Chạy công chức: Cuộc đua kia cũng có dăm bảy đường

(Dân trí) - Ngược hẳn với kết quả “sạch”sau khi thanh tra "nghi án chạy công chức 100 triệu" của Hà Nội, những cái kết gợi mở của người dân phong phú và có sức hút hơn nhiều. Và tương tự là kha khá “bật mí” về “những ngả đường phù sa” của cuộc đua đặc biệt này.

(minh họa: tamnhin.net)
(minh họa: tamnhin.net)

 

Đằng sau tính từ “Sạch”

 

Dân ta vốn có tiếng là nhanh nhạy, nên cũng có thể nhiều chuyện thuộc về cái gọi là “luật  bất thành văn” người thường thì biết rõ mười mươi, nhưng các giới chức vẫn không thể biết (không tính tới những vị biết nhưng… vờ không biết). Vì chính vị thế của giới chức đã như tấm thẻ ưu tiên giúp họ lọt qua mọi cánh cửa luôn mở rộng thênh thang rồi.

 

Còn nhiều người dân ta xưa nay do tự phải thích ứng với mọi tình thế xảy ra, nhất là những kiểu cách làm việc… chỉ có ở VN, nên cứ một đồn mười, rồi mười đồn trăm…Thế là cổng chính hẹp quá, người đông chen nhau khó lọt thì dại gì ta không tản ra tìm… cửa sau? Những cánh cửa sau đó có thể bí mật với các cán bộ, giới chức, nhưng với dân thường thì khá là công khai, đúng như Thế Dũng dangthedung146@gmail.com kết luận khi liên hệ với “nghi án 100 triệu” này: 

 

“Đó là một bí mật hiển nhiên”.

 

Để có thêm minh chứng hiển nhiên, nick Mất Lòng Tin thi.ntr86@gmail.com đề xuất: 

 

“Đề nghị báo Dân trí lập mục khảo sát để lấy ý kiến của người dân về "Có hay không chạy công chức" là biết rõ ngay sự thực!”

 

Hải_HP cop_vh@yahoo.com nêu kết luận khác vừa mang tính y học, vừa mang tính xã hội: 

 

“Đây là căn bệnh ung thư sắp sửa di căn, phải có thuốc đặc hiệu, chứ tôi thấy họ đưa ra kết luận như vậy là… coi thường nhân dân. Đúng là chưa bao giờ lòng tin của người dân chúng tôi lại bị thử thách như hiện nay”.

 

Phúc ND phucbg1988@gmail.com xoáy sâu vào phía sau trạng thái “sạch” trong kết luận thanh tra:

    

“Sạch lắm! Mình vừa nhận được một lời mời với giá 140 triệu để được làm 1 chân gì đó và ở đâu đó mà thật ra mình cũng chẳng biết rõ, chỉ thấy bố bảo thế. Còn mấy đứa bạn mình thì đứa mất 180 triệu vào làm giáo viên cấp 2 ở huyện, 1 đứa thì mất 195 triệu để vào làm kế toán kiểm toán ở đâu đó, mình cũng chẳng rõ nữa. Giờ tiêu chí chủ yếu để có việc làm chính là: Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn mới đến trí tuệ còn bằng cấp gì thì mặc kệ. Ôi cái cuộc đời này, sao vẫn bất công với người nghèo quá như thế!!!”

 

Bich Ngoc bichngocvttb@gmail.com chia sẻ bằng kinh nghiệm xương máu của bản thân:

 

"Sạch sẽ " 2 từ không thuyết phục một chút nào và nghe thật nực cười. Tôi đã tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội 1 được vài năm, loại khá rồi đã có bằng thạc sĩ. Đợt vừa rồi tôi có tham dự kì thi công chức giáo viên, có người chỉ cho tôi chạy 240 triệu, nhưng do hoàn cảnh gia đình không đủ điều kiện tôi đã không chạy. Tôi đi thi và khi nhận được kết quả thì tôi hết sức ngạc nhiên, người đỗ có điểm chênh lệch rất lớn đối với các ứng viên khác. Phần soạn giáo án tôi không dám nói người ấy làm kém hay không, nhưng phần giảng thì tôi không phục khi người đó được điểm quá cao như thế. Thi giảng 1 tiết là 45 phút, không có học sinh. Như vậy phải trừ đi thời gian hoạt động của học sinh ít nhất 15 phút, tức là thời gian giảng tối đa 30 phút. Vậy mà người đó giảng tới 50 phút, lỗi “cháy giáo án”, vậy mà gần đạt điểm tối đa. Và thế là điểm trung bình tốt nghiệp được cao nhất… Giáo viên mà dốt, kém thì không chỉ tác hại 1 hay 2 người, mà hại cả một thế hệ sau này...”

 

Bởi thế nên thực tế về niềm tin hiện nay xem ra đúng 100% như nhận xét của Ngô Hoàng Thiện songhai76@gmail.com:

 

“Chẳng những tuổi trẻ mất lòng tin mà ngay cả thế hệ đi trước cũng đã mất lòng tin rất nhiều, nếu những chuyện như thế này cứ tiếp tục tiếp diễn. Hi vọng Đảng và Nhà nước sẽ bằng những hành động thiết thực và mạnh mẽ củng cố lại niềm tin cho người dân”.

 
Đường thẳng khó đi, tìm đường vòng tới đích
Đường thẳng khó đi, tìm đường vòng tới đích
 

Đường thẳng… chông gai, đường vòng… êm ái

 

Đường đua vào những chiếc ghế công chức, tất nhiên không phải luôn là đường vòng lắt léo với những cánh cửa sau “bí mật” chỉ những ai biết “câu thần chú” (Tiền đây, mở cửa ra) mới lọt vào được, mà cũng có dăm bảy ngả: 

 

“Nói chung là bây giờ vẫn có một lượng công chức không phải chạy. Đó là những người thật sự có năng lực, sau khi học xong các trường ĐH, CĐ... được nhà trường giữ lại ngay làm giảng viên. Hoặc may mắn có một số cơ quan nhà nước có cán bộ quản lý tâm huyết thật sự, cần người có năng lực về nên tuyển dụng đúng người. Nhưng cũng còn một lượng vô cùng lớn là dùng tiền chạy vào các cơ quan hành chính sự nghiệp của nhà nước (công chức). Và tôi cũng biết rằng không còn giá 100 triệu nữa đâu. Tôi biết mới đây, sinh viên học viện quân y ra trường chạy làm việc tại  BV…ở HN mất khoảng 550 triệu, vào BV… mất khoảng 400 triệu và vào BV… mất khoảng 300 triệu (Tất nhiên là điểm học lực cũng phải đạt tiêu chuẩn). Như vậy là ngoài năng lực vẫn phải có tiền nữa. Mà các bạn sinh viên đó nếu không bỏ tiền ra vẫn có thể làm công chức, nhưng thường phải đi các vùng xa xa và thu nhập cũng sẽ thâm thấp. Nhưng ai dám nhận mình chạy tiền để được là công chức nhỉ???” - Người Việt:  yeugaidepnhieu12@yahoo.com

 

“Thưa các vị. Không ai khác mà chính bản thân tôi từng thi được công chức mà không phải chạy, nhưng đến khi họ bố trí công việc thì không đúng người đúng việc. Bố trí công việc khác hoàn toàn với bằng cấp mình học và kinh nghiệm mình đã làm. Sau này tôi được cô văn thư cho biết là nếu tự thi được thì khi vào rồi vẫn phải bỏ ra ít nhất 50 triệu mới được bố trí đúng công việc. Sau đó tôi bực quá bỏ luôn công việc đã được giao, dù tôi cũng viết đơn gửi lên cấp cao hơn những cũng chẳng có ý nghĩa gì hết” - Công:  cong234@gmail.com
 

