Bạn đọc viết

"Chất độc đó đến Bộ cũng khó tìm ra?"

Ông phó Sở NN&PTNT Hà Tĩnh lại khẳng định "Chất độc đó đến Bộ cũng khó tìm ra". Vì tất cả đều đã đúng qui trình, đúng luật pháp, được phép xả thải, được phép chạy đường ống ngầm như một vị lãnh đạo bộ TN&MT đã khẳng định. Chỉ có điều xả cái gì, xả lúc nào thì xin lỗi, ai mà theo dõi, kiểm soát được cái hệ thống xả thải khổng lồ như thiên la địa võng, mỗi ngày đổ ra biển 12.000m3 trong cái đường ống cắm sâu dưới đáy biển?

Minh họa: Ngọc diệp
Minh họa: Ngọc diệp

Đó là khẳng định của một lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tại cuộc họp vào chiều 20/4 với Bộ NN&PTNT về vụ cá chết bất thường hàng loạt tại các lồng bè và bờ biển thị xã Kỳ Anh.

Cùng thời điểm đó, chia sẻ của ông Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Khánh Ly : "Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Ánh vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này". Báo điện tử VietnamNet chạt tít:Vụ cá chết: 'Chúng tôi không thể vào kiểm tra KCN Vũng Áng'.

Thế là đã rõ, tại sao ông phó Sở NN&PTNT Hà Tĩnh lại khẳng định "Chất độc đó đến Bộ cũng khó tìm ra". Vì tất cả đều đã đúng qui trình, đúng luật pháp, được phép xả thải, được phép chạy đường ống ngầm như một vị lãnh đạo bộ TN&MT đã khẳng định. Chỉ có điều xả cái gì, xả lúc nào thì xin lỗi, ai mà theo dõi, kiểm soát được cái hệ thống xả thải khổng lồ như thiên la địa võng, mỗi ngày đổ ra biển 12.000m3 trong cái đường ống cắm sâu dưới đáy biển?

Trên báo điện tử Dân trí ngày 24-4 có bài viết thu hút được sự quan tâm của độc giả với hơn hai mươi ngàn lượt chia sẻ chỉ sau mấy tiếng đồng hồ được đăng tải. Phải chăng bài báo đã nói đúng tâm trạng, suy nghĩ của đông đảo bạn đọc. Tác giả nêu vấn đề: "Tại sao ngay trên lãnh thổ Việt Nam lại có cứ điểm nước ngoài “không thể xâm phạm” như thế? Ai đã đặt ra “luật” không được tiến hành kiểm tra hoạt động của khu công nghiệp Vũng Áng?". Và so sánh: "Nhìn lại vụ xả chất thải ra sông Thị Vải của công ty Vedan, 100% vốn đầu tư Đài Loan, đã được Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện năm 2008, vi phạm luật về bảo vệ môi trường Việt Nam. Khi đó, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và buộc Vedan chịu phạt và bồi thường thiệt hại cho người dân".

Tác giả bài báo tiếp tục chất vấn: "Có điều gì mờ ám đằng sau KCN này? Nếu doanh nghiệp nước ngoài biến khu vực đầu tư của mình thành cứ điểm “bất khả xâm phạm” gây hại môi trường, làm hại cuộc sống người dân như thế thì có cần “trải thảm đầu tư” chào đón họ không?"

"Phải chăng, chúng ta đã mất “chủ quyền” ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam?". Tác giả bài viết kết luận.

Người viết bài này cũng đồng suy nghĩ như tác giả bài báo. Chỉ có điều hi vọng cái "phải chăng…" ấy chỉ là giả thiết, không bao giờ xảy ra.

Dưng mà, sự thật đã phơi bày trên các phương tiện thông tin đại chúng khi Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh là Chu Xuân Phàm nói: "Chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm".

Đó khác chi là một lời tự thú của lãnh đạo Formosa. Vậy có cần chi việc truy tìm chất độc gây cá chết hàng loạt nữa.

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

- http://infonet.vn/bo-truong-cong-thuong-cu-doan-kiem-tra-moi-truong-tai-formosa-post196916.info

- http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tam-diem/300746/vu-ca-chet-chung-toi-khong-the-vao-kiem-tra-kcn-vung-ang.html

- http://dantri.com.vn/dien-dan/phai-chang-chung-ta-da-mat-chu-quyen-ngay-tren-chinh-lanh-tho-viet-nam-20160424090606778.htm

- http://m.vtc.vn/giam-doc-doi-ngoai-formosa-thach-thuc-khong-the-duoc-ca-2-phai-chon-hoac-nha-may-hoac-ca-tom.2.616315.htm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm