“Chạy” công chức: Thực và Ảo

(Dân trí) - Kịch tính trong kịch bản hài được dư luận đẩy lên một đỉnh cao mới, sau khi nhận được thông tin rất đáng lạc quan rằng chuyện 100 triệu chạy chức ở Hà Nội chỉ là tin đồn thổi, còn qua thanh kiểm tra không hề thấy bóng chim tăm cá...

Chuyện không thể có

 

Chuyện không thể có

 

Theo kết luận “đẹp” của ngành chức năng như thế, chỉ có thể quay lại tự trách dân mình với nhau vì sao hay thích đồn thổi, rồi lại còn chuyện “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” và chuyện bé cứ thích xé ra to…Tựu trung lại, lỗi vẫn là ở… dân!!! Ít nhất là kể cả nếu những lời đồn đó là có cơ sở, thì dân không muốn chạy chọt, giới chức nào ép được??? Mà giới chức người ta cũng... thương mình thì mới giúp chứ, tiền có đáng là gì...nhỉ???

 

Vậy nên tâm trạng chung của nhiều người dân khi hay tin mà có lẽ phải tới 99% đã đoán được trước, là lại thêm những ý tưởng vui vui mới để hoàn thiện nốt kịch bản có tên gọi "Chạy chức 100 triệu" này với đủ cả lời thoại, gợi ý, bình luận…theo kiểu vui là chính:

 

“Nghe báo cáo của Sở Nội vụ mà… toát cả mồ hôi. Vỗ tay cho hoạt động " tích cực, có hiệu quả" của Sở nào!!!” – nick Chán:  mauxanhduong0211@yahoo.com.vn

 

“Táo quân năm nay cũng nên đưa chuyện này vào, Tết xem hay phải biết!!!” - Nguyen Trung:  trungnta@yahoo.com

 

“Mình không đồng tình với các bạn chút nào hết. Các bạn lên đây comment chỉ toàn nói "khôi hài".  Theo mình thấy VN ta trải qua 1.000 năm phong kiến, 80 năm Pháp thuộc, gần 30 năm chiến tranh...Ở bất kỳ thời nào cũng có chuyện chạy chức chạy quyền. Nhưng ngày nay dân giàu nước mạnh, chắc chắn là không có chuyện chạy chức chạy quyền. Mình nghĩ đó là điều đáng mừng chứ, sao các bạn lại toàn nói "khôi hài"??? Các bác ở trên đã lập hẳn một đoàn thanh tra để kiểm chứng tin đồn rồi còn gì nữa? Nhưng mà nói đi nói lại thì... ngay từ thời phong kiến cũng đã có những việc hỏi trẻ con còn biết, mà vua quan cũng có biết gì đâu!!!” - Dang Dinh Luan: dangdinhluan@yahoo.com

 

“Đúng quá đi rồi! Hà Nội làm gì có chuyện chạy công chức mà… giá bèo thế, chỉ giá cao vài trăm triệu trở lên thì mới… có thôi” - Hoàng Hà: manhanoi2011@gmail.com

 

“Chuyện thật 100% mà tưởng như đùa. Cứ thử hỏi ông giám đốc Sở Nội vụ là biết liền. Xưa nay có tên tham nhũng (trộm) nào mà tự mình nhận mình là tham nhũng (là trộm) đâu ngoại trừ bị thanh tra ra, phát hiện ra, không còn có thể cãi được nữa. Có vị giới chức nào lại tự nhận là tôi đã nhận của em A 100 triệu (hoặc nhiều hơn thế) để lo cho em nó một suất công chức huyện, tỉnh, bộ ngành nào đó (họa chỉ có người thần kinh?) Người chạy thì cũng không thể tố cáo để mình lại phải ra tòa vì vi phạm pháp luật. Đây là một dạng lợi ích nhóm mà trong xã hội ta hiện nay có lẽ là chỗ nào cũng có, ai cũng biết, chỉ có điều không ai dại gì nói ra cho người khác biết (nhất là công an mà không phải người thân) để mang vạ vào thân. Thậm chí cả người nhận (có chức quyền) và người đưa (người chạy công chức) tìm đủ mọi cách để giấu diếm, che đậy lại (ăn vụng phải biết chùi mép). Chính vì thế cái vụ điều tra của Hà Nội xem ra khó ! Quá khó. Tất nhiên là nếu làm tốt được cũng là lời cảnh báo cho những người tham gia chạy công chức nói chung” - Nguyên: hoangnguyen@gmail.com
 
(minh họa: TTNN)
(minh họa: TTNN)

 

Bóng chim tăm cá

 

Những cái xấu, cái chưa đẹp đang tồn tại ở nhiều nơi trong xã hội ta hiện nay, hay có thể nói là những tội danh từ nho nhỏ đến không lớn lắm như vi phạm an toàn giao thông, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, kể cả trộm cướp đang rất nhức nhối trên địa bàn TPHCM... thì việc tìm bằng chứng xem ra khá dễ dàng vì các thủ phạm thường là… dân. Còn những tệ nạn “tày đình” như tham ô tham nhũng, rút ruột công trình, “chạy” các kiểu… thì có lẽ do đối tượng liên quan chủ yếu là giới chức nhà nước, nên bằng chứng chẳng có chân mà vẫn luôn tìm được lối… biến mất như trong các trò ảo thuật.

 

Phải vậy chăng mà những việc người dân hầu như ai cũng biết là có Thật, thì với cán bộ các cấp các ngành vẫn chỉ luôn là chuyện… Ảo?  Khoảng cách Thật - Ảo cũng có thể là vô biên, nhưng rất có thể chỉ trong gang tấc.

 

“Tôi tin việc chạy công chức là có Thật 100% nhưng để vạch ra không phải dễ, vì tệ nạn này cũng giống như  tham nhũng. Không ai tin là ở VN hiện nay không có tham nhũng, nhưng thực tế là nó rất tinh vi và biến tướng giống như…loài sâu mới phát hiện ở Phú Yên” - Mai:  mainguyensgon@ymail.com

 

“Ảo lắm, điều tra cái gì được? Giờ thi công chức thì trăm người chạy tiền hết gần cả trăm. Không chạy thì có lẽ trừ khi có tài năng như… giáo sư Ngô Bảo Châu may ra mới đỗ, còn không thì trượt thẳng cẳng. Ngay bản thân tôi giao du ít mà cũng quen và biết chính xác có 5 cậu bạn tôi thi vào công chức cũng phải chạy trên trăm. Thời thế, xã hội giờ là vậy… Buồn!!!” – Hoàng Xuân Hòa:  kts.xuanhoa@gmail.com

 

“Dĩ nhiên là điều tra ra sao ra được khi mà cái có thể gọi là “cơ chế lá này đùm lá kia, lá kia che cho lá nọ…" Chỉ có khi nào các nhà báo chụp hình, ghi âm, quay phim rồi đưa lên công luận được thì chắc các vị chức năng nhà ta mới… té ngửa ra thôi, các bác ạ! Em mạo muội nói thế, không biết có đúng không nào?!” - Huệ Lê: huelevn@gmail.com

 

“1. Tôi rất hoan nghênh các cơ quan chức năng của Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc đối phó với tệ chạy công chức trong thành phố. Nhưng nói thật, tôi nghe thông báo của Hà Nội sau thanh tra, kiểm tra mà thất vọng quá! Thực tế cho thấy, nếu thanh tra, kiểm tra mà  đùng đùng đoàn to đoàn nhỏ theo kiểu "rung rào cá nhảy" thì kết quả như vừa qua ở Hà Nội cũng không có gì khó hiểu.

 

2. Tôi không "vơ đũa cả nắm" đâu, nhưng tôi nghĩ có lẽ cũng đừng nên quên câu (“ca rao chế”) "Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì? Hễ có phong bì là tớ "thanh kiu" (Thank you )!” - Phạm Văn Việt:  Vietpv021946@gmail.com

 

“Có thật sự làm không, hay cũng chỉ là hô hào? “Lãnh đạo thành phố có một chủ trương rất dứt khoát không có vùng cấm trong việc chạy công chức. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, bất kể người đó là ai, ở đâu” – Lại cũng chỉ là " Nếu" !!!” - Phạm Văn Sáng:  phamsang.ht@gmail.com

 

 “Tôi nghĩ, cả thiên hạ đều biết, trong đó có cả các quan quản lý nhà nước. Nhưng chẳng qua họ giả bộ vậy thôi. Có ai đi nhận tiền mà lại khai tôi nhận tiền đâu, chỉ tự lương tâm các quan chức biết mình có nhận hay không. Ví dụ cái phong bì vài triệu, nhưng vợ nhận phong bì vài chục triệu hoặc những món qua kha khá mang ý nghĩa cảm ơn cũng là nhận tiền đấy các bạn à. Muốn giải quyết vấn nạn tham nhũng, theo tôi nghĩ, không phải cứ họp rầm rộ rồi nêu lên là chống nọ chống kia. Mà tốt hơn hết là nói ít, làm nhiều chứ nói nhiều mà để đấy thì không nên nói nữa. Việc giải quyết tốt nhất là minh bạch tài sản, minh bạch lương bổng…” -  Nguyễn Quang Anh Đức: donotcry_please@yahoo.com

 

 “Sang đại học N. Hà Nội mà điều tra xem. Vừa tuyển công chức tháng 12/2012 xong, nhiều vị mua ôtô mới sau kỳ tuyển công chức đấy” – Van Thanh Thong:  vuvanchien75@gmail.com

 

“Mình cũng là một nạn nhân của tệ chạy công chức. Mình mất hơn 50tr đặt cọc trước, nhưng đã dừng lại đúng lúc. Nói chung, báo chí viết 100tr thì quá ít, chưa thấm vào đâu so với con số "báo giá" mà họ đưa cho mình. Xét cho cùng, nhà nước chắc chắn phải có cái giá gì, thì mới thi nhau chạy chứ? Tại sao các bài báo chỉ phản ánh người chạy công chức, mà không phân tích cái lợi khi mình là công chức nhỉ? Nhưng nói ra, có khi khối ông… giật mình” - Duong Bao Anh:  baoanh@gmail.com

 

“Tôi quê ở Đ., Hà Nội. Từ nhiều năm nay quê tôi đã có phong trào chạy công chức giáo viên, chuyên viên... Trước năm 2005 ít nhất cũng phải 50 triệu, đến năm 2010 thì ít nhất là trên 100 triệu, còn hiện nay phải trên 200 triệu. Muốn bắt được rất đơn giản, Thành phố Hà Nội cứ cho một cơ chế thực hiện, nếu cán bộ nào đã từng phải mất tiền chạy công chức thì báo cáo với thành phố. Thành phố sẽ yêu cầu trả đủ số tiền đó cho người chạy công chức, ngoài ra được thưởng bằng số tiền tương đương và bảo lãnh tiếp tục cho làm công chức, viên chức. Mọi thông tin cán bộ công chức cung cấp được bảo đảm bí mật tuyệt đối. Nếu cán bộ hoặc đơn vị nào để lộ thông tin sẽ kỷ luật thật nặng, đuổi khỏi ngành, truy cứu tránh nhiệm hình sự, dân sự nếu cần thiết. Nếu làm được vậy tôi tin chắc phải có ít nhất 30% cán bộ công chức từng chạy công chức sẽ tham gia tố cáo. Nhưng Hà Nội có mạnh dạn để làm hay không thôi, còn làm thì có lẽ cũng đơn giản. Song muốn bắt được cọp thì cũng phải có mồi ngon để nhử chứ, không có mồi thì sao mà nhử được cọp. Bó tay.com với kết luận của Thành phố Hà Nội là không có việc chạy công chức 100 triệu. Đúng là chuyện tiếu lâm thế kỷ 21!” - Nguyễn Tiến Hưng:  tienhung_vifep@yahoo.com.vn

 

“Kể ra cũng khó thật. Người muốn xin việc thì cần được việc. Người nhận người và tiền thì cần sự kín đáo"bí mật". Điều này thường chỉ bị vỡ lở ra khi người tuyển việc đòi quá cao, người xin không đáp ứng nổi thì mới hé lộ, nhưng không có bằng chứng. Theo tôi một biện pháp hữu hiệu nhất là trà trộn các nhân viên chức năng theo kiểu “đặc vụ” vào những thời điểm thi công chức,  trang bị những thiết bị hiện đại ghi hình, ghi âm. Lúc đó người ta mới không thể chối cãi được. Chứ không tệ nạn này chắc sẽ mãi theo thời gian năm tháng và theo sự biến đổi của đồng tiền, tôi lo là sẽ trở thành… quốc nạn mất. Bản thân tôi chỉ có đôi dòng góp ý. Xin chân thành cảm ơn nếu những dòng tâm huyết này được đăng tải” - Phạm Ngọc Quang:  pquang668@gmail.com

 
(minh họa: Petrotimes)
(minh họa: Petrotimes)
 

Cái kết đã dễ dàng dự báo được trước, nên “lời nói đế” dưới đây có thể coi như lại gợi mở ra hướng mới cho một kịch bản khác (chắc sẽ rất ăn khách đấy):

 

“Không biết các vị này còn nói theo kiểu diễn như thế đến bao giờ nữa? Các vị đi kiểm tra nhưng thử hỏi có vị nào tham khảo ý kiến nhân dân chưa? Vì sao dư luận lại bức xúc như thế? Vì điều đó là quá thực tế... Nhưng tôi thấy ở VN, có lẽ phải kính nể các vị cán bộ nói chung về khả năng… diễn như kịch” - Nguyen Thien: co_hoa_5@yahoo.com

 

Kiều Anh