“ Thực sự chạy công chức hoàn toàn là sự thật, nhưng cũng có sự thật là chạy công chức nhiều khi không phải vì vài ba triệu tiền lương vì lương có thấm vào đâu. Tôi làm cho công ty tư nhân lương 5triệu /tháng nhưng lúc nào cũng không có tiền trong túi. Vậy lấy đâu ra mua xe, tậu nhà cửa đất đai... Chạy công chức chủ yếu là chạy lấy quyền, có quyền thì mới có lậu, mà lậu thì ai biết bao nhiêu tiền … Chả thế mà cứ làm sếp vài năm thì xe ô tô cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thôi…” - Vinh Dao:  xuanvinhdt1@gmail.com

 

“Chỉ những người là “con ông cháu cha” thì mới không mất tiền thôi, còn không thì có lẽ phải tới gần 100% mất tiền . Bây giờ ở các tỉnh lẻ còn 180 đến 200 triệu nữa kìa. Ở cơ quan tôi có người chạy mất 200 triệu chỉ để làm văn thư lương 1,8 triệu thôi đấy. Thế mới thấy giới chức bây giờ không ít người tệ quá, tiền nhà họ có thiếu đâu mà họ vẫn thèm tiền của người dân? Chúng tôi tính phải mất mười mấy năm người chạy nhịn ăn nhịn mặc có lẽ mới thu hồi lại được 200 triệu” - Nguyễn Thị Nguyệt:  nguyetNP2@yahoo.com.vn

 

“Nếu không có tình trạng có những người mang tiền đến các vị có chức có quyền nhờ chạy vạy, thì cũng đâu có chuyện tiêu cực xảy ra, thưa toàn thể nhân dân. Trong trường hợp này cả hai bên cùng... có lợi mà. Xã hội càng phát triển thì tình trạng tham quan, tiêu cực có lẽ lại càng nhiều. Tôi nghĩ có lẽ khó ngăn cấm được lắm. Nên đòi hỏi sự công bằng và minh bạch, may chăng chỉ có… trên giấy mà thôi!” - nick Chuyện thường:  lexoandh86@gmail.com

 

Sự thực còn được bạn đọc nêu vô vàn dẫn chứng chứng minh, đồng thời đề xuất những kế  sách xem ra cũng… không có gì mà ầm ĩ:

 

“Quá dễ để tìm thủ phạm. Tôi không là quan chức gì nhưng nếu muốn tìm thì tôi có cách ngay: Xem lại bài thi, lọc ra các bài chép y nguyên đáp án không sai từ nào. Tổ chức thi lại thật nghiêm túc. Ai đạt sẽ chấp nhận, ai không đạt gạt bỏ ngay và công bố công khai. Người đó thấy MẤT TIỀN oan trong lần chạy chọt trước, sẽ nghĩ không còn gì để mất nữa. Vậy là ra vấn đề thôi” – Bui Kieu:  buikieu29@gmail.com

 

“Mình đang làm tại bộ phận kiểm soát nội bộ của một tập đoàn lớn nước ngoài. Thực ra nếu công ty mình mà có hiện tượng này, chỉ cần bí mật thuê 1 số sinh viên đi xin việc thử  là biết ngay. Nhưng cái chính là có dám làm đến nơi đến chốn không. Bây giờ xã hội mình nó là thế, rành rành ai cũng biết, nhưng điều tra bao giờ cũng chẳng thấy gì vì còn phụ thuộc vào… cái tâm của người điều tra cơ” - Duong: duonglge@yahoo.com

 

Viết tiếp kết không có hậu:

 

“Hà Nội thật sự chưa quyết tâm chống tiêu cưc. Việc họ không tìm ra một vụ "chạy" công chức nào trên khắp địa bàn Hà Nội, gồm cả Hà Tây cũ là điều ai nghe cũng thấy vô lí và tự hiểu là tại sao họ không tìm ra. Với cách làm việc như vậy, công dân thủ đô hãy tiếp tục chuẩn bị mà bị "hành" tiếp vì chính các công chức kém chất lượng đang được "chạy" quanh thành phố...” - Phananle:  phananle@yahoo.com.vn
 

Khánh Tùng