Tiêu điểm:

Chấm điểm các bộ

(Dân trí) - Đây là lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu thực hiện chấm điểm để đánh giá chất lượng họat động của các bộ. Từ trước đến nay, người dân, doanh nghịêp khen ngợi hay kêu ca bộ này, ngành khác, nhưng đó là những nhận định cảm tính…

Chấm điểm các bộ - 1

Bảng tổng hợp kết quả MEI 2011 (ảnh: Lan Hương)
Phòng Thương mại và Công nghịêp VN (VCCI)  vừa tiến hành việc “chấm điểm” các bộ với chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ (MEI). Khảo sát này chỉ tiến hành trên 14 bộ có liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, kết quả được công bố vào ngày 28.12 với lời cảnh báo: tất cả các bộ đều cần cải cách và cải cách trên tất cả lĩnh vực.

 

Đây là lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu thực hiện chấm điểm để đánh giá chất lượng họat động của các bộ. Từ trước đến nay, người dân, doanh nghịêp khen ngợi hay kêu ca bộ này, ngành khác, nhưng đó là những nhận định cảm tính, không có các căn cứ đánh giá  bằng các tiêu chí khách quan và khoa học. Chính vì chưa có nghiên cứu nghiêm túc nên các bộ ngành chưa có cơ sở để biết được xã hội đang đánh giá mình như thế nào, có những ưu khuyết gì để điều chỉnh. Lần này, nhóm nghiên cứu đưa ra sáu chỉ số để đánh giá các bộ, gồm: xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, công khai thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cuối cùng là rà soát kiểm tra tổng kết thi hành pháp luật. Mỗi chỉ số trên có nhiều chỉ số thành phần để đánh giá từng việc của các bộ như: thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, tính thống nhất và khả thi của văn bản pháp luật, giải quyết vướng mắc và trách nhiệm giải trình...

 

Kết quả xếp hạng các bộ theo chỉ số MEI 2011 cho thấy không có bộ nào đạt điểm khá. Có thể các bộ sẽ rất không hài lòng khi được đánh giá như vậy, nhưng cũng nên xem đây là thông tin tham khảo. Cũng có ý kiến cho rằng việc đánh giá của MEI mới dừng lại ở cảm nhận của doanh nghiệp, cho nên cần phải hoàn thiện các chỉ số để kết quả khách quan hơn. Đại diện nhóm nghiên cứu nêu quan điểm, cảm nhận cũng là một yếu tố đánh giá có ý nghĩa không thể bỏ qua. Và có một thực tế khách quan khác, chất lượng của các bộ qua kết quả khảo sát  phù hợp với hiện thực của nền kinh  tế - xã hội của đất nước. Nếu như các bộ ngành đều đạt “điểm giỏi” thì VN đã đứng ngàng hàng với các nước “giỏi” trong khu vực.

 

Các công trình nghiên cứu đánh giá chất lượng hoạt của các bộ ngành hay chính quyền các cấp là rất cần thiết. Ngoài đưa ra các thông tin để các bộ ngành và UBND các tỉnh sửa đổi những tồn tại hoặc phát huy các thế mạnh, thì việc tổ chức nghiên cứu “chấm điểm” này còn thể hiện tính dân chủ trong xã hội. Các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các cấp làm việc tốt hay không và  hiệu quả đến đâu thì hãy để cho dân chúng đánh giá, không thể chỉ dựa vào các báo cáo thành tích tự khen mình như đã diễn ra lâu nay.

                                                                                                           
Lê Chân Nhân