cái đinh ốc, cái vỏ bọc USB cũng không làm nổi, thua Lào và Campuchia là cái chắc.

Mong ngành giáo dục nước ta hãy định hướng cho đúng, đừng "kéo lùi lịch sử"!

Lê Thảo Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm