Bạn đọc viết

Công sở ngàn tỉ có xứng với chất lượng hành chính công

(Dân trí) - Điều mà nhân dân mong muốn là “y phục xứng kỳ đức”, ngồi trong những tòa công sở sang trọng đầy đủ tiện nghi kia phải là những công chức thực sự, tận tụy với công việc đảm trách ...

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Ngày 23-4, tỉnh Lâm Đồng chính thức khánh thành Trung tâm hành chính với tổng mức đầu tư 1.014 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Như vậy, cùng với Bình Dương, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng có Trung tâm hành chính ngàn tỉ . Các địa phương khác như Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Hải Dương, Bình Định... cũng đang gấp rút tăng tốc cho “cuộc đua” để trong một tương lai không xa có Trung tâm hành chính ngàn tỉ.

Trong cuộc đua chưa có hồi kết ấy, nếu tính theo dự toán, có lẽ Khánh Hòa xứng đáng là quán quân với chi phí cho việc xây dựng trung tâm hành chính tỉnh ước tính lên đến 5.500 tỉ đồng!

Nhìn vào những trụ sở hành chính nguy nga như cung điện ở các địa phương, ai dám bảo nước ta không giàu? Ngay một tỉnh vẫn còn thuộc diện nghèo như Quảng Nam, dù chưa có trung tâm hành chính để sánh vai cùng các địa phương khác nhưng cũng đã kịp xây cho mình một khu nhà khách hoành tráng có cả phòng nghỉ dành cho nguyên thủ quốc gia vừa mới khánh thành cách đây chưa lâu.

Phú quí sinh lễ nghĩa. Khi đã có của ăn, của để thì chưng diện một chút cũng là hợp lẽ trời đất vậy. Huống chi công sở là nơi thể hiện bộ mặt của một địa phương, chẳng ai lại thích bộ mặt “nhem nhuốc” cả. Nhưng, liệu chúng ta đã có của ăn của để chưa khi mà cuộc sống của người dân lao động vẫn còn nhiều vất vả, cực nhọc? Những ngày vừa qua, cộng đồng đang chung tay góp sức “giải cứu” hết dưa hấu lại đến hành tím cho bà con nông dân ở miền Trung, ở Nam Bộ. Tỉnh Khánh Hòa lại vừa mới đề nghị trung ương hỗ trợ 1000 tấn gạo cứu đói. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Những công sở nguy nga ấy có thật sự cần thiết trong lúc này khi đặt nó trong tương quan với đời sống kinh tế xã hội của đất nước và chất lượng phục vụ của nền hành chính công hiện nay?

Theo số liệu vừa được Bộ Tư pháp công bố, trong 10 tháng đầu năm 2014, có hơn 9.017 văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến, trái luật được phát hiện. Bộ này dẫn chứng, một số nghề như sửa chữa mô tô, xe đạp; chạy xe ôm... cũng được một số tỉnh ra văn bản bắt đăng kí kinh doanh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải chấn chỉnh việc ban hành văn bản; yêu cầu thực hiện đúng các quy định của pháp luật về soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương khẩn trương tự kiểm tra, xử lý theo quy định. Quy trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái Nghị định 40 và pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức để báo cáo Thủ tướng trong quý II/2015”.

Đấy là chuyện ban hành văn bản pháp qui. Còn việc quản lí nhà nước thì sao? Những vụ dê, gà, nhím lạc vào nhà quan, và mới đây nhất là vụ triển lãm ảnh “Hoa nơi chiến trường” xuyên tạc sự thật cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc gây bức xúc dư luận là những minh chứng hùng hồn cho sự non kém trong công tác quản lí nhà nước ở các địa phương. Chỉ khi nào dư luận phát giác, báo chí, mạng xã hội lên tiếng thì các cơ quan công quyền mới… “giật mình” trước việc đã rồi! Khi vụ việc được xử lí (thường là rất chậm trễ) thì tai tiếng cũng đã vượt tầm kiểm soát bởi thời đại thông tin công nghệ số sự lan truyền trong dư luận còn nhanh hơn… điện!

Đánh giá về đội ngũ công chức hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

Cho nên, điều mà nhân dân mong muốn là “y phục xứng kỳ đức”, ngồi trong những tòa công sở sang trọng đầy đủ tiện nghi kia phải là những công chức thực sự, tận tụy với công việc đảm trách chứ không phải là những kẻ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” để rồi tùy hứng vẽ ra những dự án trên mây, những văn bản pháp qui vi hiến, lơ là trách nhiệm, chỉ biết thu vén cá nhân nhưng lại hết sức vô cảm trước nỗi vất vả khốn khó của người dân.

Nguyễn Duy Xuân