Có sơ hở về việc quy định quy trình bổ nhiệm cán bộ

Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư - đã nói như vậy với phóng viên về việc dư luận đang xôn xao nhiều người thân của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh được bổ nhiệm làm lãnh đạo tại các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Ông Thưởng nhấn mạnh: Trong luật mới chỉ quy định việc cấm bổ nhiệm người nhà lãnh đạo giữ những chức danh về vấn đề tài chính, kế toán, còn những chức danh hành chính thì chưa có quy định cấm.

Có sơ hở về việc quy định quy trình bổ nhiệm cán bộ - 1

Ông Lê Quang Thưởng. Ảnh: X.H

Lùm xùm chuyện 2 nhân vật “sáng giá” được bổ nhiệm “đúng quy trình” ở Bộ Công thương Tin khó tin: Rất dài và rất nhanh… là Formosa làm biển chết, rất “đúng quy trình” là anh Thanh – Lexus ở Hậu Giang Đừng im lặng: Quy trình bổ nhiệm và người nhà anh Triệu Tài Vinh

“Không thể đưa đạo đức gia đình vào cơ quan để làm việc được”

Gần đây, thông tin trên mạng xã hội lan truyền việc người thân của ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - được bổ nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Cụ thể là bà Phạm Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là vợ của ông Triệu Tài Vinh; 3 em trai ông Vinh là ông Triệu Tài Phong - Bí thư Huyện ủy huyện Quang Bình; ông Triệu Sơn An - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; ông Triệu Tài Tân - Phó Giám đốc viễn thông Hà Giang; em gái ông Vinh là bà Triệu Thị Giang là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Giang; ông Mạc Văn Cường (em rể ông Vinh) là Phó Công an TP.Hà Giang… Ngoài ra còn một số chức danh khác trong tỉnh là anh em họ hàng với ông Vinh.

Xác nhận với báo chí về thông tin này, ông Triệu Tài Vinh đã khẳng định mấy người trên đều là người thân của ông, và đang giữ các vị trí lãnh đạo trong các ban, ngành của tỉnh. Ông Vinh cũng nhấn mạnh việc bổ nhiệm không có gì khuất tất, thực tế đã được chứng minh qua năng lực, hiệu quả làm việc của những người này. Ông Vinh cũng cho hay, vừa qua đã có cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Theo đó, sau khi kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận việc bổ nhiệm cán bộ của tỉnh là đúng quy trình.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 - cho biết: Về vấn đề ai tốt, ai xấu trong số những người thân của ông Triệu Tài Vinh đang nắm giữ các cương vị trong tỉnh Hà Giang thì tôi không có ý kiến, vì không đánh giá được. Nhưng với tư cách là người từng giữ cương vị lãnh đạo Quân khu 4, tôi cho rằng đã làm lãnh đạo thì không nên đưa con cháu trong gia đình vào làm cùng trong cơ quan, và không nên bổ nhiệm người nhà giữ các vị trí lãnh đạo, vì khó nói lắm.

“Người làm lãnh đạo phải hiểu rõ vấn đề ở đây là, Nhà nước thì điều hành theo luật pháp, còn gia đình thì điều hành theo đạo đức, mà người nhà đưa vào cơ quan thì không thể dùng đạo đức để làm việc được, mà dùng luật pháp để áp dụng đối với người thân thì lại càng khó, không thể bảo được. Do vậy, không thể đưa người nhà vào cơ quan hoặc để bổ nhiệm các chức danh để tập hợp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân được. Ví dụ, tôi làm lãnh đạo mà lại bổ nhiệm vợ vào giữ chức vụ cao trong cơ quan, đơn vị thì khó nói lắm. Tôi mà nói thì về nhà bà ấy mắng tôi chết” - ông Thước nói.

Quy trình bổ nhiệm đúng hay “giả vờ” đúng?

Nói về quy trình bổ nhiệm người nhà lãnh đạo vào giữ các vị trí lãnh đạo tại một số sở, ban, ngành, địa phương của Hà Giang, ông Lê Quang Thưởng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư - cho rằng, hầu như những vụ việc “cả nhà làm quan” đều không bình thường. Tuy nhiên, với vụ việc cụ thể ở Hà Giang mà báo chí vừa phản ánh thì cũng cần xem xét rõ mới kết luận được, vì Hà Giang là một tỉnh biên giới, và những người được đề cập đến là người dân tộc nên chính sách cũng có phần “nương nhẹ” hơn.

“Trong luật mới chỉ quy định việc cấm bổ nhiệm người nhà đối với những vấn đề về tài chính, kế toán, còn những chức danh hành chính thì chưa có quy định cấm nào” - ông Thưởng nói.

Ông Thưởng nhấn mạnh: Theo tôi, khi có dư luận về việc cả nhà làm quan này thì phải có thanh tra, kiểm tra vào cuộc, làm rõ và trả lời dư luận, đừng để nhân dân xì xào làm giảm niềm tin vào công tác cán bộ.

Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư - cho rằng, đây không phải là trường hợp đầu tiên cũng như hy hữu ở Việt Nam về việc nhiều người trong một gia đình, trong một dòng họ cùng làm quan chức ở tỉnh, thậm chí cùng một huyện mà báo chí phản ánh rất nhiều trong thời gian qua.

Ông Hùng nhấn mạnh: Tôi cảm thấy dường như họ đang muốn trở lại giống như thời xưa được làm vua, rồi “Con vua lại được làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Dù họ có giải thích, khẳng định việc bổ nhiệm được thực hiện đúng quy trình thì cũng cần làm rõ quy trình ở đây thế nào. Hay quy trình của họ là quy trình “giả vờ”, cho lấy ý kiến nhưng lại chỉ đạo mọi người phải bỏ phiếu tập trung rồi, như vậy thì quy trình còn có ý nghĩa gì nữa. Vì thế, cần làm rõ quy trình này.

Ông Hùng cũng cho rằng, hiện nay chúng ta đang có sơ hở về việc quy định quy trình bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là việc bổ nhiệm những người là người thân trong gia đình lãnh đạo, vì vậy cần phải có cơ chế, điều luật cụ thể quy định việc bổ nhiệm này.

XUÂN HẢI - VŨ THU

(Theo báo Lao động)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm