Có nên duy trì chuyện tặng quà đại hội?
Việc chi hàng tỷ đồng để tặng quà đại biểu dự đại hội Đảng bộ là sự lãng phí khi nền kinh tế đang khó khăn, dịch COVID-19 hoành hành, người dân còn vất vả mưu sinh.
Truyền thông những ngày qua rộ lên chuyện các địa phương triển khai gói thầu mua quà tặng đại biểu dự đại hội các Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, tỉnh Quảng Bình bỏ ra 2,2, tỷ đồng ngân sách mua cặp giả da, mỗi chiếc có giá giao động từ 3,5 đến 3,7 triệu đồng.
Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận về kế hoạch “vung tay quá trán” trong bối cảnh địa phương chưa thoát nghèo, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh này quyết định hủy bỏ toàn bộ các gói thầu trị giá 2,2 tỉ đồng nói trên.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phan Thanh Cường - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình cho hay, đây là quyết định hủy bỏ toàn bộ các gói thầu, còn quà tặng thì “Văn phòng Tỉnh ủy sẽ cân nhắc kỹ và thực hiện các thủ tục mua sắm cặp đựng tài liệu với mức giá phù hợp, thấp hơn”. Thế có nghĩa là việc tặng cặp da vẫn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt, chỉ có điều là “mức giá phù hợp, thấp hơn”.
Sau Quảng Bình, đến lượt Lâm Đồng thông qua gói thầu trị giá gần 1,2 tỷ đồng mua sắm cặp tài liệu phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết: “Giá trị quà theo quy định 3 triệu đồng nhưng địa phương chỉ mua hơn 2 triệu đồng. Tiền này trích từ nguồn kinh phí của Trung ương cấp và địa phương chuẩn bị cho đại hội, được phê duyệt từ đầu năm”.
Vậy là việc mua quà tặng đại hội không phải là hiện tượng đơn lẻ mà đã có chủ trương chung, mức chi được phê duyệt và cấp kinh phí từ đầu năm.
Chuyện tặng quà nhân dịp đại hội Đảng các cấp dường như đã thành thông lệ mấy chục năm nay. Thời bao cấp, do diều kiện kinh tế khó khăn, quà tặng đơn giản chỉ là cuốn sổ tay ghi chép kèm cây bút bi. Thế rồi, theo đà phát triển của kinh tế xã hội, quà tặng dịp đại hội cũng được nâng cấp dần, có giá hàng triệu đồng một món, như cặp giả da theo dự tính của tỉnh Quảng Bình nói trên.
Điều đáng quan tâm là số tiền chi mua quà cho đại hội từ cấp cơ sở trở lên là rất lớn bởi số người được tặng nhiều, cộng với các khoản chi khác thì kinh phí dành cho đại hội là không hề nhỏ.
Theo dõi hình ảnh báo chí đưa tin về đại hội Đảng bộ ở các địa phương trong thời gian qua, không khó để có một nhận xét chung, đại hội nào cũng được tổ chức rất hoành tráng. Có đại hội phông màn lòe loẹt, khẩu hiệu vàng chói, đoàn chủ tịch ngập trong rừng hoa – hoa trang trí, hoa chúc mừng…
Tổ chức một kỳ đại hội tất nhiên đòi hỏi sự tốn kém nhưng như thế không có nghĩa là cứ vung tay quá trán để phô trương hình thức. Trong lúc kinh phí dành cho đại hội đều lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước (như kế hoạch chi Quảng Bình, lâm Đồng). Quả là sự lãng phí không cần thiết khi nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, đại dịch COVID-19 hoành hành, người dân còn vất vả trong cuộc mưu sinh.
Thiết nghĩ, đây là vấn đề cần được các cấp ủy Đảng quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện tại, Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện triệt để chủ trương thực hành tiết kiệm. Hơn ai hết, tổ chức Đảng các cấp phải luôn đi đầu và gương mẫu trong việc chi tiêu ngân sách. Đảng viên tham dự đại hội là tinh hoa của Đảng, phải thể hiện sâu sắc phẩm chất cao quý của người cộng sản, không màng danh lợi, tận tụy phấn đấu, hy sinh vì hạnh phục của nhân dân.
Để làm được điều đó, cần mạnh dạn cải cách công tác tổ chức đại hội. Nên xem đại hội là hoạt động bình thường của tổ chức Đảng. Nhân dân quan tâm và trông chờ kết quả đại hội về chủ trương, đường lối vạch ra có phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, chính trị, kinh tế địa phương, đất nước; về đội ngũ lãnh đạo được bầu ra có đảm bảo tiêu chuẩn tài đức hay không chứ không phải ở hình thức tổ chức hoành tráng, tốn kém.
Theo đó, một đại hội nên thực hiện 4 “không”: Không trang hoàng lòe loẹt, bài trí thảm hoa; không nhận lẵng hoa, quà chúc mừng, tiền tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp; không tặng quà đại biểu, khách mời; không tổ chức đoàn đại biểu các đoàn thể chào mừng.
Vừa rồi, khán giả truyền hình rất ấn tượng với lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Ngoại giao. Buổi lễ được tổ chức giản dị mà trang trọng trong không khí tôn nghiêm, không hề có thảm hoa trang trí hay lẵng hoa chúc mừng chưng trên lễ đài. Ngay cả trên bục phát biểu của lãnh đạo cũng không có hoa bài trí.
Một lễ kỷ niệm giản dị, tiết kiệm như thế, tại sao lại chưa trở thành nếp văn hóa phổ biến của thời hiện đại?