Bạn đọc viết:

Chợ quê thấm đượm hồn Việt

(Dân trí) - Ở đâu có con người, ở đó có chợ. Chợ quê không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, gắn bó mật thiết với đời sống người nông dân VN, mà nó còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng mộc mạc, giản dị vô cùng mà vẫn mang những nét riêng.<br><a href='http://dantri.com.vn/dien-dan/tu-duy-moi-trong-giang-day-khong-phai-cu-noi-la-lam-duoc-943152.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Tư duy mới trong giảng dạy: Không phải cứ nói là làm được!</b></a>

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
Dẫu chợ quê mỗi nơi một vẻ nhưng dường như nó vẫn mang một cái dáng dấp rất chung: chỗ nào có cư dân sinh sống thì chỗ đó có chợ. Từ khắp các miền quê đến cả vùng sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt... Từ những phiên chợ nổi cho tới những phiên chợ vùng cao với vô vàn sản vật làm say đắm lòng người.
Điều mà cho dù bất cứ ai đến với những phiên chợ ở các vùng quê xưa cũng đều cảm nhận, bởi nó thật giản dị và tiện dụng đó là: chợ thường họp trên bãi đất rộng, cũng có khi chỉ ở đầu cây cầu và cũng có khi ở trên mặt đê hay bên gốc đa, cây bàng… với  dăm ba cái lều thấp lợp rạ mỏng, sang hơn thì có vài cái quán lợp ngói.
Mỗi nơi có một quy ước ngày họp chợ. Cứ dăm ba ngày chợ lại họp một phiên nhưng các phiên của mỗi chợ trong cùng khu vực không bao giờ trùng ngày để tạo điều kiện thuận tiện cho bà con đến giao lưu, buôn bán và trao đổi hàng hóa.

Nét độc đáo của chợ quê là người ta họp từ rất sớm và tan cũng sớm. Có chợ mới chỉ đến tầm 8, 9 giờ sáng đã vãn người, và nếu vào những ngày mùa bận chợ còn tan sớm hơn.

Vào những tháng nông nhàn, khi đã xong mùa vụ cũng là lúc những phiên chợ  đông người nhất. Chợ quê bán đủ thứ nhưng chủ yếu là những sản vật, những thứ sẵn có ở trong nhà, từ mớ tôm, mớ tép, mớ rau đến mấy con gà, con vịt... Có những bà, những mẹ đến chợ chỉ bán dăm ba lá trầu, quả cau, mấy nải chuối, vài cái chổi… để cho đỡ nhớ chợ. Họ bảo thế. 

Ðến chợ hầu hết mọi người đều quen biết nhau nên chẳng mấy khi có cảnh bon chen, giành giật, nói thách. Khách mua đồ ăn, thức uống thường được dùng thử, ngon thì mua, không ngon lần sau ghé lại xem có khá hơn không. Có lẽ vì thế mà người ta thường bảo: muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa hay tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến chợ. Vì chỉ có ở chợ, nhiều vấn đề mới được bộc lộ một cách chân thực, sống động và hồn nhiên nhất.

Quả đúng vậy. Người dân quê tôi dường như ai cũng thích đi chợ, không mua sắm thì đi ngắm, đi chơi, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Người quê tôi nghèo nhưng chất phác chân tình. Họ chẳng ngần ngại cho người mua nợ tiền đến phiên chợ sau, nhất là khi lâu ngày không gặp được người quen, họ lại sẵn sàng cho, biếu nhau mớ rau, túm quả mà không lấy một đồng...

Cứ như thế chợ quê tôi gắn kết tình người, tình chợ theo tháng năm mà chẳng hề thay đổi. Cũng đã có biết bao những người gặp gỡ kết bạn, nên duyên vợ chồng nhờ những phiên chợ quê bình dị ấy...

Ngày nay dẫu theo thời gian, kinh tế phát triển đã làm khung cảnh chợ quê khác xưa nhiều lắm. Nhưng không phải vì thế mà chợ quê mất đi cái hồn Việt duyên dáng, mộc mạc, chân tình.

 Những phiên chợ ngày nay không chỉ vẫn cứ họp đều đặn theo phiên mà còn lưu giữ nếp sinh hoạt cũ, vẫn họp chợ từ lúc sáng tinh mơ đến tầm nửa buổi sáng. Và đến với những phiên chợ quê ngày nay dường như ta vẫn tìm thấy những hình ảnh rất đỗi thân thương, gần gũi bởi cái chân chất của từng sản vật theo mùa vụ, cùng những món quà quê dân dã mà thắm đượm cả tình lãng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau...

Minh Tư: mtu.tdh@moet.edu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm